“Có chiếc én chở xuân trên cánh nhỏ

Vô ý chao nghiêng làm rớt xuống bên thềm

Cho mai thêm vàng, và đào thêm đỏ

Biếc thêm mầm. Tóc thầy cũng bạc thêm”

Ai đó từng nói rằng: Tuổi học trò là một trong những năm tháng đẹp nhất của đời người. Nó lưu giữ thật nhiều kỉ niệm hồn nhiên, trong sáng về bạn bè, thầy cô và mái trường. Biết bao gương mặt đã đi qua, cũng là bấy nhiêu kí ức sẽ ở lại. Và giữa vùng trời kí ức mênh mông ấy, thầy giáo Lê Đình Cương nổi lên như một điểm sáng khó phai mờ trong tâm trí của tất cả những đứa học trò 7A5 chúng tôi.

Có thể nói, từ lần đầu tiên lên lớp, thầy Cương đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Tôi còn nhớ như in hình ảnh thầy lúc đó: tay xách chiếc cặp cũ đã sờn da, người vận bộ quần áo tối màu giản dị, cặp mắt thường nheo đi nheo lại sau chiếc kính dày cộp; thầy đứng trên bục giảng với nụ cười tỏa nắng, đầy trìu mến và thân thương. Rồi thầy bắt đầu tiết học không phải với lời giới thiệu khái quát về bài giảng; mà bằng câu thăm hỏi tận tình việc ăn ngủ, học tập, vui chơi của chúng tôi. Thầy kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương sáng ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ xưa tới nay. Chuyện này nối tiếp chuyện kia, chúng tôi cứ say sưa lắng nghe thầy kể và bắt đầu vào bài học từ lúc nào không hay biết. Những bài học Lịch sử của thầy Lê Đình Cương đi sâu vào lòng chúng tôi như thế đấy.

Thật không quá khi cho rằng, thầy Cương của chúng tôi giống như một người chèo lái con đò thời gian. Tất cả các sự kiện lịch sử, cột mốc năm tháng, tên người tên đất… được kết nối một cách vô cùng khéo léo và tài tình trong bài giảng của thầy. Thầy như sở hữu thứ phép lạ, có khả năng biến những dòng chữ khô khan, những ghi nhớ công thức thành câu chuyện, bài thơ vừa dễ thuộc vừa nhớ lâu. Đặc biệt hơn cả là giọng giảng của thầy. Tôi yêu lắm cái chất giọng ấy, khi thì sang sảng, âm vang khí thế hào hùng của thời kì lịch sử; lúc lại truyền cảm, lắng đọng bài học nhân sinh triết lý về cuộc đời. Cách thầy giảng bài rất cuốn hút, mà cách thầy cho ghi bài cũng thật hợp lý. Khác hẳn với đặc trưng vốn dài dòng của môn lịch sử, mỗi tiết thọc, thầy thường cho chúng tôi ghi chép rất ít, chủ yếu là các ý chính. Bài giảng của thầy khá ngắn gọn, cô đọng; nhằm hướng tới việc phát huy tối đa sự tìm tòi, tự nghiên cứu của học sinh. Vậy nên, dù đã bước vào tuổi 75, nhưng thầy vẫn khiến không ít các thầy cô giáo trẻ phải khâm phục tính chất phóng khoáng, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình.

Lớp chúng tôi luôn luôn nhớ tới thầy với niềm kính yêu vô bờ bến. Bởi lẽ, thầy không chỉ dạy chúng tôi những bài học hay, truyền thụ cho chúng tôi những tri thức lịch sử quý báu, khơi dậy trong chúng tôi niềm tự hào về dân tộc mình, đất nước mình; mà còn dành cho chúng tôi tình cảm yêu thương chân thành, trìu mến. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, thầy đã gác lại việc nghỉ ngơi, tận hưởng thú vui an nhàn bên con cháu, để tiếp tục bước tới bục giảng, lấy sự học, niềm vui, nụ cười của học trò nguồn hạnh phúc lớn trong đời. Những tình cảm đáng quý ấy, chúng tôi sẽ mãi không quên.

Những bài giảng hôm nay của thầy rồi sẽ là một phần hành trang quan trọng trong tương lai mà chúng tôi mang theo trên đường đời. Chúng tôi rất muốn nói với thầy : “Thưa thầy, thầy là người thầy chúng con rất yêu quý và kính trọng! Tuy có những lúc chúng con mắc sai lầm, có những lúc chúng con đã làm cho thầy buồn, nhưng chưa bao giờ thầy trách mắng. Chúng con muốn xin thầy tha thứ vì những lỗi lầm đó. Niềm vui của chúng con là được thầy dạy Lịch sử. Chúng con sẽ cố gắng học tập và luôn nghe lời ông bà, cha mẹ,… để không ai phải phiền lòng. Chúc thầy luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, và dìu dắt thêm được nhiều thế hệ học sinh hơn nữa. Thầy nhé !!!

Trịnh Nguyễn Minh Anh - 7A5