Hàng năm, để chào mừng ngày ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3, Công đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội thường tổ chức những hoạt động ý nghĩa. Không ngoại lệ, năm nay Ngày hội “Khéo tay, hay vào bếp” đã được tổ chức vào ngày 7 - 3 với sự tham gia đông đảo của 40 nhóm đến từ các trường, các khoa và ban ngành khác nhau thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.


Dù 8h30’ ngày hội mới chính thức bắt đầu, nhưng từ sớm, sân nhà A3 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhộn nhịp trong tiếng nói, tiếng cười. Đến dự với chương trình có sự tham dự của các khách mời bao gồm:

- TS. Đặng Xuân Thư – Bí thư Đảng Uỷ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm

- Ths. Lê Xuân Quang – Bí thư Đoàn

- Ths. Nguyễn Văn Vận – Công đoàn trường

Ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều thầy cô cũng như học sinh, sinh viên đến xem và cổ vũ cho các nhóm thi đấu.

Thể lệ và cơ cấu giải thưởng năm nay rất phong phú gồm 24 giải với

2 giải nhất - mỗi giải 800.000VNĐ

4 giải nhì - mỗi giải 500.000 VNĐ

8 giải ba - mỗi giải 300.000VNĐ

10 giải khuyến khích - mỗi giải 200.000VNĐ

Mỗi đội thi gồm hai nữ một nam tham gia thi đấu với món bún chả được quy định cụ thể về thành phần và dụng cụ chế biến. Đại diện cho trường Nguyễn Tất Thành là ba thầy cô giáo trẻ: cô Nguyễn Thị Hiền - bếp trưởng và hai bếp phó – cô Lê Thị Phương Thảo và thầy Lê Văn Hiếu. Các nhóm có 2 giờ đồng hồ để thực hiện phần thi của mình. Ngay khi tiếng báo hiệu cuộc thi bắt đầu, cả sân A3 như vỡ oà lên trong tiếng gọi nhau í ới, tiếng hò reo cổ vũ, tiếng băm thịt và hương thơm ngào ngạt của thịt nướng. Đội nào cũng chăm chú và tập trung hết sức.


Sân nhà A3 sôi động ngày 7-3

Chính nhờ cuộc thi này, nhóm phóng viên chúng tôi mới có dịp “khám phá” ra tài năng ẩm thực của thầy cô mình. Chúng tôi đã trầm trồ tròn mắt trước những quả cà chua bình thường, dưới đôi tay khéo léo của cô Hiền đã hoá thành những đoá hồng xinh xắn. Chưa hết, thầy Hiếu với bộ đồng phục đầu bếp trắng đầy chuyên nghiệp đã trổ tài băm thịt thật điêu luyện. Cô Thảo cũng giúp sức mình trong tất cả công việc, không chỉ tỉa, gọt rau củ mà còn phụ trách nướng thịt.


Thầy Hiếu trổ tài băm thịt thật điêu luyện



Những hoa quả bình thường dưới tay hai cô giáo trở nên rực rỡ hơn

Dạo qua một vòng xem phần thi của các nhóm khác, chúng tôi thích thú nhận ra, không chỉ trường Nguyễn Tất Thành có bộ đồng phục nấu bếp thật chuyên nghiệp, một số nhóm khác cũng có đồng phục thể hiện “bản sắc” riêng của khoa mình. Cụ thể như khoa Việt Nam học với bộ áo nâu sòng, khoa Hoá học với các thầy cô trong chiếc áo blouses trắng quen thuộc nơi phòng thí nghiệm.


“Cặp đôi hoàn hảo” làng Quan Họ


Blouses trắng không chỉ nơi phòng thí nghiệm


Những cô gái chân quê

Khâu trang trí của các nhóm cũng được chuẩn bị rất công phu, sáng tạo với những chiếc nón, quang gánh, hoa lá cỏ cây hay thậm chí là những chiếc ly, cốc đầy vẻ sang trọng. Có vẻ trường Nguyễn Tất Thành có nhiều đối thủ nặng kí, nhưng điều đó không hề khiến cho các thầy cô xao lãng.



Đúng 10h, ban giám khảo bắt đầu đi chấm điểm. Tiêu chí chấm điểm dựa trên bốn vấn đề: Thời gian thực hiện, chất lượng món ăn, hình thức trình bày và phần thuyết minh. Tổng điểm là 100. Tất cả các nhóm đã hoàn thành xong phần thi của mình, ai nấy đều hồi hộp, khẽ nhẩm lại trong đầu phần thuyết minh món ăn. Và bày ra trước mắt người xem là những bàn ăn đầy màu sắc mà mỗi nhóm đều có những sự sáng tạo độc đáo của riêng mình.









Cô Thảo tự tin thuyết minh về món ăn


Giây phút hồi hộp lắng nghe ban giám khảo nhận xét và chấm điểm

Sau hơn một tiếng chấm thi và cân nhắc, ban giám khảo đã vui mừng công bố các nhóm được đoạt giải. Trường Nguyễn Tất Thành đã vượt qua hơn 20 nhóm khác và đoạt giải khuyến khích. Mặc dù không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng trong mắt ban giám khảo và những người xem, Nguyễn Tất Thành vẫn được coi là một đội thi xuất sắc. Thể hiện điều này, cô Hà – giáo viên Giáo dục công dân trường Nguyễn Tất Thành – chia sẻ: “Điểm khác biệt lớn nhất của đội thi trường Nguyễn Tất Thành chính là sự tham gia thi đấu của ba thầy cô trẻ đều chưa lập gia đình. Các thầy cô đã đem đến với cuộc thi một thông điệp đầy ý nghĩa. Sự kết hợp hài hòa và tinh tế của hương vị ba miền Bắc, Trung, Nam là hình ảnh của một Nguyễn Tất Thành đoàn kết và gắn bó”.

Chút chua cay mặn ngọt của nước chấm cùng với vị đậm đà thơm béo của từng miếng chả thật khó cưỡng. Thật may mắn cho chúng tôi khi có cơ hội được nếm thử món ăn do chính các thầy cô mình nấu.


Tác giả và tác phẩm

Nguyễn Thu Thảo 11D1, Trịnh Nguyễn Minh Anh 8A5