Bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” là một trong số những di sản tuyệt vời mà Leonardo da Vinci (1452-1519) để lại cho hậu thế. Bức tranh nổi tiếng không chỉ bởi nó gắn với một sự kiện tôn giáo, có một hoàn cảnh ra đời đặc biệt hay được thể hiện bằng những hình khối hài hòa tuyệt mĩ mà còn bởi những triết lý sâu xa về cuộc đời mà nó gửi gắm.

Được vẽ trực tiếp lên tường phòng ăn ở tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Italy với kích thước khá lớn (450x870cm), bức tranh ngày nay đã bị hư hại nhiều.  Để thực hiện kiệt tác này, Leonardo da Vinci phải đi quan sát thực tế rất nhiều để nắm bắt các sắc thái điển hình cho từng nhân vật và đã thực hiện rất nhiều khảo họa trong khoảng thời gian từ 1495 đến 1498. Được tạo nên một cách kì công, bức tranh đồng thời cũng kín đáo thể hiện những quan điểm của Leonardo về câu chuyện làm người.

Chuyện kể lại rằng, trong mười hai vị tông đồ của Chúa Jesus, có một kẻ  đã bán đứng người thầy của mình, tố giác Ngài với nhà cầm quyền La Mã để đổi lấy 30 thỏi bạc. Kẻ đó tên là Judas. Ở bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Jesus đã nói với các tông đồ của mình: "Trong các con có kẻ muốn bán rẻ ta". Mười hai tông đồ trên bàn tiệc, mỗi người biểu lộ cảm xúc khác nhau: người hồ nghi, người giận dữ, người kinh ngạc, người xót xa... Duy chỉ có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền - đó chính là Judas. Đáng nói ở chỗ, ngay cả trong hoàn cảnh bị phản bội, phía trước là ngày phán quyết, nhưng Chúa Jesus vẫn bình thản, điềm nhiên. Luồng sáng rọi vào gương mặt “êm như mặt nước mùa thu” Chúa Jesus lại càng làm ánh lên vẻ khoan dung, hiền từ và cương nghị. Hai tay buông xuôi tựa xuống mặt bàn, cử chỉ của Ngài vừa hé lộ một điều quan trọng: một giây phút thinh lặng bi tráng!


Không phải ngẫu nhiên trong bức tranh, Leonardo da Vinci  đã khắc họa hình ảnh Judas với một khoảng tối sau lưng, còn Chúa Jesus sau lưng là cửa sổ đầy ánh sáng. Sự tương phản này làm nổi rõ thái độ phê phán của tác giả đối với kẻ phản bội, cũng như sự ngưỡng vọng đối với “người chăn dắt” vĩ đại.

Ở bức tranh Bữa tiệc cuối cùng, người xem không chỉ được chiêm bái sự hài hòa tuyệt đỉnh của đường nét, màu sắc mà còn phải ngả đầu thán phục trước những ẩn dụ thâm thúy về cuộc đời mà Leonardo da Vinci đã gửi gắm. Với những giá trị nghệ thuật cũng như giá trị nhân sinh, bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của Leonardo da Vinci xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác.

Sự im lặng của Chúa Jesus có thể hiểu là sự đau đớn, cay đắng vì có tông đồ bán đứng thầy của mình không? Khung cửa đầy ánh sáng sau lưng của Chúa Jesus và vẻ mặt khoan dung, hiền từ, cương nghị của Người nói lên điều gì?

 

Thực hiện: Phóng viên NTT

Ảnh: Internet