Học tập dựa trên dự án còn được gọi là học trong hành động. Phương pháp này sẽ thu hút học sinh để họ chuyển từ vai trò thu động tiếp nhận thông tin sang vai trò chủ động giành lấy kiến thức. Học sinh được trải nghiệm đóng vai thuộc các ngành nghề khác nhau, dưới sự hướng dẫn của giáo viên sẽ hoàn thành vai trò của mình, từ đó hình thành và phát triển các năng lực và kĩ năng cần thiết. Đây là một phương pháp học tập không còn xa lạ dưới mái trường mang tên Bác nhưng với chúng tôi- những học sinh lớp 10 mới “chân ướt chân ráo” bước vào trường thì hoàn toàn mới mẻ, và chúng tôi đã cảm thấy rất thú vị khi được tham gia trải nghiệm.

Là một lớp ban D nên môn Ngữ văn được xem là một trong những môn quan trọng nhất với chúng tôi, và cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn lớp 10D2 của chúng tôi đã chọn phương pháp dạy học dự án để giúp chúng tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về bộ phận văn học dân gian Việt Nam. Dự án đưa ra để chúng tôi cùng nghiên cứu là vai trò của văn học dân gian trong đời sống dân gian- hiện trạng và giải pháp. Thời gian để hoàn thành dự án là 1 tháng, nhưng không phải là nhiều đâu các bạn ạ, bởi công việc mà chúng tôi phải hoàn thành khá là “đồ sộ”.

Bắt đầu là phần giao nhiệm vụ- chúng tôi được trải nghiệm đóng vai các nhà nghiên cứu văn học dân gian, chia nhóm để tìm hiểu về 4 thể loại văn học dân gian tiêu biểu: sử thi, truyền thuyết, ca dao và chèo. 43 học sinh lớp 10D2 đã rất hào hứng khi hoá thân thành 43 nhà nghiên cứu văn học dân gian với mong muốn giúp mọi người nhận ra vai trò to lớn của văn học dân gian trong thực tiễn cuộc sống của nhân dân, để từ đó có ý thức bảo tồn và phát huy những vai trò to lớn của văn học dân gian.

Sau khi chia thành 4 nhóm và bốc thăm chọn thể loại nghiên cứu, từng nhóm họp lại và bàn bạc để bầu ra một nhóm trưởng uy tín và trách nhiệm nhất, rồi cùng nhau phân chia công việc cụ thể cho từng thành viên để hoàn thành từng phần việc để báo cáo với cô giáo sau mỗi tuần.

Tuần đầu tiên, chúng tôi phải hoàn thành bản đề cương tập san. Tuần thứ hai, chúng tôi phải nộp một kịch bản chi tiết mà nhóm mình sẽ diễn xướng theo thể loại nghiên cứu. Tuần thứ ba, sau khi nhận lại bản đề cương từ giáo viên đã được góp ý sửa chữa, chúng tôi phải hoàn chỉnh một tập san và một bản thuyết trình powerpoint để giáo viên kiểm tra trước ngày tổ chức hội thảo. Đầu tuần thứ tư sau khi mỗi nhóm đã tự diễn tập theo kịch bản, cô giáo tổ chức một buổi tổng duyệt và góp ý chỉnh sửa lần cuối cùng.


Tổng duyệt trước ngày Hội thảo

Và rồi, ngày 20-10 đã đến, chúng tôi ai cũng háo hức trước giờ báo cáo kết quả nghiên cứu của mình trong buổi Hội thảo “Văn học dân gian trong đời sống dân gian”. Ngay từ sớm, 43 học sinh 10D2 đã đến lớp để kê bàn ghế, trang trí bảng, kết nối máy tính- máy chiếu và chuẩn bị hệ thống âm thanh.


Thời gian chuẩn bị

Những cuốn tập san- công trình tâm huyết của các nhóm được trưng bày phía trên sân khấu để mọi người có thể xem dễ dàng. Lớp học nhộn nhịp và tấp nập. Mọi người đều khẩn trương để chuẩn bị cho phần báo cáo của nhóm mình. Trong khi nhóm Sử thi vội vã chuẩn bị đạo cụ cho phần diễn xướng thì nhóm Ca dao lại căng thẳng chuẩn bị cho bài thuyết trình. Nhóm Truyền thuyết cùng nhau ôn lại kịch bản lần cuối, tập dượt lại từ đầu với đạo cụ mới hoàn thành xong. Nhóm Chèo ở đầu hành lang bên kia lại đã thay những bộ quần áo đẹp đẽ, phù hợp với nội dung vở chèo và cùng nhau ôn lại lời thoại.


Hình ảnh một cuốn tập san

Đúng 8h10 buổi Hội thảo chính thức bắt đầu với sự tham gia của các giáo viên trong tổ Ngữ văn trường Nguyễn Tất Thành, các sinh viên thực tập đến từ khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và toàn thể 43 học sinh lớp 10D2. Mở đầu buổi Hội thảo, cô Phạm Thị Thu Phương đã giới thiệu về mục đích và quá trình thực hiện dự án để mọi người hiểu hơn về công trình nghiên cứu của chúng tôi. Và sau đó là “đất diễn” của chúng tôi, nhóm nào cũng cố gắng hết mình để đạt kết quả tốt nhất. Cô Thu Phương cũng yêu cầu tất cả các “nhà nghiên cứu” 10D2 trong khi quan sát phần báo cáo và biểu diễn của các nhóm đều phải ghi lại nhận xét theo công thức 3-2-1 (đưa ra 3 lời khen, chỉ ra 2 điểm hạn chế và đề xuất 1 giải pháp) để cuối buổi Hội thảo sẽ cùng nhau thảo luận.



Phần thể hiện của nhóm truyền thuyết



Phần thể hiện của nhóm ca dao dân ca


Bài thuyết trình của nhóm sử thi được đánh giá tốt nhất



Phần biểu diễn của nhóm Sử thi


Thuyết trình về thể loại chèo cổ


Diễn xướng đoạn chèo “Thị Mầu đổ tội cho Tiểu Kính cái thai”

Sau khi cả bốn nhóm đã lần lượt báo cáo kết quả nghiên cứu, dưới sự điều khiển của cô giáo, chúng tôi được trao đổi theo nhóm để tổng hợp lại phần nhận xét đánh giá, và thẳng thắn đưa ra những quan điểm của mình trong Hội thảo. Trên cơ sở đó, cô Thu Phương đã đưa ra phần đánh giá cuối cùng, và được “lượng hóa” bằng điểm số cụ thể cho mỗi phần báo cáo của mỗi nhóm. Cô gọi đó là “gói điểm” cho mỗi nhóm, và chúng tôi sẽ ngồi lại cùng nhau để chia điểm cho mỗi thành viên trên cơ sở nhận xét ưu- khuyết điểm của từng thành viên trong suốt 1 tháng cùng nhau thực hiện dự án. Tất cả chúng tôi đều “tâm phục- khẩu phục” với số điểm mà mình nhận được.


Tính điểm cho từng thành viên dựa trên cơ sở nhận xét ưu điểm và nhược điểm trong suốt quá trình thực hiện dự án

Tiết học dự án của lớp chúng tôi đã kết thúc thành công trong niềm hân hoan của mỗi học sinh vì đã góp một phần nhỏ nào đó của bản thân cho tập thể, trong niềm tự hào của cô Thu Phương về 43 học trò 10D2 và cả trong niềm vui, sự hào hứng của các thầy cô giáo dự giờ.


Niềm vui chiến thắng

Trong cảm nhận của chúng tôi, phương pháp học tập dựa trên dự án hết sức thú vị, không chỉ giúp chúng tôi chủ động lĩnh hội kiến thức sâu rộng, hiểu bản chất của vấn đề nghiên cứu mà còn tạo cơ hội cho chúng tôi được tập luyện để hình thành nhiều kĩ năng quan trọng: làm việc nhóm, làm việc có kế hoạch, ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết... Mong rằng những năm tháng học dưới mái trường mang tên Bác, chúng tôi sẽ tiếp tục được trải nghiệm thật nhiều những bài học theo phương pháp dạy học dự án mới mẻ này.

Tác giả: Ngô Bảo Tâm - lớp 10D2