Không biết tự bao giờ, mái trường bè bạn và hình ảnh của những người thầy cô tận tâm, giàu tình yêu thương con trẻ đã in dấu không phai trong kí ức bao thế hệ học trò.

Bằng tất cả hồn nhiên và giản dị, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết về người thầy tuổi thơ mình với bao yêu thương, gần gũi:

Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà
Mái chèo nghe vọng sông xa
Êm êm như tiếng của bà năm xưa.

Và đối với tôi, mỗi lúc thành công hay vấp ngã, tôi lại nhớ về cô giáo dạy Văn cấp hai – cô giáo Tường Lan.

Sinh ra  lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật, cô được học đàn piano từ năm 9 tuổi. Cô đã thi đỗ trường Đại học Văn hóa nhưng lại được cha mẹ lại khuyên chọn nghiệp làm giáo viên Ngữ Văn. Cuộc đời cô từ đây đã có những chuyển đổi bất ngờ ngoài dự kiến. Thế nhưng, càng đi dạy, cô lại càng cảm thấy cuộc đời mình ý nghĩa hơn, tươi đẹp hơn. Bởi với cô, học trò chính là nguồn sống ấm áp, là bến bờ neo đậu và di dưỡng tâm hồn cô. Có lẽ chính bởi tình yêu tìm thấy từ nghề dạy học mà mỗi khi nhìn cô giảng bài, tôi luôn đọc được từ đôi mắt say sưa ấy lời cám ơn sâu sắc và thầm kín dành cho mái trường và cho học trò thân yêu.

Với cô, mỗi khi đứng trên bục giảng, nhìn những ánh mắt trẻ thơ đang chăm chú thì mọi mệt mỏi buồn phiền của cuộc sống dường như tan biến, chỉ còn lại là niềm vui, niềm xúc động,  niềm say mê  thổi vào từng lời giảng của mình. 


Lời giảng ấy mềm mại như giai điệu tình ca, ngọt ngào như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao học trò nhỏ và khiến chúng tôi thấm thía, ngây ngất biết nhường nào. Để có thể thổi hồn mình vào mỗi bài giảng văn như thế, gia đình với những truyền thống chính là nguồn hơi ấm tình cảm đã cho cô một trái tim yêu thương để truyền vào từng lời văn trên bục giảng bài. Cô lắng nghe, thấu hiểu chúng tôi hơn, cô dõi theo, nâng niu, đồng hành cùng chúng tôi trên con đường đi tìm ánh sáng tri thức. Làm sao chúng tôi có thể quên được lời cô đã dặn dò: “Các con là những học trò Nguyễn Tất Thành, vậy phải làm sao phát huy đươc những phẩm chất mang thương hiệu riêng của chúng ta, trước tiên chính là ở tinh thần tự học, quyết tâm đến cùng chinh phục những đỉnh cao trí thức, chứ không phải là thành tích tỉ lệ thuận theo việc học thêm. Thành tích của các con phải do các con tự quyết định”.

Chúng tôi hiểu lắm và kính trọng lắm tấm lòng cùng niềm mong mỏi ấy của cô. Cô không chỉ là người nhóm lên ngọn lửa yêu văn chương ở học trò mà còn là người dạy dỗ, chỉ bảo, là người đã nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm chất và làm đẹp thêm nhân cách của chúng tôi. Đã bao lần cô dạy chúng tôi phải sống và làm việc có kỉ luật, ngăn nắp, khoa học thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Đã bao lần cô tâm sự với chúng tôi khi thấy nhiều bạn nữ ngày nay quá coi trọng ngoại hình, vật chất mà không nuôi dưỡng làm đẹp thêm cho tâm hồn mình. Người phụ nữ đẹp trước tiên phải là người hiểu biết bản thân mình, hiểu biết vai trò của người phụ nữ và phải có tình yêu thương, có nghị lực, can đảm để vượt qua được thách thức dù cho phải trải qua những bể dâu, trắc trở. Bài học đạo đức thấm nhuần qua lời cô và đến với chúng tôi, nó như tấm gương răn mình để học trò thêm hoàn thiện hơn, cảm thấy mình còn nhiều sai sót và quan trọng hơn, chúng tôi thêm yêu và kính trọng nhân cách, tình yêu bao la của cô.

Đã có những lần học trò mắc lỗi với cô, khi ấy nỗi buồn thoáng nghiêng trên vầng trán đã bao nếp trăn trở ấy. Nhưng cô rất ân cần, dịu hiền nhắc nhở và  khuyên nhủ chúng tôi.

Cô ơi! Học trò sẽ không thể nào quên được lời dạy ngọt ngào như lời ru, niềm tin yêu mà cô trao ban, cô hãy tin tưởng ở thế hệ học trò tiếp bước Nguyễn Tất Thành hôm nay sẽ đạt được những thành công trong cuộc sống để trở thành tương lai của đất nước như cô từng mong muốn!


Những bài giảng và bài học làm người ngày hôm nay của cô đã trở thành hành trang không thể thiếu trên bước đường của chúng tôi sau này. Cô đã từng nói: “Cám ơn nghề giáo, cám ơn học sinh đã cho cô một mái nhà thứ hai đầm ấm”, thì chúng tôi cũng muốn nói với cô một điều: “Cám ơn cuộc sống, cám ơn mái trường đã cho chúng con một người mẹ thứ hai dịu dàng và yêu thương nhường ấy”.

Thu Hà - Thu Hiền 10aD1