Vừa qua, chiều ngày 17/3, tại P.107 đã diễn ra buổi diễn tập Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứ hộ cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường nhằm nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy trong trường học cũng như ở hộ gia đình. Đến tập huấn cho các thầy cô, cán bộ, nhân viên Nhà trường là đồng chí Lương Khắc Vọng - Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong huấn luyện cũng như thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy.


Giảng viên Lương Khắc Vọng cùng giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường trong buổi tập huấn

Trong buổi tập huấn, các thầy cô đã được xem rất nhiều hình ảnh, video,…về các vụ cháy cũng như nguyên nhân gây ra cháy, từ đó giúp các thầy cô nhận thấy rằng mọi hoàn cảnh trong đời sống đều tiềm tang nguy cơ gây ra cháy, chỉ đơn giản khi chúng ta ngồi ăn, nạp điện thoại, là quần áo,…đều có thể là khởi nguồn cho một vụ cháy lớn. Buổi tập huấn đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thầy cô trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại trường học cũng như trong mỗi hộ gia đình. Sẽ không còn là thấy cháy thì chạy, mà mỗi người đều phải góp sức trong việc phòng cháy cũng như chữa cháy.

Trong phần giới thiệu lí thuyết, giảng viên Lương Khắc Vọng cũng nhấn mạnh phòng cháy chữa cháy là quy định của pháp luật, mỗi người cần tích cực tuyên truyền đến những người xung quanh để mọi người đều hiểu và nhận thức đúng đắn, biết cách xử lí trong các tình huống cháy xảy ra. Bên cạnh đó, thầy cũng đề nghị Nhà trường hoàn thiện bảng nội quy phòng cháy chữa cháy sao cho phù hợp với từng phòng học khác nhau, xây dựng được đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, cũng như tích cực trong công tác tuyên truyền đến học sinh qua các hội thao, hội thi, sao cho thầy và trò trường Nguyễn Tất Thành không chỉ có kiến thức chuyên môn, giỏi nghiên cứu khoa học mà còn có kĩ năng khéo léo, giỏi trong phong trào phòng cháy chữa cháy.


Đồng chí Lương Khắc Vọng khẳng định phòng cháy chữa cháy là quy định của pháp luật,
là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong mỗi tập thể

Trong phần thực hành, các thầy cô cũng đã được trải nhiệm, xử lí nhiều tình huống khác nhau như: Khi hệ thống vòi bị đứt hỏng thì làm như thế nào?, Nếu có cháy xảy ra phải di chuyển học sinh đi đâu và bằng phương thức là gì? Làm sao để có thể đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy trong các tình huống khác nhau?,…


Cách dìu nạn nhân bị gãy một chân ra khỏi đám cháy


Cách dìu nạn nhân bị gãy hai chân ra khỏi đám cháy


Làm sao để vác nạn nhân?


Các cô cùng thực hành các sử dụng bình chữa cháy dạng bột và dạng khí CO2


Dùng cuộn vòi để thả nạn nhân từ trên tầng cao xuống


Nét mặt không chút run sợ của thầy giáo trẻ khi trở thành nạn nhân giả định

Sau khi được giới thiệu các kĩ năng cơ bản, các thầy cô được trực tiếp hóa thân thành những đồng chí lính cứu hỏa thật sự, triển khai công tác chữa cháy và cứu người khi có cháy xảy ra.


Những gương mặt hào hứng và tập trung nghe phần hướng dẫn từ đồng chí lính cứu hỏa

Lấy tình huống giả định: Vào buổi chiều khi thầy giáo dạy Hóa đang làm thí nghiệm thì xảy ra cháy, thầy đã nhanh chóng báo động và triển khai hệ thống bình bột chữa cháy. Các thầy cô ở hai lớp bên cùng chạy sang trợ giúp dập lửa. Nhưng do trong lớp học có nhiều chất dễ cháy đám cháy đã lan lớn bắt buộc các thầy cô phải triển khai hệ thống vòi. Sau đó các thầy cô đã bình tĩnh thực hiện phương án cứu nạn nhân. Cuối cùng, với sự nhanh chóng của các thầy cô trường Nguyễn Tất Thành, đám cháy đã được dập tắt.


Các thầy háo hức nhận nhiệm vụ thực hiện tình huống giả định


Các thầy nhanh chóng triển khai hệ thống bình bột và bình khí CO2


Hệ thống vòi phun lập tức được hoạt động để khống chế đám cháy giả định


Kĩ năng vác nạn nhân được thầy vận dụng thành thục trong tình huống giả định


Nạn nhân giả định được thả bằng cuộn vòi để giải cứu

Kết thúc phần thực hành, các thấy cô được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ cứu hỏa triển khai công tác chữa cháy bằng vòi phun chuyên dụng, từ đó, các thầy cô có cái nhìn toàn diện về một vụ chữa cháy.


Công tác dập tắt đám cháy được các anh lính cứu hỏa triển khai trong khuôn viên trường

Buổi tập huấn thực sự đã giúp các thấy cô trong trường hiểu rõ hơn về công tác phòng cháy chữa cháy. Như cô Võ Mai Linh – giáo viên bộ môn Ngữ Văn chia sẻ: “Dù khá mệt vì phải hóa thân thành người lính cứu hỏa nhưng cô rất vui và thỏa mãn vì đã có thêm rất nhiều kiến thức bổ ích về phòng cháy chữa cháy. Cô hi vong có thể mang những kiến thức ấy đến với tất cả học sinh của trường cũng như mọi người xung quanh để ai ai cũng đều nhận thức được và biết cách xử lí trong các tình huống cháy xảy ra.”

Dân gian ta có câu: “Giặc phá không bằng nhà cháy”, quả thật đúng. Hi vọng sẽ có thêm nhiều buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy không chỉ cho cán bộ, công nhân viên Nhà trường mà cho toàn thể học sinh của ngôi trường mang tên Bác để cả thầy và trò trường Nguyễn Tất Thành đều nắm vững kĩ năng phòng cháy, sẵn sàng chiến đấu với cháy.

Bài viết: Nguyễn Thị Ánh Ngọc (10A1)

Ảnh: Lê Hoàng Vĩnh Long (11D4)