PHÒNG TÂM LÍ HỌC ĐƯỜNG - ĐIỂM ĐẾN TIN CẬY

Gần đây đã xảy ra biết bao trường hợp đau lòng cha mẹ, các nhà giáo dục và những người có lương tri trong xã hội: nữ sinh tự tử vì mất tiền quỹ lớp, một học sinh lớp 10 Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tự tử vì bị cha mẹ ép học, 4 học sinh lớp 5 trường Tiểu học Long Thạnh 1 ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) uống thuốc sâu tự tử, nữ sinh đâm chết bạn trước cổng trường THPT Đồi Ngô, nữ sinh đánh nhau, hàng chục bạn đứng quanh cổ vũ… Những hiện tượng đáng buồn trên, đáng tiếc thay, xảy ra ngày một nhiều.

Nguyên nhân của hiện tượng này, có lẽ là bởi cuộc sống vật chất hiện nay khá đầy đủ, nhưng nhiều khi các em vẫn cảm thấy cô đơn ngay chính tại gia đình của mình. Trong khi đó, đến trường, các em chủ yếu được trang bị rất nhiều tri thức của các môn khoa học nhưng giá trị sống và kĩ năng sống lại không được cung cấp. Lứa tuổi học sinh là giai đoạn giao thời giữa trẻ con sang người lớn, do đó các em rất muốn chứng tỏ mình. Khi bị phê bình hoặc bị đối xử không công bằng, giới trẻ lập tức cảm thấy tổn thương, mặc cảm, bế tắc. Nếu không có người tham vấn kịp thời để tháo gỡ, các em dễ tìm đến hướng giải quyết tiêu cực…

Bên cạnh vai trò của gia đình, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành nhận thức rất rõ về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa sớm, phát hiện sớm và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống tinh thần, trí tuệ của các em - các vấn đề về nhận thức, cảm xúc và hành vi như:

- Những khó khăn trong học tập

- Những vấn đề hành vi

- Vấn đề thiếu tập trung chú ý

- Những vướng mắc trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè và ở gia đình

- Lo lắng, trầm cảm, sợ sệt, nhút nhát

- Thiếu giá trị sống và kỹ năng sống phù hợp

....

Ngày 16/04/2006, phòng Tâm lí học đường của trường Nguyễn Tất Thành đã được thành lập dưới sự hỗ trợ và giám sát chuyên môn của Khoa Tâm lý - Giáo dục thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội. PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu, trưởng bộ môn Tâm lý học Ứng dụng là người trực tiếp trợ giúp và giám sát. Cán bộ tâm lí chính thức của Phòng là cô giáo Trần Thị Mạnh Linh. Bên cạnh đó, phòng Tâm lí học đường luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ những tình nguyện viên là các cán bộ, những sinh viên tình nguyện của khoa tâm lí và các trung tâm tư vấn. Có thể nói, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là một trong số ít những ngôi trường đầu tiên trong toàn quốc có phòng Tâm lí học đường và phòng hoạt động khá hiệu quả.


Cô giáo Trần Thị Mạnh Linh - cán bộ tâm lí của phòng Tâm lí học đường

Cán bộ tâm lí học đường có nhiệm vụ phòng ngừa, sàng lọc và phát hiện sớm, can thiệp sớm những rối nhiễu tinh thần của học sinh, tham vấn giúp học sinh giải quyết vấn đề tâm lí của mình. Đồng thời, phòng cũng tư vấn cho phụ huynh học sinh và giáo viên của nhà trường giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giáo dục, dạy dỗ học sinh. Có thể nói, cán bộ tâm lí là những người rất nhiệt tình, tận tâm, luôn kiên nhẫn và bền bỉ để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.

Luôn tâm niệm cần phải làm tốt hơn nữa, những hoạt động sôi nổi và âm thầm đã và đang diễn ra của phòng Tâm lí học đường trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành rất đáng ghi nhận.

Với học sinh: Phòng Tâm lí đã phối hợp với các giảng viên và các chuyên gia chuyên ngành Tâm lí tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi, xây dựng các câu lạc bộ (CLB “Bạn và tôi”; CLB “Tuổi hoa”) để trang bị những kiến thức cần thiết cho học sinh toàn trường. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, phòng Tâm lí cũng phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm lớp để đưa chương trình giáo dục Giá trị sống vào các tiết chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần để giúp các em dần hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, cán bộ tâm lí còn tận tình tư vấn và tham vấn cho học sinh khi gặp những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và trong học tập. Học sinh lớp 12 khi lúng túng đứng trước ngưỡng cửa bước vào một trường chuyên nghiệp đã được cán bộ tâm lí tư vấn định hướng chọn nghề và chọn trường thi, nhờ thế mà tự tin hơn để đưa ra quyết định sáng suốt.


Chương trình giáo dục giá trị sống
chính thức được đưa vào giảng dạy từ năm học 2012 - 2013

Với giáo viên: Phòng Tâm lí đã tổ chức các khóa tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề về tâm lí học sinh để trang bị thêm những kiến thức và phương pháp cần thiết cho các giáo viên trong hoạt động giáo dục. Những chuyên đề thú vị như Kỉ luật tích cực, Kỉ luật không nước mắt… thực sự mang đến cho các giáo viên trong trường những nhận thức mới mẻ. Phòng Tâm lí cũng luôn sát cánh để hỗ trợ các giáo viên toàn trường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục những học sinh “đặc biệt” - có nhận thức, cảm xúc và hành vi “lệch chuẩn”.

Với phụ huynh học sinh: Phòng Tâm lí đã phối hợp với Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh để cung cấp những kinh nghiệm giáo dục và chăm sóc sức khoẻ tinh thần con cái cho cha mẹ. Những vướng mắc của các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con cũng sẽ được các cán bộ tâm lí tận tình hướng dẫn cách giải quyết.


Cô giáo Mạnh Linh trong một buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh

Phòng Tâm lí học đường trường Nguyễn Tất Thành rất vui lòng được đón tiếp và hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh thông qua các kênh khác nhau:

+ Tư vấn trực tiếp tại văn phòng: phòng 112 – trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Thời gian: từ thứ 2 – thứ 7; sáng : 8h30 – 12h, chiều : 1h 30 – 17h)

+ Tư vấn qua điện thoại : 0983.809.864

+ Tư vấn qua hộp thư của phòng Tâm lý học đường
(Email: phuonglinh8385@gmail.com)


Cánh cửa phòng Tâm lí học đường luôn luôn rộng mở