Những giây phút đáng nhớ cùng cô giáo Tường Lan

Là một người hết sức có uy tín trong trường với những trải nghiệm dày dặn của cuộc sống và khả năng phân tích tâm lý tuyệt vời, cô giáo Tường Lan đã đem lại cho buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh khối 11 những bài học vô cùng quý báu về giá trị sống và cách giáo dục con cái, làm sao cho các con có thể hoàn thiện nhân cách để trưởng thành một cách tối ưu nhất.

16 tuổi – Khao khát được công nhận sự trưởng thành

Với chủ đề của buổi sinh hoạt là “Tình Bạn, Tình Yêu tuổi học trò Xưa và Nay”, cô Tường Lan đã khéo léo chỉ ra được tâm lý chung của độ tuổi 16: “…Việc học diễn ra suốt cả một đời người, việc học ngày nay chỉ là một phần của cuộc đời con người, nhưng lại là phần quan trọng nhất. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta áp đặt quá nhiều vào việc học đối với con cái.

Tuổi 16 là cái tuổi muốn được yêu thương, quý trọng, khát vọng được chia sẻ tình cảm quá lớn. Tôi đã 16 tuổi! Tôi thực sự đã lớn! Tôi có tư cách! Tôi muốn mọi người công nhận sự trưởng thành của mình…”

Cô Tường Lan đã nhấn mạnh rằng ở tuổi này, cái tôi của các con là vô cùng lớn. Khao khát có được tiếng nói riêng và mong muốn được lắng nghe, các con sẽ dễ dàng ngang ngạnh và nông nổi. Tâm sinh lý tuổi 16 vô cùng quan trọng, cơ thể phát triển mạnh khiến cho tâm lý phức tạp, không ổn định. Qua đó, cô đã nhấn mạnh về trách nhiệm của bậc cha mẹ đối với con cái: “Cần phải biết lắng nghe, chia sẻ và cảm thông”.


Các vị phụ huynh chăm chú theo dõi

Những rung động không của riêng ai

“Xưa – là của chúng ta, nay – là của con cái”- Cô phân tích tỉ mỉ – “Tuy nhiên, những rung động tuổi học trò xuất phát từ nhu cầu muốn được yêu thương của trẻ Vị Thành Niên ở mỗi thế hệ là khác nhau”.


Cô Tường Lan: “Những rung động tuổi học trò xuất phát từ nhu cầu muốn được yêu thương”

Nói về vấn đề tình cảm ở độ tuổi vị thành niên, cô đã thuyết phục các bậc phụ huynh: “Yêu và học luôn song hành với nhau, nhưng tuổi 16 thường yêu đương quên việc học. Phụ huynh cần phải biết quan tâm chia sẻ với con cái mình. Không nên quá áp đặt, cũng không nên quá thả lỏng con em mình.”

Nắm bắt được tâm lý của các bậc phụ huynh với quan niệm đang học hành thì tuyệt đối không thể yêu đương, chuyện yêu đương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học, cô giáo thẳng thắn nói: “Ngoài kia không thiếu những học sinh có chút tình cảm là học hành tốt hẳn lên. Không một ai có thể kết luận rằng việc yêu đương sẽ khiến cho học hành sa sút” và đồng thời khẳng định: “Việc phát triển tư tưởng tình cảm sớm bây giờ đã là quá tràn lan. Thế hệ này là một thế hệ hoàn toàn khác với chúng ta trước đây. Chúng ta không thể cấm cản, chúng ta phải biết cách để sống chung với nó!”

Cùng tìm hiểu và cùng đối mặt


Cô Tường Lan cùng với bảng so sánh về sự khác biệt giữa hai thế hệ

Qua bảng so sánh, cô đã giải thích vì sao lại có sự khác biệt giữa quan điểm và tư tưởng tình cảm giữa hai thế hệ. Sự khác biệt này có thể là rào cản rất lớn giữa cha mẹ với con cái. Qua đó, đưa ra những gợi ý và giải pháp thích hợp


Những gợi ý hữu ích từ cô Tường Lan

“Chúng ta hoàn toàn có thể dạy con mình biết yêu tốt hơn nếu chúng ta gần gũi với nó” – Cô khẳng định – “Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ các con, từ phong cách ăn mặc, cho đến đầu tóc. Chính chúng ta, phải dạy cho con biết thế nào là đẹp!”

Kết thúc bài nói trong sự hợp tác và đồng cảm của các vị phụ huynh, cô Tường Lan đã chia sẻ bài “Thơ tặng con” với mong muốn “Làm sao cho con em chúng ta có bâng khuâng, xao xuyến, rung động vừa đủ để học tốt hơn”.


Bài thơ ý nghĩa dành tặng cho các bạn học sinh

Những trải nghiệm thú vị cùng cô giáo Mạnh Linh

Phần thứ hai của buổi gặp mặt phụ huynh khối 11 là phần trình bày của cô Trần Mạnh Linh – phụ trách phòng Tâm lý học đường – một cô giáo trẻ, nhiệt huyết và tâm lý. Cô đưa ra những tình huống cụ thể hướng dẫn các phụ huynh “Xử lý những cảm xúc gây trở ngại việc học của con và Khơi gợi sự hợp tác”.


Cô giáo Trần Mạnh Linh trao đổi cùng các bậc phụ huynh về những trở ngại cho việc học của con.

Trong phần trao đổi, cô đưa ra tình huống ứng xử dành cho các cha mẹ. Cô sẽ đóng vai người mẹ, còn các bậc phụ huynh sẽ “thử đặt một chân mình vào đôi giày của con để biết con mình thế nào”. Sở dĩ, khó khăn lớn nhất với các bậc cha mẹ khi con mình có tình cảm khác giới là chia sẻ với con như thế nào khiến con cảm thấy yên tâm, tin tưởng mình. Cô đã giúp cha mẹ thiết lập được mối quan hệ bình đẳng, làm bạn được với con cái.

Mẹ ơi, con rất buồn con thực sự thích Liên nhưng bạn ấy lại tìm mọi cách để xa lánh con. Con phải làm thế nào đây?

Nếu đặt mình vào vị trí của người mẹ thì bạn sẽ nói với con như thế nào ? Hay nếu là người con thì bạn sẽ phản ứng thế nào trước các cách trả lời khác nhau của mẹ ?

Từ tình huống cụ thể ấy cô Mạnh Linh đã đưa ra cách để xử lý những tình huống, lắng nghe những cảm xúc từ con mình một cách hiệu quả, để lần sau con lại tìm đến mình để tâm sự. Hầu hết các bậc phụ huynh đều cảm thấy thích thú, hào hứng và có những phản hồi rất tích cực về buổi sinh hoạt CLB phụ huynh.

Những buổi sinh hoạt CLB cha mẹ học sinh được tổ chức định kì thường xuyên dưới mái trường mang tên Bác đã mang lại những ý nghĩa to lớn, góp phần giúp các phụ huynh hiểu con mình hơn và có được những cách thức hợp lí để hỗ trợ các con mình trong quá trình hoàn thiện nhân cách và chinh phục những nấc thang tri thức ở phía trước!

Nguyễn Bảo Anh và Ngô Thị Thu Hằng- lớp 10D1