Dạy học online, dạy học trực tuyến, dạy học từ xa...

Đó là những cụm từ mà những ngày qua, tôi được nghe nhiều thứ 2, sau cụm từ Covid-19, corona, nCoV, cúm Vũ Hán.

Và tôi cùng đồng nghiệp tại mái trường mang tên Bác vừa kết thúc hơn 2 tháng của hoạt động dạy học thời Covid-19. Có biết bao điều bất ngờ đã đến và cho những nhà giáo chúng tôi những trải nghiệm thật đặc biệt trong mùa xuân năm 2020, mùa xuân đầu tiên của thập niên thứ hai của thế kỉ XXI.

Covid-19 xuất hiện, như một bóng ma, khiến các Nhà trường lần lượt phải đóng cửa. Học trò không được đến trường. Nhưng chúng tôi không thể ngồi yên. Bọn trẻ cần chúng tôi. Và cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác lại mở ra. Chúng tôi đã và đang cùng nhau biến một không gian khác thành lớp, thành trường cho những đứa trẻ cần học tập.

Xin chia sẻ một vài điều thấm thía cùng đồng nghiệp, từ cảm nhận của một nhà giáo đã đến tuổi sắp hưu, có thêm một cơ hội có lẽ là hi hữu trong đời dạy học: tham gia dạy học online trong mùa dịch Covid-19.

1. Dạy học online, giáo viên có vất vả không?

Đương nhiên là bộn bề. Gian khó. Vì không hề có con đường, bài học kinh nghiệm của người đi trước. Chúng tôi tự trải nghiệm, tự học hỏi và chia sẻ cho nhau.

Tuần đầu tiên sau cú sốc "nghỉ để phòng nCoV", chúng tôi đã lập tức mày mò, để tự sản xuất các video bài giảng, kết hợp giao nhiệm vụ học tập, giải đáp thắc mắc cho HS trên Teams (làm video như các Sở GD - ĐT, Đài Truyền hình các tỉnh thành trên toàn quốc đang làm hiện nay).

Thực tế vật lộn gần một tuần lễ, với nhiều trải nghiệm mới mẻ và nhọc nhằn, cùng nhau lần đầu làm biên kịch kiêm đạo diễn, kiêm diễn viên, kiêm quay phim,... Chúng tôi nhận ra: chính bộ công cụ chúng tôi đang có là Microsoft Teams sẽ giúp chúng tôi xóa bỏ dạy học một chiều, độc diễn trong clip và thực hiện được dạy học tương tác, gần giống như trong "một lớp học vật lí" thông thường.

Vì vậy, ngay từ tuần thứ hai sau kì nghỉ Tết kéo dài bất đắc dĩ, tất cả giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành chúng tôi đã sẵn sàng cho một nhiệm vụ cũ nhưng dưới một hình thức hoàn toàn mới: dạy học trên nền tảng Office 365.


Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài trên Microsoft Teams

Mỗi người đều hối hả, thức khuya dậy sớm, "ôm" máy tính suốt ngày đêm để soạn bài, để tập thao tác, để nghiên cứu vận dụng Công nghệ thông tin. Mọi lí thuyết khô khan được tập huấn cuối năm học trước và dịp hè nay được soi tỏ bằng thực tiễn sinh động. Vất vả mà hoá thú vị. Vì chúng tôi đã bước qua khó khăn để khám phá bản thân!

2. Dạy học online, có quản lí được việc học của học sinh không?

Thầy một phương, trò một nẻo. Trò lại "nhất quỷ nhì ma". Nhưng "cái khó ló cái khôn". Bao kinh nghiệm quản trò được đội ngũ những nhà sư phạm thuộc nhiều thế hệ chia sẻ hàng ngày. Gọi và yêu cầu học sinh tương tác qua mic, camera, chat, bằng bài kiểm tra trắc nghiệm ngay tại giờ học,... Cô thầy không chỉ quan sát trò bằng một đôi mắt. Thiết bị máy tính, điện thoại, cán bộ lớp, GVCN; rồi giám sát trò trên danh sách lớp, trên cửa sổ chat, nhìn kí hiệu màu trên biểu tượng tên trò... Trò mất tập trung, trò mở ứng dụng khác, trò lười theo dõi và không ghi chép bài ư? "Kết thúc giờ học, hãy chụp vở ghi, vở bài tập, vở chuẩn bị bài, phiếu bài tập để cô kiểm tra nhé!" Trò tâm sự: "Con bị ghi lỗi vào học muộn còn chi tiết hơn cả học offline! Huhu!" Vì "Không cãi được đâu! Máy báo là không có sai!"...

Bao tình huống phải xử lí lại được ghi thêm vào kho tài sản nghiệp vụ sư phạm phong phú của thầy cô. Gia tài nghề giáo hóa ra lại càng thêm giàu có trong mùa Covid-19.

3. Dạy học online hiệu quả thế nào?

Dù không thể thay thế hoàn toàn cho hình thức dạy học truyền thống nhưng đây là giải pháp tình thế tốt nhất có thể.

