Với tinh thần tự giác, tích cực và chủ động trau dồi chuyên môn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, các thầy cô giáo Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn đến với các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên môn với tâm trạng đầy hào hứng. Hiểu được điều này, ngày 17/08/2013, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với các chuyên gia đến từ Trung tâm nhân học và phát triển trí tuệ - Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học nhận biết hành vi liên quan đến nhận thức của học sinh trong giờ học.


Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh tuyên bố khai mạc Hội thảo


Diễn giả - PGS.TS Mai Văn Hưng

Nghiên cứu đã chứng minh rằng nhận thức và hành vi có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Việc hiểu đúng bản chất của mối quan hệ giữa nhận thức và hành vi, nắm được các biểu hiện hành vi của học sinh trong giờ học, sẽ giúp giáo viên tác động tốt hơn đến nhận thức của học sinh.

Trong hội thảo, các thầy cô giáo Trường Nguyễn Tất Thành đã được tiếp cận với những kiến thức khoa học về hành vi như cơ sở cảm xúc, cơ sở thần kinh của hành vi, các hành vi thường gặp ở học sinh trong giờ học, cũng như một số cách nhận thức hành vi của học sinh.

Theo đó, hành vi được xem như là tổ hợp các phản ứng của cơ thể trước các kích thích của môi trường bên ngoài, hành vi là biểu hiện ra ngoài của nhận thức và nhận thức cũng tác động rất lớn đến hành vi. Trong lớp học, hành vi của học sinh chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, và tuân theo các quy luật khác nhau như quy luật phản xạ, quy luật ức chế ngoại lai, quy luật vượt hạn, quy luật chuyển từ hưng phấn sang ức chế, quy luật lan tỏa và tập trung, quy luật về mối tương quan giữa cường độ kích thích và cường độ phản xạ...

Vì sao học sinh bị phân tâm trong lớp học? Vì sao đôi khi học sinh bị ức chế khi học? Vì sao thầy cô giảng bài mà học sinh không chú ý? Vì sao cùng một nội dung bài học, cùng một thời điểm các học sinh khác nhau lại có nhận thức và thái độ khác nhau?... Những câu hỏi PGS. TS Mai Văn Hưng đặt ra cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của rất nhiều thầy cô giáo và những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà.


Các thầy cô chăm chú và hào hứng tham gia vào buổi trò chuyện

Muốn hiểu được những hành vi tích cực cũng như tiêu cực của học sinh trong giờ học chịu sự tác động của các quy luật nào, mỗi giáo viên cần thể hiện mình với vai trò vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà tâm lí. Nhưng trên hết, mỗi giáo viên cần trang bị cho mình kiến thức chuyên môn thật vững, từ đó làm chủ bài giảng, chủ động dạy cái học sinh đang cần chứ không dạy cái mình đã biết.

Để dự đoán và kiểm soát được hành vi của học sinh trong giờ học, PGS.TS Mai Văn Hưng cũng gợi ý các thầy cô một số phương pháp cụ thể như: qua dự đoán, qua quan sát, qua thực nghiệm... PGS cũng đưa ra những hình ảnh về hoạt động quan sát hành vi học sinh của một số quốc gia.


Giáo viên quan sát hoạt động của học sinh ở nước Mỹ


Và... ở Việt Nam

Những hình ảnh đó tuy không còn mới nhưng cũng khiến cho rất nhiều thầy cô phải trăn trở. Như vậy, đã từ rất lâu rồi, chúng ta chỉ mải mê quan sát hành vi của giáo viên mà bỏ qua đối tượng vô cùng quan trọng của hoạt động dạy học – học sinh.

Hiểu được điều này, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu bài học, trong đó có việc tổ chức giảng dạy ở trên lớp dưới sự quan sát của các đồng nghiệp trong tổ chuyên môn và trong trường đã được diễn ra vô cùng sôi nổi và hào hứng. Dưới sự dẫn dắt thông minh, dí dỏm và không kém phần sâu sắc của diễn giả, các thầy cô giáo Trường Nguyễn Tất Thành đã cùng nhau trao đổi để tìm ra giải pháp tăng cường sự chú ý và nâng cao năng lực nhận thức cho học sinh.


Thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường sự chú ý
và nâng cao mức độ nhận thức cho học sinh

Quan sát hành vi là hoạt động cần được diễn ra thường xuyên, liên tục, trong tất cả các giờ và với tất cả các đối tượng học sinh. Có như vậy, giáo viên mới có thể tìm ra biện pháp tác động đến nhận thức và hành vi của học sinh, hướng tới mục tiêu chung của nhà trường là không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.

Cơ sở vật chất tiên tiến và tiếp tục được đầu tư, đội ngũ giáo viên tâm huyết và không ngừng học hỏi, BGH luôn luôn tạo điều kiện cho các thầy cô giáo và các em học sinh... đó là những tiền đề quan trọng để giáo viên, học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tiếp tục khẳng định thương hiệu và củng cố niềm tin vững chắc của học sinh và phụ huynh./.

Cô giáo Đinh Lưu Hoàng Thái