Học trên lớp, học ở trường, bồi dưỡng tri thức là một điều cần thiết nhưng nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện nhân cách cũng là vấn đề quan trọng không kém.

Như thường lệ, tiết cuối của mỗi chiều thứ 7 hàng tuần lớp em lại có một buổi học về giá trị sống. Tuần này, đặc biệt hơn mọi lần khi mà cô chủ nhiệm không cho trước chủ đề để thảo luận, và đặc biệt hơn là tiết học có sự tham gia của cô giáo Mạnh Linh phụ trách phòng tham vấn tâm lý học đường của nhà trường. Mở đầu buổi học, cô chủ nhiệm mời bốn bạn lên thực hiện một hoạt động nhỏ. Em và các bạn đã hết sức ngạc nhiên khi nghe yêu cầu kì lạ của cô: chuyền một chiếc bút từ bạn đầu tiên đến bạn cuối hàng và không nói thêm bất cứ điều gì hết. Lần làm thứ hai có sự thay đổi: trước khi đưa bút cho bạn đầu tiên, cô bảo thêm một câu: “Con đưa giùm cô cây bút xuống bạn cuối hàng”. Như nắm bắt được ngay thông điệp cô muốn truyền tải, bạn đầu hàng đã đáp lại lễ phép: “Vâng ạ” và khi chiếc bút đến tay bạn cuối cùng, bạn ấy đã biết cảm ơn người đã đưa lại cho mình. Cả lớp cùng ồ lên một tiếng, tấm tắc khen cách dẫn dắt khéo léo của cô Lan Anh khiến chúng em hiểu ngay ra bài học hôm nay đề cập tới vấn đề gì: Sự tôn trọng.

Tôn trọng, nếu xét về mặt ý nghĩa thì nó là cách cư xử giữa người với người, còn nếu đặt vào trong các mối quan hệ khác trong xã hội thì đó là một thứ vô cùng quan trọng để giúp các mối quan hệ đó vững vàng theo thời gian. Để lý giải về điều trên, cô Linh đã cho lớp chơi một trò chơi nhỏ:

- Viết ra giấy tên một người mà bạn khâm phục nhất

- Nêu 5 phẩm không tốt của người mà bạn khâm phục đó

- Nêu 5 phẩm chất mà một người cần phải có

- Nêu 5 phẩm chất mà bạn có


Các mảnh giấy ghi mọi thông tin này đều được dán lên trên bảng, cô xem xét, tìm ra điểm chung và đánh giá tổng quát. Cô chỉ ra rằng, mỗi học sinh đều có một thần tượng riêng, nhưng hầu hết 5 phẩm chất không tốt của người đó lại có trùng với 5 phẩm chất bản thân, và 5 phẩm chất của bản thân thì ít trùng với 5 phẩm chất một người cần có. Vậy mới thấy, người ta rất dễ dàng phán xét một người, rất dễ để lời nói ngoài tai; nhưng lại chưa tôn trọng hoàn cảnh, cảm xúc của người khác để cảm thông, thấu hiểu, và để nhìn lại chính khuyết điểm của mình. Cô chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều bài học sống để khẳng định rõ hơn vai trò của “lòng tôn trọng”

Tổng kết lại, cô Lan Anh đọc cho cả lớp nghe một đoạn trích trong sách “ Những giá trị sống cho tuổi trẻ” về lòng tôn trọng. Có thể hiểu ngắn gọn rằng, tôn trọng là cách cư xử giao tiếp đúng chuẩn mực như ví dụ của cô Lan Anh, vừa là công cụ để thúc đẩy các mối quan hệ như trò chơi của cô Linh.


Kết thúc buổi sinh hoạt, mọi người ai cũng như trầm tư, suy nghĩ hơn. Các bạn còn vui vẻ truyền tay nhau cuốn sách, đọc đi đọc lại, đọc cho thấm nhuần hơn bài học ý nghĩa này.



Chúng em thực sự cảm ơn cô Lan Anh, cảm ơn cô Mạnh Linh đã cho chúng em không chỉ đơn thuần là một tiết sinh hoạt lớp mà còn là một giờ học quý báu về những giá trị sống mà mỗi người không thể thiếu trên đường đời. Chúng em hy vọng sẽ có nhiều hơn những tiết học bổ ích như thế này!

Phóng viên NTT