(Tấm Gương) – “Làm thầy giáo cô giáo phải giỏi chuyên môn và thật sự thương yêu học trò" là quan niệm của thầy Lê Đình Cương - người đã có hơn 50 năm đứng lớp dạy môn Lịch Sử.

Nay ở tuổi 78, mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền hậu ẩn sau cặp gọng kính màu hổ phách, thầy Lê Đình Cương vẫn truyền cảm hứng cho người đối diện sự trẻ trung, nhiệt huyết về nghề giáo. “Thầy luôn tự hào về việc chọn đúng nghề và chọn đúng môn Lịch Sử yêu thích. Trọng nghề thì nghề không phụ mình”, thầy Cương bộc bạch.

Trước khi gắn bó với trường THPT Hoàng Diệu và THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), thầy Lê Đình Cương đã có 20 năm giảng dạy tại Nam Định từ năm 1961. Sau khi nghỉ hưu, thầy Lê Đình Cương tiếp tục gắn bó với các thế hệ học trò trường THPT chuyên Đại học Sư Phạm, trường Newton và trường THCS Nguyễn Tất Thành. Thầy Cương cho hay, lứa học trò đầu tiên của thầy cũng 72 – 73 tuổi.


Thầy giá Lê Đình Cương với hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học môn Lịch sử


Thầy giá Lê Đình Cương với hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học môn Lịch sử . Ảnh: Duy Phạm

Trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ Hàng Khoai I (Hà Nội) của thầy Lê Đình Cương có nhiều kỷ niệm, hình ảnh gắn với các thế hệ học trò. Lật từng trang album ảnh, thầy chia sẻ hình ảnh chụp chung với những học trò mà nay đã thành danh.

Dừng bên chiếc ảnh chụp cùng ca sĩ Hồng Nhung, thầy xúc động chia sẻ: “Ca sĩ Hồng Nhung là học trò trong lớp thầy làm chủ nhiệm 3 năm. Hồng Nhung là một học trò thông minh và có năng khiếu hát nên thầy động viên rất nhiều". Trong đêm nhạc “Có phải em mùa thu Hà Nội” của ca sĩ Hồng Nhung, thầy Lê Đình Cương cho hay đã tặng mười bông hoa hồng và chúc cô học trò rằng, mong con khỏe mạnh và hát hay, giữ được nét thanh lịch người Hà Nội. Hồng Nhung xúc động ôm chầm lấy thầy giáo và khóc”.

Đến với học trò bằng tình cảm

Quan niệm về nghề giáo, thầy Lê Đình Cương cho hay: “ Đã làm thầy giáo, cô giáo phải có hai điều kiện là giỏi chuyên môn và thương yêu học trò. Thầy ghi nhớ thời nhà Trần, các tướng coi binh lính như tay chân như cha với con – phụ tử chí binh, làm nghề giáo cũng vậy. Có phê bình cũng là từ lòng yêu thương”.

Không chỉ từ sự trân trọng nghề và tình yêu đối với học trò, thầy Lê Đình Cương còn để lại dấu ấn cho các thế hệ học trò những bài giảng về môn Lịch Sử. Những thông tin dày đặc sự kiện, số liệu của lịch sử khéo được thầy tóm tắt và kể chuyện thay vì để học trò cặm cụi ghi chép.

“Thầy đọc, trò chép”, thầy Cương cho hay, phương pháp dạy học này lạc hậu, tốn nhiều thời gian và không phát huy được trí tuệ học trò. Muốn có phương pháp hiệu quả hơn, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian tìm phương pháp, đặt ra những câu hỏi đa dạng dẫn dắt học sinh trả lời. Thầy giáo sẽ tổng hợp lại những ý chính cuối mỗi bài giảng.

Đối với môn Lịch sử, thầy Cương cho rằng: “Để học sinh thích học lịch sử, điều đầu tiên thầy giáo đọc rất nhiều để có được nhiều câu chuyện lịch sử. Cần làm sống lại lịch sử bằng cách đặt bài lịch sử vào hoàn cảnh thời kỳ diễn ra để giảng cho học sinh. Lịch sử không phải môn khó như Toán, Lý , Hóa … mà học sinh không hiểu bài. Không hiểu bài chỉ do chưa tập trung. Với những học trò như thế thầy thường đặt câu hỏi cho học sinh trả lời và nhắc lại một cách vắn tắt”.