Dù chưa thể đáp ứng toàn bộ mục tiêu "phát triển năng lực học sinh" của chương trình nhưng việc chúng tôi đang làm có thật nhiều ý nghĩa. Ngoài hướng dẫn học sinh trang bị kiến thức, rèn kĩ năng theo môn học, việc triển khai dạy học online giúp học sinh phát triển năng lực tự học, tự quản lí bản thân; ý thức trách nhiệm với mình, gia đình, nhà trường và xã hội; những bài học cuộc sống về tinh thần nỗ lực, không chùn bước trước khó khăn để thực hiện mục tiêu...

Học sinh của trường chưa một ngày ngừng học tập. Kiến thức các môn học vẫn được học sinh tiếp nhận và thực hành hàng ngày. Không hề bị "cắt xén", cũng chẳng cần "tinh giản"... Thời khóa biểu học tập vẫn thế, theo kế hoạch năm học của trường.


Tiết học Ngữ văn theo chương trình Nhà trường cùng lớp 8A7

Giờ học Văn, Toán, Anh... rồi Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Quan sát học sinh lớp mình chủ nhiệm qua camera đang thực hiện khởi động, bật nhảy cao, nhảy xa theo hướng dẫn của thầy giáo bộ môn nhiệt tình đến mức thầy phải nhắc "Con nghỉ và hít thở sâu" khiến mình muốn trào nước mắt. Rồi giờ sinh hoạt lớp online với các chủ đề phong phú đang diễn ra tại nhiều lớp học: "Phòng chống Covid-19", "Phụ nữ và tháng 3", giá trị sống "Trách nhiệm", “Cùng chia sẻ công việc gia đình”, “Bữa cơm con nấu”,... Được nghe học sinh trao đổi, rồi cùng đàn, cùng hát qua internet... thấy rưng rưng thương nhớ vô biên...

Vậy thì hiệu quả của dạy học online cũng đâu có ít!

4. Dạy học online, quản lí quá trình dạy học được không?

Quả thực, giáo viên không thích bị giám sát và mong muốn việc giảng dạy của mình tự do sáng tạo bung nở như hoa gạo tháng 3. Không những không bị hạn chế, quá trình quản lí việc dạy học online lại thuận lợi đến bất ngờ! Vì không bị giới hạn về khoảng cách không gian - địa lí, không vất vả leo nhiều tầng nhà, những nhà quản lí cứ như những “tiên đồng ngọc nữ”, như những thiên thần, có thể “hạ cánh” bất cứ nơi đâu, xuống bất kì lớp học nào. Đang trong giờ dạy, bất ngờ giáo viên nhận ra sĩ số lớp tăng lên, ấy là khi có một hoặc vài "thiên thần có cánh" đến thăm!

Kiểm soát chặt chẽ việc ra vào lớp của giáo viên đến từng phút. Giáo viên bị out ra khỏi giờ vì lỗi mạng. Ai chưa đầu tư chuẩn bị bài. Ai quên chưa ghi lại bài dạy. Cửa sổ chat ở lớp nào chưa được giáo viên quan tâm giám sát,... đều được lưu ý sau mỗi buổi dạy.

Có sổ ghi đầu bài online, còn cần chi tiết hơn cả sổ đầu bài trên lớp offline. Có tổng hợp đánh giá hàng ngày của Ban Giám hiệu. Tất cả các tiết dạy đều được ghi âm lại. Xem lại, rút kinh nghiệm, học tập, chia sẻ, làm minh chứng...

“Thả tim” cho những thiên thần “crash landing on you” vì những thông tin cập nhật kịp thời, những tư vấn xác đáng để cùng nhau tạo thành một cộng đồng trường học online hướng đến hoàn mĩ.

5. Dạy học online có nhiều hạn chế?

Thực ra, hình thức dạy học nào chẳng có nhược điểm.

Tương tác với trò khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Rèn kĩ năng giải bài tập hạn chế (Nếu việc dạy học với mục tiêu luyện đề để giúp học trò thi tốt thì đây là vấn đề lớn). Rồi những lo ngại về thời gian làm việc với máy tính của thầy và trò, rồi những tương tác giao tiếp xã hội,... Thèm những cái nắm tay, cái ôm, cuộc trò chuyện của cô trò, đồng nghiệp sau mỗi giờ dạy...


Động viên, khuyến khích học sinh sau giờ học

Lại thấy nhớ quá gốc lộc vừng đang cô đơn đỏ lá, tán lá bàng góc sân trường đang lặng lẽ xanh lên. Và muốn hít hà hương nồng nàn của trà, cafe từ phòng giáo viên - quán thanh xuân...

6. Dạy học online và tôi

Tôi không còn trẻ. Và không thạo công nghệ. Đôi lúc thật mệt. Nhưng tôi thấy những việc mình đang làm cùng đồng nghiệp thật nhiều ý nghĩa.

Tôi đang nỗ lực để vượt qua những khó khăn. Tôi đang tiếp tục khám phá. Tôi không phải là kẻ bất lực trước Covid-19. Và đang có những trải nghiệm thật thú vị...

Chúng tôi vẫn có hẹn với mùa hạ. Con đò của chúng tôi vẫn sẽ đưa những vị khách đáng được yêu thương và nâng niu đến bến bờ phía trước.

Và chúng tôi cứ dạy học thôi… Đơn giản: Vì chúng tôi là nhà giáo.

Bài viết: Cô giáo Trần Thị Thúy (Tổ Ngữ văn THCS)

Ảnh: Nguyễn Đỗ Bảo Ngân (8A7)