Bàn tay nặn bột” được hiểu là phương pháp dạy học tích cực, một chiến lược về giáo dục khoa học do giáo sư người Pháp Georges Charpak (giải Nobel Vật lý năm 1992) sáng tạo. Phương pháp này đã và đang đáp ứng những yêu cầu dạy học mới, giúp học sinh chủ động trong học tập, tiếp cận tri thức khoa học như một quá trình nghiên cứu của chính bản thân. Đối với phương pháp này, giáo viên không phải là người truyền thụ những kiến thức khoa học dưới dạng thuyết trình mà sẽ là người giúp học sinh xây dựng kiến thức bằng cách cùng học sinh hành động. Phương pháp này đã được vận dụng, phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục khoa học không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 12/10/2013, tại phòng đa năng 405, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp với BGH Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo tập huấn về phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Hội thảo có sự góp mặt của các thầy cô giáo trong BGH trường Nguyễn Tất Thành, các giáo viên bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, các tổ trưởng chuyên môn, cùng rất nhiều các thầy cô giáo quan tâm. Đợt tập huấn này nhằm góp phần nâng cao năng lực thiết kế và tổ chức dạy học theo tư tưởng “Bàn tay nặn bột”.


Những thầy cô đang chăm chú lắng nghe và học hỏi

Trình bày tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Hương Trà – giảng viên khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - giới thiệu sơ lược lịch sử ra đời, phát triển cũng như những đặc trưng cơ bản của phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Tiếp đó, PGS đã đưa ra một số tình huống dạy học có thể áp dụng, cũng như những nguyên tắc, kĩ thuật và cách thức xây dựng một giờ học có sử dụng phương pháp này một cách hiệu quả…


PGS.TS Đỗ Hương Trà trình bày tại hội thảo

Một điều không khó nhận thấy là việc dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã và đang tạo nên hiệu ứng tích cực trong ngành giáo dục, giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, việc áp dụng phương pháp này không phải ở đâu, khi nào cũng thuận lợi như nhau. Trong phần thảo luận, các giáo viên đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quá trình áp dụng phương pháp này, đồng thời cùng thảo luận cởi mở về cách làm đúng đắn và phù hợp nhất trong điều kiện của bộ môn, của nhà trường.


Phần thảo luận diễn ra đầy chủ động

Để có thể triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột” một cách chắc chắn và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết và năng lực vận dụng phương pháp này cho tất cả các giáo viên, tổ chức nhiều giờ dạy rút kinh nghiệm… Và chúng tôi tin, với những bước đi mạnh mẽ, tự tin nhưng cẩn trọng và đầy trách nhiệm, các thầy cô giáo Trường Nguyễn Tất Thành sẽ thành công./.

Cô giáo Đinh Lưu Hoàng Thái