Sự thờ ơ, thụ động và miễn cưỡng của đa số học sinh đối với môn Lịch sử là một thực tế xót xa, khiến các giáo viên dạy bộ môn này trong nhiều năm nay không khỏi băn khoăn, trăn trở. Phải trả lại cho bộ môn Lịch sử sức sống mới và làm thế nào để học trò có nhận thức, thái độ tiếp nhận lịch sử đúng đắn, đam mê là tâm nguyện, là nỗi khắc khoải, day dứt của các thầy cô giáo dạy Sử trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện sinh hoạt chuyên môn tổ Lịch sử diễn ra ngày 1/7/2013 vừa qua tại phòng 405 trường Nguyễn Tất Thành được đánh giá như một diễn đàn hội tụ những con người nhiệt huyết trăn trở tìm một hướng đi cho bộ môn Lịch sử của trường Nguyễn Tất Thành nói riêng và tình hình học Sử, dạy Sử nói chung hiện nay.

Với chủ đề “TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH TRONG MÔN LỊCH SỬ”, buổi sinh hoạt chuyên môn đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 giáo viên trường Nguyễn Tất Thành, đặc biệt là sự có mặt của PGS. TS Đào Tuấn Thành, Chủ nhiệm khoa, cùng nhiều giảng viên khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội. Điều đó đã nói lên tích chất đặc biệt của buổi sinh hoạt chuyên môn này – là sự kiện mở màn cho một kế hoạch dạy học tích cực, một chương trình học tập mới của bộ môn Lịch sử đã, đang và sẽ được vận dụng chủ động, linh hoạt ở trường Nguyễn Tất Thành.


PGS. TS Đào Tuấn Thành, Chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại Học Sư phạm Hà Nội

Với nội dung “Tổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong môn Lịch sử” bản báo cáo của cô Lê Thu – tổ trưởng tổ Sử trường Nguyễn Tât Thành gây được sự chú ý và hưởng ứng mạnh mẽ của giới chuyên môn và các giáo viên bộ môn khác.


Cô giáo Lê Thu và bản báo cáo “Tổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong môn Lịch sử”

 Bản báo cáo có 5 mục: Thứ nhất, đặt vấn đề “dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là cách gọi mới nhưng không xa lạ mà đã được thực hiện trong chương trình dạy học theo hướng tiếp cận nội dung hiện nay” và nhấn mạnh điểm cốt lõi của năng lực là kiến thức và kĩ năng. Thứ hai, chỉ ra “điểm khác nhau giữa chương trình dựa vào nội dung và chương trình dựa vào năng lực” để làm nổi bật bản chất của hai chương trình học tập. Thứ ba “Thiết kế các chủ đề học tập môn Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực học sinh”. Thứ tư “Xác định hệ thống năng lực cần đạt trong dạy học Lịch sử bao gồm những năng lực chung và năng lực riêng như năng lực nhận thức lịch sử khoa học; năng lực thực hành bộ môn. Thứ năm “Tổ chức các hoạt động học tập theo hướng phát triển năng lực”.

Có thể nói, những nội dung mà bản báo cáo đặt ra có tính lí luận và thực tiễn sâu sắc, vừa khái quát vừa rất cụ thể. Bản báo cáo xoay quanh mục đích và cách thức chuyển từ cách dạy dựa vào nội dung rất nặng nề, hàn lâm, giáo điều của môn Sử như hiện nay sang dạy học theo đinh hướng phát triển năng lực học sinh (ngoài những năng lực chung như học tập, giải quyết vấn đề, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ; công nghệ thông tin – truyền thông thì môn học này phải giúp các em phát huy được năng lực nhận thức khoa học lịch sử như đọc, quan sát, so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, trình bày…và năng lực thực hành bộ môn gồm sưu tầm tư liệu, viết bài nghiên cứu…) Vấn đề bản báo cáo đặt ra không mới, không xa lạ, đó cũng là tinh thần và bản chất đổi mới của chương trình sách giáo khoa sắp tới, nhưng điều đáng nói chính là tinh thần đón đầu, chủ động tìm hướng đi của cô Thu cùng tổ Lịch sử.

Một phần trình bày rất hấp dẫn, lôi cuốn là bản báo cáo của thầy Nguyễn Quốc Vương, giảng viên khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên trường Nguyễn Tất Thành với đề tài “Dạy học lịch sử theo hướng tiếp cận năng lực – lý luận và một vài thử nghiệm trong thực tế”.


