Miền Bắc ngày mùa. Dọc con đường quốc lộ 1B từ thành phố Hà Nội về cố đô Hoa Lư, Tràng An, Ninh Bình, về Nam Định, Thái Bình, những cánh đồng lúa chín mênh mông bát ngát rực lên một màu vàng như nắng. Đứng giữa những bông lúa trĩu nặng mùa vụ xuân hè mà rợn ngợp cảm giác hân hoan. Một mùa vụ bội thu nữa lại về, đem theo cả bao niềm sung túc, no đủ. Trên những mẫu ruộng ấy, biết bao nhiêu con người đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để đổi lấy được những hạt gạo trắng dẻo, thơm ngon.


Ngày mùa vui như Tết. Ai còn nhớ những câu ca của cố nhạc sĩ Nam Cao viết về ngày mùa những năm đất nước còn chinh chiến...

Ngày mùa vui thôn trang lúa reo như hát mừng

Lúa không lo giặc về khi mùa vàng thôn quê

Ngày mùa vui thôn xóm đầy đồng giáo với gươm

Súng tì tay anh đứng em ngừng liềm trông sang

Lúa lúa vàng, đồng lúa bát ngát trời Bao tay liềm từng nhánh lúa thơm rơi

Bao ngày vui quân du kích đứng im trông lúa dập dờn

Người qua gánh lúa nón nghiêng ai cười Ngày mùa vui thôn trang

Cũng như trên cánh đồng nhớ công ơn bác Hồ Khi mùa vàng quê hương

Ngày mùa quân du kích đặt từng gánh trước sân

Dân làng vui như Tết qua mùa này không lo

Gánh thóc vàng từng lớp lớp gánh về

Gánh thóc vàng từng sớm nắng trên đê

Ngày mùa quân du kích, đứng im trông lúa dập dờn

Rồi rời sang xóm khác, nhớ lúc ai nhìn theo.


Tôi về thăm ngoại giữa những ngày miền Bắc nắng như đổ lửa. Cảnh cổng dẫn vào làng vẫn cổ kính, im lìm kiên nhẫn như chờ những đứa con đi xa trở về như thế. Mùa sang là lại thơm nức hương hoa đại ven sông. Con sông mùa cạn trơ đáy, nhìn rõ từng đàn cá thi nhau xuôi dòng ra sông lớn.



Đường làng thơm mùi rơm rạ, cái mùi ngòn ngọt của hương gạo, kết tinh bao tinh túy đất trời còn vương vấn trong không gian. Đạp xe trên đường làng rải đầy rơm êm như ru, nghe mùi hương ấy mà ấm lòng.

Đêm rằm làng quê nằm nghe tiếng ếch nhái văng vẳng mà nhớ câu chuyện cổ tích của nội ngày còn thơ. Những giấc mơ ấy mang theo bao khung trời mộng mơ, ngây dại một thời, là niềm tin tưởng vô điều kiện trong sâu thẳm mà mỗi người ít nhiều, đôi lúc đem ra nhắc nhở bản thân trong những năm tháng dài rộng của cuộc sống phức tạp bộn bề.


Chiều trên thành phố ven biển, những con thuyền im lìm nằm, nghe mùi muối mặn đồng xa mà lòng yêu nước dâng trào trong tim, tin về những mẻ cá nặng lưới lấp lánh ánh bạc.


Lời cuối, tôi xin trích những vần thơ mà hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc của nhà thơ Đỗ Trung Quân, như dù cuộc sống có đổi thay, hồn quê cốt cách Việt Nam vẫn còn rất đỗi bình dị và mộc mạc tới thế, là bản sắc riêng biệt mà không một dân tộc nào có được.

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Mà chúng ta không ai không yêu thương bằng cả tấm lòng thành thực nhất của mình.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh (CLB Phóng viên)