Một tối thứ Năm, tôi tình cờ đọc tản mạn "Con trai của mẹ" của Quang Hiển. Rồi đột nhiên, tiếng đài nhà bên vang lên giai điệu ca khúc "Mẹ tôi" của Trần Tiến. Tôi lặng người... Có điều gì đó nghèn nghèn ở cổ, mãi chẳng cất lên thành lời. Tờ lịch trên tường nhắc tôi, cũng gần đến ngày 20 tháng 10 rồi...

            "Mẹ tôi", là chiêm nghiệm cả đời người nhạc sĩ. Ca từ và giai điệu của bài hát cứ ám ảnh tôi mãi:

“Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa.
Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo.
Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ.
Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em làm thơ.
Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm ơi mẹ tôi.
Ngày xưa bên giường cha nằm mẹ buồn xa vắng.
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành”
.


            Tôi còn quá trẻ để thấu hết tâm tình của người nghệ sĩ. Nhưng nỗi nhớ nhung, bồi hồi trong bài hát, người con nào cũng sẽ cảm nhận được dù ít hay nhiều. Nhất là những đứa con xa mẹ.

            16 tuổi. Tôi đi học xa nhà. Với một đứa con gái độc lập và “hơi già trước tuổi” như tôi, điều đó chẳng khó khăn gì. Khoảng thời gian tôi dành cho mình nhiều lên, còn với mẹ ít đi dần. Đến giờ chỉ còn lại là vài phút qua loa trên điện thoại. Có những ngày mẹ bận, con bận, một cuộc điện thoại cũng chẳng còn kịp nữa. Nghĩ lại nhiều khi thấy mình vẫn là vô tư quá mà thành vô tâm.

            Tôi yêu mẹ, nhưng tôi chợt nhận ra, tôi chưa bao giờ nói yêu mẹ dù chỉ là một câu. Ở độ tuổi này, thổ lộ tình cảm với mẹ phải chăng là điều khó khăn nhất? Có lẽ, mẹ luôn biết tôi yêu mẹ đến nhường nào. Nhưng nếu mẹ cảm nhận được tình yêu ấy qua lời nói hay cử chỉ, mẹ sẽ còn hạnh phúc ra sao? “Xét cho cùng, yêu thương cũng đâu phải lúc nào cũng trú ẩn trong chiếc áo lặng thầm. Lòng bạn thực ra ăm ắp thiết tha, tràn ngập yêu thương nhưng như con ốc nhút nhát thu mình trong chiếc vỏ, những tình cảm ngọt ngào đó bị nhốt chặt trong bạn và trớ trêu thay chính bạn là người tự khóa cửa lòng mình. Bạn sợ yêu thương sổng ra ngoài sẽ làm mình đỏ mặt chăng?” ( trich “Thương nhớ Trà Long – Nguyễn Nhật Ánh). Nhìn lại và suy ngẫm, tôi mới chợt nhận ra một điều: dù đã lớn, đôi khi chúng ta cũng cần học lại yêu thương.

Những chuyến xe đi đi về về khiến tôi tưởng mình đã quen với cuộc sống xa nhà, xa mẹ. Nhưng hóa ra nỗi nhớ ấy, tình yêu ấy vẫn chưa một giây nào vơi đi trong tôi, nó chỉ trốn trong một ngách nhỏ nào đấy và đợi đến khi cơn gió lạnh đầu tiên ùa về thì lại vỡ òa lần nữa, mãnh liệt hơn trước rất nhiều. Tôi thèm cái cảm giác ấm áp, ngọt ngào ở “nhà tôi” kinh khủng! Giờ đây, trước khi tôi ra đường, chẳng còn ai nhắc nhở phải mặc áo ấm và khi về nhà, chẳng còn mùi thức ăn thơm nức mũi tỏa ra từ căng bếp nhỏ. Tôi mới chợt nhận ra, hạnh phúc đôi khi chỉ là những thứ nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống:

"Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.

Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ"

            Có mẹ là một niềm hạnh phúc nhưng mấy ai nhận ra được niềm hạnh phúc quý giá đến nhường nào. Và ngay chính tôi, tôi cũng chỉ thực sự nhận ra điều ấy khi đã rời xa vòng tay mẹ. Nhưng có bao giờ là muộn khi nói những lời yêu thương? Đừng để tình cảm chân thành mãi bị chôn giấu trong chiếc vỏ ốc của mình. Ngày 20/10 tới gần, có lẽ không gì ngọt ngào hơn một lời nhắn gửi giản dị, chân thành tới mẹ. Tôi không kịp bắt chuyến xe về nhà trong ngày 20/10, nhưng tôi sẽ gọi về cho mẹ, để nghe giọng nói yêu thương và trao đi những lời yêu thương.

Bài viết: Đặng Thúy Hằng (10N1)

Ảnh: Internet