Bản báo cáo với đề tài “Dạy học lịch sử theo hướng tiếp cận năng lực – lý luận và một vài thử nghiệm trong thực tế” của thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương

Bản báo cáo gồm ba nội dung chính: Triết lí giáo dục mới sau 1945- hình ảnh người công dân mơ ước; Khái niệm năng lực trong các bản “Hướng dẫn học tập”; Quan điểm của Kato Kimiaki. Điểm được chú ý nhiều nhất của bản báo cáo là kết quả thử nghiệm bước đầu trong thực tiễn khi thầy áp dụng thiết kế bài học theo hướng tiếp cận năng lực. Thầy có trích dẫn ra ba bài viết của học sinh lớp 8 trường Nguyễn Tất Thành trong hơn 1000 bài. Chúng tôi, những giáo viên cùng môn, khác môn, đều không khỏi ngỡ ngàng và xúc động trước những bài viết đó. Tâm niệm với quan điểm của Kato Kimiaki “Mục đích của giáo dục lịch sử là làm trưởng thành nhận thức lịch sử của học sinh với tư cách là chủ thể” nghĩa là hình thành và làm sâu sắc nhận thức lịch sử của học sinh chứ không phải là truyền đạt thành tựu của sử học, thầy đã dạy sử theo hướng nghiên cứu bài học từ đó hình thành được học lực lịch sử cho học sinh. Thầy cũng lấy một bài cụ thể “Sơ lược về môn Lịch sử” ở lớp 6 và thiết kế bài học này theo hướng tiếp cận năng lực rất chi tiết. Tất cả chúng tôi, những người ngoại đạo đến dự đều cảm nhận được sự tha thiết sôi trào với lịch sử của thầy, như một người truyền cảm hứng thầy bộc bạch, diễn giảng, thao tác đầy say mê…Chúng tôi, mỗi người dù là ít hay nhiều cũng thu hoạch được cho mình một bài học nào đó từ bài báo cáo của thầy.

Ở phần cuối của cả hai bản báo cáo đặt ra một số vấn đề thảo luận như: Tổ chức hoạt động dạy học để phát triển năng lực học sinh; Mối quan hệ giữa dạy học năng lực với chuẩn năng lực đầu ra; Các hình thức kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi thuận chiều có, trái chiều có của những người tham gia. Điểm đáng ghi nhận ở đây là hai bản báo cáo đã mạnh dạn, táo bạo đưa ra được hệ thống năng lực chung và năng lực riêng cần đạt trong dạy học Lịch sử. Những thành quả nghiên cứu của tổ Lịch sử đã phản ánh quá trình lao động nghiêm túc, không ngừng tìm lối thoát cho môn Sử trong bối cảnh hiện tại.


Thầy giáo Lê Đình Cương phát biểu ý kiến

Có thể ví các giáo viên trong tổ bộ môn Lịch sử trường Nguyễn Tất Thành như những người thợ cần mẫn, kiên trì đặt viên gạch đầu tiên cho một hướng đi trong việc dạy học môn Lịch sử. Nỗi trăn trở, tình yêu trò, lương tâm nghề nghiệp thôi thúc họ tiên phong hành động, tìm tòi một cách dạy thiết thực và hiệu quả. Buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ Lịch sử thực sự là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu, ở đó họ bày tỏ chân thành những ấp ủ, những dự định, những tâm nguyện, băn khoăn với đồng nghiệp, với BGH nhà trường Nguyễn Tất Thành, với khoa Sử ĐHSP Hà Nội nhằm tìm tiếng nói chung, hướng đến cải thiện chất lượng dạy và học Sử cho nhà trường hiện nay. Đây là điều đáng trân trọng và biểu dương ở tổ Lịch sử. Một tổ có nhiều hạt nhân tinh hoa về phương pháp của khoa Sử ĐH Sư Phạm Hà Nội như thầy Nguyễn Quốc Vương, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Văn Hưởng… cùng sự góp sức góp lòng của Chủ nhiệm khoa, các giảng viên khoa Sử, sự ủng hộ tối đa của Ban Giám hiệu nhà trường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi tin tưởng tổ Lịch Sử sẽ thực hiện được ý nguyện: mỗi giờ học Lịch sử của các em là một trải nghiệm thú vị về sự thật lịch sử hay sự thật lịch sử qua lăng kính của các em không còn xơ cứng, giáo điều và nặng nề con số nữa, sẽ thật là cuộc đời, sống động, gần gũi.

Buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ Lịch sử đã bắt đầu khơi bùng ngọn lửa say mê với nghề trong lòng các giáo viên bộ môn khác. Đây là một buổi sinh hoạt chuyên môn có sự đầu tư sâu, rộng về cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp dạy học, thể hiện rõ mục đích và quyết tâm của Tổ trong việc tìm kiếm một hướng đi tối ưu cho dạy và học môn Sử trong những năm tới.

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú