Mỗi người thầy, người cô khác nhau đều ghi dấu ấn khác nhau trong tim mỗi học sinh trường Nguyễn Tất Thành. Đối với chúng tôi, sau một năm được học “người ông, người cha già” tràn trề kinh nghiệm - Lê Đình Cương , khi chuyển sang học thầy Nguyễn Quốc Vương, chút bỡ ngỡ cũng không tránh khỏi khi hiện lên trong mắt mỗi đứa học trò. Tuy nhiên, chỉ sau một buổi giới thiệu và làm quen, thầy Vương đã trở thành một trong những thầy giáo được chúng tôi yêu mến nhất!


Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương

Thầy Nguyễn Quốc Vương đã từng là một sinh viên của Đại học Shiga (Nhât bản) từ tháng 19/2006 đến 4/2011 - khoảng thời gian thầy đang theo học thạc sĩ ở nơi đất khách quê người, thầy đã lấy được bằng TOEFL và chứng chỉ tiếng Nhật N2 (2008) và N1 (2010). Sau khi quay trở về Việt Nam và trở thành thầy giáo trẻ nhất trong đội ngũ giáo viên của trường Nguyễn Tất Thành từ tháng 11/2011, thầy đã nhận dạy ba lớp mười một và ba lớp tám. Sau năm năm học tập và sinh sống tại Nhật, nhận thức được những sự tiến bộ trong nền Giáo dục của Nhật rồi từ đó, thầy dần dần áp dụng những tiến bộ, những phương pháp phù hợp vào trong các giờ học lí thuyết của thầy. Qua các giờ học lịch sử thú vị đó, thầy nhận ra rằng học sinh Việt Nam rất năng động, thông minh và có mối quan tâm đến lịch sử, tư duy sắc sảo và cách phê phán sâu sắc khi biết nhìn nhận lịch sư đa chiều, dùng lịch sử để tham chiếu so sánh với hiện tại. Những điều này được bộc lộ rất rõ từ ý thức trong giờ học đến những câu hỏi chuyên môn về lịch sử, qua cách ứng xử trong giao tiếp với giáo viên cũng như bạn bè xung quanh của học sinh Nguyễn Tất Thành. Điều này đồng nghĩa với việc các bạn học sinh đã có ý thức công dân cao, có trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng, dân tộc mình.


Đối với thầy, dạy học không phải là bắt học sinh học thuộc những ghi chép trong sách giáo khoa, các bài lí thuyết màu xám nặng nề, không phải truyền thụ tri thức lịch sử cho học sinh mà là giúp học sinh phát triển nhận thức về lịch sử, giúp học sinh “xem sự kiện lịch sử đó có thật hay không?” (dựa vào tư liệu lịch sử mà học sinh tự tìm hiểu được) “Các sự kiện đó có ý nghĩa gì đối với hiện tại?” Và người giáo viên phải biết tôn trọng nhận thức học sinh của mình, tôn trọng tư duy độc lập của học sinh . Các giờ giảng bài và cách ra đề kiểm tra của thầy cũng gây ấn tượng với lớp rất nhiều. Đề kiểm tra của thầy thường khác so với các thầy cô cùng bộ môn. Đó không phải là học sinh học thuộc những gì ghi trong sách giáo khoa rồi trả lời câu hỏi hay ngồi nghe giảng về những vấn đề khô khan trong đó mà là thầy đưa ra những câu nói của những người nổi tiếng hay những tình huống để học sinh có thể đặt bản thân mình vào đấy và xử lí, những câu chuyện có liên quan đến bài giảng và thỉnh thoảng là những câu nói vui, những câu hỏi để học sinh có thể phát huy tính tư duy sáng tạo, những câu chuyện cười để giảm bớt căng thẳng trong giờ học, để thầy và trò có thể gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và cũng là để học sinh gắn những sự kiện lịch sử vào cuộc sống thường ngày, giúp học sinh dễ hình dung, tưởng tượng, hiểu và ghi nhớ sự kiện ấy theo tư duy logic đúng đắn của bản thân mình.

Đôi khi, thầy lại hỏi chúng tôi “Các em có bao giờ thắc mắc học lịch sử để làm gì không?” Mỗi nước, mỗi dân tộc đều có một lịch sử dựng nước và giữ nước của riêng dân tộc đó, mỗi người công dân đều phải biết đến lịch sử của nước mình, dân tộc mình. Đó như là gốc của một cái cây. Khi nắm chắc, biết chắc và hiểu được gốc rễ ấy thì mới có thể đứng lên , mới có thể tiếp tục phát triển lành mạnh để tạo ra những người công dân ưu tú, có tri thức, có phẩm chất, năng lực cần thiết để cải biến, xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Muốn như vậy, bước đầu chúng ta cần phải biết yêu thích lịch sử, hứng thú, tìm hiểu các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử. Đây là tiền đề cần thiết để trở thành một người công dân tốt. Vì vậy mọi người đều phải học lịch sử.

Một người thầy giỏi, một người thầy biết quan tâm và tôn trọng học sinh, một người thầy hết lòng vì học sinh cũng như sự nghiệp trồng người. Điều gì đã khiến cho một con người bình thường trở thành một con người tuyệt vời, vĩ đại đến vây? Đó là vì lòng yêu mến lịch sử, lòng yêu thương những lứa học trò và là tâm huyết cả đời của thầy. Thầy chia sẻ rằng “ Hi vọng của thầy đó là có một thế hệ không chỉ giỏi về tri thức mà còn quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hòa nhập quốc tế. Đó là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc giáo dục tri thức cho học sinh của tất cả những người làm trong ngành Giáo dục chứ không phải của riêng mình thầy!”

Năm tháng rồi cũng qua đi, rồi không biết sẽ có bao nhiêu thầy cô nữa sẽ đi qua cuộc đời cắp sách của mỗi đứa học sinh chúng tôi, nhưng hình ảnh về một người thầy giáo trẻ trung, thân thiện và hết lòng vì học sinh sẽ là hình ảnh in đậm mãi trong kí ức của tôi và mỗi đứa học trò 8A5, dù có trôi qua bao nhiêu mùa trống tan trường đi nữa...

Nguyễn Quỳnh Hoa - 8A5