May mắn được sinh ra trong một thời đại hòa bình, đất nước sạch bóng quân thù, tôi và biết bao thế hệ trẻ ngày hôm nay luôn mang trong mình niềm biết ơn sâu sắc tới những người chiến sĩ, những người anh hùng đã hi sinh, chiến đấu hết mình, bảo vệ hòa bình của Tổ quốc. 70 năm trôi qua (22/12/1944 - 22/12/2014), những ngày này, cả nước đang tưng bừng đón mừng ngày lễ trọng đại - ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

70 năm về trước, ngày 22/12/1944, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập chỉ với 34 người. Không phải là những người chiến sĩ được rèn luyện bài bản qua trường lớp, nhưng với lòng yêu nước cháy bỏng và ý chí chiến đấu sục sôi, họ đã nguyện thề 10 điều danh dự vì Tổ quốc. Những người xuất phát điểm thuần nông ấy đi dép lê hoặc chân đất, quần áo vá víu, nhưng khí thế lại hiên ngang, ánh mắt ngời sáng một niềm tin bất diệt. Họ chính là những người lính đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Bao năm qua đi, những chiến công hiển hách của Quân đội Việt Nam vẫn mãi in đậm trong trái tim mỗi người con Việt Nam. Họ đem tới cho biết bao người dân tự do, sự ấm no, hạnh phúc. Những người lính ấy đã không tiếc thân mình, gạt gia đình, tình cảm riêng tư sang một bên, một lòng trung thành với Tổ quốc, hướng tới một tình yêu cao cả chung là nước nhà thống nhất, thái bình. Là “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là con đường Hồ Chính Minh trên biển, là trận đánh Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, là cuộc tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, là 73 ngày đêm tại con sông Thạch Hãn - “cái mồ xay thịt người”, là trận chiến Điện Biên Phủ trên không, là địa đạo Củ Chi, là lực lượng tình báo tại miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ khiến CIA phải hổ thẹn, ...

Trong những người lính ấy, có những người đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ là những người con trai, những cô gái còn đang ngồi trên ghế giảng đường, xung phong ra mặt trận, vượt qua mưa bom bão đạn, hiến dâng cả tuổi thanh xuân tươi trẻ của mình cho đất nước. Mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, ngọn suối đã thấm biết bao mồ hôi, xương máu của họ.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

Đối địch với những lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới với những trang thiết bị vũ khí hiện đại, tối tân số một là Mỹ, Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn anh dũng chiến thắng. Quân với dân ta luôn đoàn kết, đồng lòng giữ gìn từng tấc đất cha ông để lại.


Lực lượng Quân đội hùng mạnh hôm nay

Có lẽ hàng ngàn chữ cũng không thể kể hết thành công, gian khổ, sự hi sinh cao cả trong quá khứ của Quân đội Nhân dân Việt Nam ta. Tôi viết bài viết này, là muốn nói tới hình ảnh những người quân nhân thời bình, là khi đất nước đã thống nhất, yên vui, họ vẫn ngày đêm cống hiến sức mình cho Tổ quốc.

Gia đình tôi có truyền thống về bộ đội, từ thời ông bà tôi đã đi thanh niên xung phong, rồi các bác, các cô và cả bố tôi, cũng là quân nhân. Cõ lẽ, so với các bạn đồng trang lứa, quân đội với tôi trở thành một niềm tự hào và thiêng liêng riêng biệt.

Từ nhỏ, tôi đã thường nghe thấy câu nói phát ra từ Đài Tiếng nói Việt Nam mà ông nội hay nghe mỗi sáng: “ Quân đội ta, trung với Đảng, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lớn lên, giữa những mùa bão lũ tràn về, tôi vẫn hay bắt gặp những hình ảnh các chú bộ đội giúp dân chống lũ, dựng nhà cửa, dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, trấn giữ biên cương, hải đảo, gìn giữ yên bình cho người dân, xóa đói, giảm nghèo... Tôi biết đến những chiếc bánh chưng gói từ lá bàng ở hải đảo, là thiếu thốn, khó khăn đủ mọi điều ở những bản làng nghèo nàn vùng núi nhưng luôn rực lên hình ảnh quân và dân nắm tay nhảy múa bên ngọn lửa ấm áp mỗi dịp Tết đến xuân về. Tôi biết đến nơi thao trường huấn luyện gian khổ của những người lính còn rất trẻ, là những hình ảnh hàng ngàn người chiến sĩ lo toan, gánh vác việc khó với dân. Quân đội ta, mãi mãi là một quân đội vì dân như thế, như cá với nước, không thể tách rời. Khoác lên mình màu xanh áo lính, những người lính bộ đội cụ Hồ vẫn luôn làm ấm lòng dân, khiến dân vững tin, yêu mến dù trong bất kì hoàn cảnh nào.


Lữ đoàn công binh 293 giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, tỉnh Lâm Đồng (ảnh Internet)

Thời chiến tranh, những chiến sĩ đã phải rời xa bố mẹ già, em nhỏ, rời xa gia đình lên đường chiến đấu. Nhiều người cho rằng, đó chỉ là chuyện của thời chiến mà không hề hay biết rằng, ở thời bình, vẫn luôn có những người lính như thế. Từ khi tôi còn bé xíu, bố tôi đã đi công tác xa, 2 tuần mới về thăm mẹ con một lần. Khi tôi chuyển lên Hà Nội sinh sống, bố đi xa tới mức không thể 2 tuần mà thay vào đó là nửa năm, mười mấy tháng mới về thăm mẹ con. Từng ngày, bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn luôn chứng kiến cảnh những người phụ nữ xung quanh mình nuôi con một mình khi chồng biền biệt nơi xa, là hải đảo, là biên giới, là vùng núi, là nước ngoài... Những người phụ nữ ấy, họ là hậu phương vững chắc của những quân nhân, là động lực để các chú bộ đội yên tâm công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi tin họ hi sinh nhiều hơn bất cứ người phụ nữ nào trên cả nước. Thiếu đi người đàn ông trong gia đình như căn nhà thiếu đi cây cột lớn, những người phụ nữ ấy, họ phải thay thế vào cây cột đó, chèo chống gia đình, nuôi dạy con cái, lo toan mọi việc.

Bộ đội là một nghề gian khổ, và chính những khó khăn gian khổ ấy khiến họ trở nên cao cả. Tôi tự hào lắm khi mình là một người con đất Việt, nơi có một Quân đội anh hùng mà thân thiện, hết lòng vì dân như thế. Ngay cả khi chiếc áo đồng phục trường tôi màu xanh, màu của bộ quân phục mà bố tôi mặc hàng ngày, tôi cũng cảm thấy thật ý nghĩa.

Lời cuối, xin trích một lời nói của Nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “ Quân đội ta xứng đáng là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.


Nguyễn Thị Ngọc Ánh - 11D2 (CLB Phóng viên)