Trong 3 ngày 18, 19, 20/6/2019, Ban Giám hiệu Trường THCS THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức những buổi tập huấn với nội dung “Xây dựng các chủ đề môn học và dạy học dự án” dành cho giáo viên trong toàn trường.

Mở đầu buổi tập huấn, cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 của trường lớp 10 năm nay là 52.5 điểm. Con số này chứng tỏ trường Nguyễn Tất Thành đã và đang tạo dựng niềm tin đối với các bậc cha mẹ học sinh. Đó là động lực để các thầy, cô giáo luôn có trách nhiệm trau dồi chuyên môn của bản thân, đáp ứng nhu cầu dạy học phát triển năng lực hiện nay.


Các thầy cô giáo Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành có mặt đầy đủ trong buổi tập huấn


giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Nhà trường trình bày về mục tiêu trong buổi tập huấn

Tiếp đó, cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh trao đổi về việc đổi mới kiểm tra đánh giá. Năm học tới, các Tchuyên môn sẽ soạn ngân hàng đề thi với nhiều hình thức khác nhau, giúp học sinh ôn tập, nắm vững các kiến thức đã học, trau dồi các kĩ năng và phát triển năng lực.


Cô giáo Trịnh Thị Lan – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn THPT trao đổi, chia sẻ về hiệu quả của phương pháp dạy học theo dự án

Ngoài những kiến thức nền tảng học sinh được cung cấp trên lớp, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cũng chú trọng xây dựng cho học sinh những chủ đề liên môn, những dự án giúp học sinh rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm và ứng dụng được lí thuyết vào thực tiễn đời sống. Hàng năm, nhà trường luôn có những dự án cho học sinh các khối lớp như: Liên môn Sinh học – Địa lí - GDCD “Tìm hiểu sự đa dạng của thế giới sống” của học sinh khối 10; Tham quan thiên nhiên – Tìm hiểu đa dạng thực vật ở Việt Nam và trách nhiệm của công dân của học sinh khối 6,… Nhờ có những trải nghiệm này mà học sinh tiếp cận các vấn đề một cách toàn diện, đem lại hứng thú cho môn học.


giáo Thị Hải – Tổ trưởng Tổ Sinh học – Công nghệ đóng góp ý kiến trong buổi tập huấn

Điều tiếp theo cần phải được xem xét trong dạy học dự án là thực trạng làm việc nhóm của học sinh. Giáo viên gặp khó khăn trong việc theo dõi quá trình làm việc của học sinh, các thành viên trong một nhóm đều có đóng góp trong công việc, hay công việc của cả nhóm chỉ dồn về một người làm. Để khắc phục tình trạng này, Nhà trường sẽ sử dụng phần mềm Microsoft Office 365 để quản lí phần làm việc nhóm của học sinh. Giáo viên sẽ dựa vào những đóng góp của học sinh trên phần mềm hệ thống để chấm điểm cho từng cá nhân.

Bất cập trong cách làm việc nhóm của học sinh đã được các thầy cô giáo xem xét và giải quyết bằng cách áp dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, những sản phẩm của dự án khó có thể phát huy được hết giá trị nếu không được phổ biến rộng rãi. Chính vì vậy, các thầy, cô giáo đã đề xuất ý kiến tổ chức triển lãm cuối năm trưng bày những thành quả, sản phẩm học tập của học sinh, đồng thời CLB Phóng viên sẽ hỗ trợ ghi lại những hình ảnh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.


Thầy giáo Đào Hải Tiệp – Tổ trưởng Tổ Tin học giới thiệu phần mềm Microsoft Office 365 với những ứng dụng hữu ích trong dạy học

Tin rằng với những thay đổi tích cực như trên, học sinh của ngôi trường mang tên Bác sẽ được học tập trong môi trường phát triển toàn diện, để trở thành những công dân ưu tú trong tương lai.

Bài viết: Hoàng Phương Thảo (10D1)

Ảnh: Tô Mai Linh (10A1)