Theo thầy Cương, lịch sử không chỉ là những sự kiện, mốc thời gian mà còn có rất nhiều lịch vực gắn liền như Văn hóa Nghệ thuật, Khoa học kỹ thuật, Tôn giáo…Tất cả những điều này, thầy giáo cần nắm vững, biết rộng để truyền đạt cho học sinh. "Còn chỉ có kiến thức trong sách giáo khoa thì làm sao có kiến thức vững vàng để truyền đạt lại cho học sinh", thầy Cương nói.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, câu chuyện cuộc sống, thầy Lê Đình Cương còn hướng học trò qua các chương trình văn nghệ. Tại những dịp lễ, chào cờ hay những buổi giao lưu văn nghệ, thầy Cương thường hay hát bài “Tiểu đoàn 307”. Thầy chia sẻ về bài hát: “Năm 1960 khi thầy còn là sinh viên một lần nghe được lời ca bài “Tiểu đoàn 307” do ca sĩ Quốc Hương thể hiện trên Đài tiếng nói Việt Nam thì thầy thích ngay lần đầu tiên. Đó là bài hát tiểu đoàn hào hùng đánh Pháp, mang màu sắc và tính cách Nam Bộ, nhịp điệu thôi thúc và tinh thần cao. Chính vì thế, thầy muốn truyền đạt lại cái nhịp điệu, tinh thần đấy cho học sinh của mình”.


Thầy Lê Đình Cương trong đêm nhạc  “Có phải em mùa thu Hà Nội” của học trò là ca sĩ Hồng Nhung


Thầy Lê Đình Cương trong đêm nhạc “Có phải em mùa thu Hà Nội” của học trò là ca sĩ Hồng Nhung . Ảnh: internet

“Không thi là trò không học thầy không dạy”

Trước thực tế, không ít học sinh không hiểu về lịch sử, lười học Lịch sử, thầy Cương cho rằng: “Đừng trách học sinh không thích học Lịch sử vì ngay từ THPT, học sinh phải lựa chọn khối và học lệch để thi đỗ Đại học". 

Theo thầy Cương có hai lý do chính: Nhiều học sinh chọn học các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa… hơn các môn xã hội, trong đó có môn Lịch sử vì gắn với những ngành học có nhiều cơ hội việc làm hơn. Thứ hai, thầy cô dạy Lịch sử dạy chưa hay để thu hút học trò, cùng một phần trách nhiệm thuộc về những người viết sách giáo khoa.

Thậm chí, không ít trường THPT sau khi công bố thi tốt nghiệp THPT 6 môn, không thi môn Lịch sử thì lập tức cắt luôn, không dạy nữa để dạy các môn thi. Ngay cả những người lãnh đạo cũng không quan tâm đến môn Lịch sử và cách thi của Bộ bây giờ càng làm cho học sinh không thích môn Lịch sử. Lớp 12 thi tốt nghiệp sáu môn các thầy dạy đến ba tháng mới biết thi môn gì thì còn dạy nghiêm chỉnh, bây giờ thi THPT gồm 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn thì chẳng dại gì học sinh chọn môn Lịch sử cả vì đa số học sinh thi vào Đại học không thi Lịch sử”.

Nhớ về ngày xưa, thầy Cương còn tâm sự : “Ngày trước khi đi học, thầy học hết lớp 5 phải viết ba môn: Tập làm Văn, Toán và Khoa – Sử - Địa, đỗ thi viết rồi thi hai môn: Học thuộc lòng hoặc Hát và Vẽ. Hết cấp II thì thi 6 môn thi viết, đỗ thi viết mới được thi vấn đáp 2 môn Toán Văn và các môn không thi viết. Thi hết cấp III thì cũng phải thi giống hết cấp II, vậy mà học sinh còn học được. Đến bây giờ thì mọi người cứ sợ học trò thi nhiều, bớt môn đi, hạn chế chương trình, đồng nghĩa là thầy không dạy và trò sẽ không học”.

Duy Phạm

Nguồn:
Link bài viết gốc