Ngày Tết, “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, những điều muôn năm cũ gắn liền với mỗi con người Việt Nam. Vậy mà nay cũng đã mai một nhiều: Pháo thì bị cấm, cây nêu thì chỗ đâu, còn dưa hành thì… ối dào, mua ở chợ! Có ai còn đủ tỉ mẩn để ngồi xếp từng lớp hành với muối vào chiếc vại da lươn?

Thế mà vẫn có một thứ mà không thể mất đi: Cái thú chơi hoa đào. Có khi chỉ một cành nhỏ với vài nụ trên bàn thờ cũng đủ Tết rồi. Nhà nào mà có điều kiện, có thời gian thì còn cố mua cho được một chậu đào rừng thân mốc mà chưng. Cây đào đã trở thành biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, của thịnh vượng, của mùa xuân.


Nhưng có ai đã tự hỏi, sau ba ngày Tết, những cành đào đi đâu?

Hãy cứ đi ra bất kì góc phố nào, bạn sẽ những cành đào bị vứt thành từng đống. Từ một sinh  thể đầy sự sống thành bộ xương khô. Người đi đường cũng không chú ý lắm, cho dù có thể họ đã từng trầm trồ trước chính cây đào đó.

Thật là một sự phí phạm. Đã có ai hiểu được rằng thứ cây mỏng manh này bắt rễ trên bao nhiêu điều quý giá?

Về lý do cắm hoa đào, có nhiều truyền thuyết khác nhau. Một truyện rằng:

“… Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay.

Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không hái được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở trước nhà. Việc làm này từ đó trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình”

Nhưng cũng có một Phật tích khác như sau:

“… Khi loài quỷ còn làm chủ thế gian, Đức Phật giúp con người chiếm đất và dùng cành đào làm ranh giới. Từ ấy để trừ ma tà ngày tết (đêm 30) lũ ma quỷ từ biển Đông được phép vào đất liền thăm viếng. Người ta cắm một cành đào để báo cho lũ chúng không được xâm phạm và quấy nhiễu. Cho nên ngày Tết nhà nào cũng cắm cành đào là vậy”.


Về y học, theo nhiều sách thuốc cổ như Thiên kim phương, Ngoại đài, Thánh tễ tổng lục, Thánh huệ phương, Biệt lục, Bản thảo cương mục, Trửu hậu phương, Hồng nghĩa giác tư y thư,… hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc và vào được ba đường kinh Tâm, Can và Vị. Từ xa xưa, sau dịp Tết Nguyên đán, người ta thường thu hái hoa đào đem phơi khô trong bóng râm (phơi âm can) và bảo quản nơi cao ráo để làm thuốc lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh sốt rét,... Nó còn được xem như một loại thần dược cho sắc đẹp của người phụ nữ, đặc biệt tốt cho da.

Về tâm linh, Cây đào được xem là tinh hoa của Ngũ hành, theo phong thủy cây này có thể trị bách quỷ nên khi đón năm mới ta thường thấy các gia đình hay trồng đào trước cửa nhà. Hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ…(Thậm chí, ở Trung Quốc người ta còn sử dụng nó làm biểu tượng cho lễ cưới nữa.)

Cây đào cũng đã in dấu nhiều lần vào lịch sử. Điển tích “Kết nghĩa vườn đào” trong Tâm Quốc, có ai mà chẳng biết. Năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh đã lập tức cho người đem cành đào vào trong Phú Xuân cho Hoàng Hậu Ngọc Hân làm tin báo tiệp. Rong ruổi ngàn dặm, cũng chính như Nguyễn Huệ đã cùng đoàn quân của mình hành quân vào những ngày giáp Tết. Rồi Tết Mậu Thân 1986, trong lòng những người con đất Bắc đi B chắc hẳn còn vương bóng hình ảnh cành đào, một gia đình sum vầy. Họ đã đem mùa xuân theo từng bước chân mình.


Với bao nhiêu tầng ý nghĩa như thế, vậy mà cứ nhìn cách con người hắt hủi, ngược đãi, ghẻ lạnh với những cành đào mà xem. Cũng theo lẽ thường của con người thôi. Có ai biết đâu được đằng sau chúng là những câu chuyện: Là gió rừng mưa núi, hay những giọt mồ hôi và hy vọng của một bác nông dân? Một sự vô cảm ghê sợ, lạnh lùng đến cả những mơ ước, tình cảm của mọi người và chính mình.

Tôi không phải Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng, khóc hoa rụng rồi đem đi chôn. Nhưng tôi mong muốn mọi người hãy có một chút lòng từ bi với những cành đào, chứ không đối xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Hoa đào quý lắm, đẹp lắm, đáng là thứ để được nâng niu trân trọng.


Tác giả: Lê Công Vũ - 12A5 (CLB Phóng viên)

(Bài viết có sử dụng ảnh và tư liệu trên mạng internet)