Đến hẹn lại lên, cuộc thi “Em yêu Lịch sử Việt Nam” năm học 2015 – 2016 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động từ tháng 9 vừa qua. Với sự quan tâm giáo dục của nhà trường cùng sự tích cực, sôi nổi nghiên cứu, tìm tòi của học sinh đối với bộ môn Lịch sử, THCS&THPT Nguyễn Tất Thành luôn là một trong những đơn vị đi đầu khi tham gia cuộc thi này. Giống như bao bạn học sinh khác trong trường, chúng tôi tham dự cuộc thi để được học hỏi, đồng thời thấu hiểu sâu sắc hơn về lịch sử nước nhà. Nhưng trong quá trình ấy, có lẽ điều chúng tôi đạt được còn nhiều hơn thế nữa.

Ban giám hiệu các thầy cô tổ Lịch sử, các thầy cô giáo chủ nhiệm đã ân cần chỉ bảo chúng tôi nghiên cứu câu hỏi của cuộc thi, giới thiệu nguồn tư liệu, hướng dẫn cách khai thác tư liệu sao cho hiệu quả nhất. Cuộc thi thực sự trở thành một dịp để chúng tôi bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong cuộc sống, trong học tập, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng có lẽ, ý nghĩa lớn nhất mà cuộc thi mang lại cho chúng tôi chính là: đánh thức, khơi gợi trong lòng mỗi học sinh tình yêu, niềm đam mê với lịch sử nước nhà.

Để có những trải nghiệm, những thông tin chính xác nhất trong quá trình tham gia cuộc thi, chúng tôi đã đi qua rất nhiều con phố, nhiều chứng tích một thời bi tráng, hào hùng của nước nhà mà lòng càng tự hào khôn xiết. Sau quá trình bàn bạc kĩ lưỡng, trong số hàng nghìn di tích lịch sử của Hà Nội, chúng tôi đã chn Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi gắn liền với sự thành lập của kinh đô Thăng Long dưới triều Lý, đã có lịch sử gần nghìn năm, với quy mô khang trang bề thế nhất, tiêu biểu nhất cho Hà Nội và cũng là nơi được coi là biểu tượng cho văn hóa, lịch sử Việt Nam.


Khuê Văn Các – nơi trời đất giao hòa - được coi là một trong số những biểu tượng của đất Thủ đô văn hiến.

Chính những nét hoài cổ, lâu đời, gắn liền với biết bao giá trị lịch sử, văn hóa của Văn Miếu ấy đã thu hút chúng tôi. Nhưng thay vì chăm chăm đọc tài liệu, sách vở hay xem ảnh trên mạng, chúng tôi muốn được tự mình trải nghiệm, tự mình hòa vào “di tích hoài cổ” chứa đựng cả vẻ đẹp kiến trúc lẫn vẻ đẹp lịch sử ấy. Và thế là chúng tôi đã có một chuyến đi ngược dòng lịch sử để đến với một Văn Miếu – Quốc Tử Giám chứa đựng cả nghìn năm lịch sử. Mang trong mình tâm trạng hồi hộp, háo hức khi đến đây, thật sự chúng tôi đã có những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và thú vị.


Một buổi chiều thu se lạnh cùng hai tâm hồn đầy tò mò khám phá Văn Miếu bắt đầu.

Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng tôi đã ghi lại bằng hình ảnh từng bước chân, từng dấu ấn. Chúng tôi dõi theo những người nước ngoài say mê, đắm đuối chìm vào cảnh vật nơi đây, chú ý nghe lọt từng chữ của người phiên dịch, tò mò về mọi thứ và nhanh tay chụp lại mọi khoảnh khắc. Quanh chúng tôi ngày hôm ấy còn rất nhiều lớp, nhiều khóa học đế từ các trường khác nhau chụp ảnh kỉ niệm. Tuy hình thức rất đa dạng nhưng mục đích của mọi người khi đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều là tìm hiểu, chiêm ngưỡng, hòa mình vào không khí lịch sử cổ xưa mà quần thể di tích này mang lại.


Bái đường Văn miếu là một khoảng sân rộng, lát gạch bát. Hai bên là hai dãy nhà tả vu, hữu vu trước đây thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử và Tư nghiệp Quốc Tử Giám cùng các danh nhân văn hóa Việt Nam nổi tiếng thời Trần. Cuối sân là nhà đại bái và hậu cung.


Những du khánh nước ngoài đi từ ngạc nhiên tới thích thú với đồ lưu niệm
được bán xung quanh khu bái đường Văn Miếu.

Trải qua bao thăng trầm và những biến cố của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám khó có thể giữ lại trọn vẹn hết những kiến trúc từ xa xưa. Những công trình thời Lý, thời Lê hầu như không còn nữa. Tuy vậy, những nét tôn nghiêm cổ kính dường như chưa bao giờ bị phai nhạt theo thời gian, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn mãi là khu di tích vǎn hoá hàng đầu, là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống ngàn năm văn hiến đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.


Chúng tôi lưu lại những khoảnh khắc của riêng mình trong một ngày trải nghiệm đầy thú vị.

Hành trình trải nghiệm ấy đã truyền cảm hứng cho bài thi của chúng tôi, giúp chúng tôi đạt được Giải nhì “Em yêu Lịch sử Việt Nam” cấp trường. Nhưng hơn thế nữa, cuộc thi đã mang đến cho  chúng tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về bộ môn Lịch sử tưởng chừng khô khan, nhàm chán với bao thế hệ học sinh. Rồi mai đây khi đi bước ra hòa nhập cùng thế giới, chúng tôi có thể tự hào, ngẩng cao đầu kể về 4000 năm lịch sử Việt Nam, về những di tích văn hóa bằng tất cả những tri thức mà chúng tôi đã thu được sau cuộc thi này.

Nguyễn Diệu Huyền (11D1)