Ngoài vẻ đẹp mỹ cảm đầy dụ hoặc, hoa còn là một loại rau vừa xạ lạ nhưng cũng rất gần gũi. Xét cho cùng, hoa, cũng như lá, chồi, củ, quả, thân hay thậm chí là rễ cây đều có thể trở thành một thứ thực phẩm. Có lẽ người Việt đã khai phá ra thế giới ẩm thực tiềm tàng ẩn giấu ở sân vườn hay hồ ao, sáng tạo nên lối “ăn hoa” tinh tế và độc đáo bậc nhất.

Thiên nhiên quả thực đã ưu ái cho Việt Nam với khí hậu ôn hoà, các miền đất trù phú và trở thành xứ sở của nhiều loài hoa nhiệt đới. Ngoài các loại quả, cơm canh thịt cá thì chúng ta còn trở nên cầu kì với trăm lối ăn hoa. Từ cách chế biến xào nấu thông dụng như bông bí, bông điên điển, hoa chuối, thiên lý… đến sự sáng tạo trong cách ướp lấy hương như chè sen, chè hoa nhài, hoa bưởi,… tất cả mang lại cho ẩm thực Việt một vẻ vừa bí ẩn, vừa độc đáo trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Các món xào với hoa bí, hoa mướp, hoa thiên lý, hoặc mấu canh vốn rất phổ biến ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài việc xuất phát từ thói quen tiết kiệm của người Việt, các món ăn chế biến từ hoa còn dựa trên các yếu tố dược tính, có lợi cho sức khoẻ. Chẳng hạn như canh hoa thiên lý. Hoa thiên lý nở theo chùm, màu xanh có sắc vàng ở ngọn, mùi hương nồng nàn đặc trưng, vị đắng và bùi. Thiên lý có tình giải nhiệt tốt, diệt ký sinh trùng, hỗ trợ các vấn đề về xương khớp và giúp ngủ ngon.


Bát canh hoa thiên lý dân dã


Nét văn hoá chợ nổi đặc trưng

Nếu có cơ hội được đặt chân đến vùng đất Tây Nam Bộ, nhất định không thể bỏ qua lẩu cá linh bông điên điển - món đặc sản đậm chất hương đồng gió nội. Hoa điên điển cánh vàng rực chính là một biểu tượng cho sự ấm no và đủ đầy. Nếu nói món ăn này là một bản giao hưởng từ hương vị tới màu sắc quả không sai. Vị ngon ngọt của nước dùng, dai dai của cá linh, cá kèo cùng vị đắng nhẹ pha hơi ngọt của bông điên điển giúp cân bằng hương vị.



 Sắc vàng giòn tan của bông điên điển

Chuyện dùng hoa như một thứ rau để ăn trực tiếp vốn dĩ không còn xa lạ, nhưng còn một kiểu ăn hoa khác, một cách gián tiếp, đó là qua phân tử của mùi hương. Xuất phát từ thành ngữ “ăn hương ăn hoa” diễn tả lối thưởng thức đầy tao nhã, thanh cảnh, chỉ chọn lấy cái tinh tuý nhất của món ăn để thoả mãn tâm hồn. Thú “ăn hương ăn hoa” gắn với sự hưởng thụ tinh thần hơn là vật chất.


Giống như lọ hoa mà người ta dâng cúng thần linh, tổ tiên thường là hoa cúc trắng, hoa cúc vàng hay hoa sen. Đó phải là lễ vật đủ hương thơm và màu sắc, đủ thanh cao và sạch sẽ mới không làm ô uế chốn linh thiêng.

Ví như việc dùng hoa sen, hoa nhài để ướp trà. Qua quá trình ướp, phần hương của hoa được hấp thu, kết hợp với hương vị nguyên bản của lá trà, tạo ra một thứ hương mới đầy thi vị của trà sen, trà nhài hay trà cúc. Đơn cử như thức trà sen truyền thống, sen phải được hái từ tinh mơ khi còn chưa hé cánh rồi đem ướp với gạo sen. Cứ một lớp trà sẽ rắc một lớp mỏng gạo sen rồi ủ trong 2 ngày. Cứ thế 5-7 lần mới xong một mẻ trà quyện đẫm hương sen.


Tinh hoa trong những lá trà

Nhắc tới mùi hương gây thương nhớ không thể không kể đến hương nhài. Hàng năm, cứ chớm đầu hè là người Hà Thành lại bỏ công tìm kiếm hoa nhài, bởi ấy là độ hoa nở nhiều nhất, đẹp nhất. Bông hoa nhỏ xinh, chẳng lộng lẫy mà trắng muốt giản dị. Người ta thích hoa nhài chủ yếu là bởi hương thơm thoang thoảng, thuần khiết và mộc mạc. Và cũng cứ độ hè nắng gắt nhất, người ta lại càng thèm một bát tào phớ nước đường hoa nhài. Thứ phớ nõn nà, mướt mịn, trắng ngần, khi ăn như tan trong miệng. Phớ nguyên bản có vị lạt, hơi ngang nhưng kết hợp với nước đường thả vài bông hoa nhài lại hợp lạ. Thưởng thức một miếng tào phớ mát lạnh, ngọt thơm là bao nhiêu cái nắng nôi đều tan biến đi hết.


Có thể nói, không chỉ là một phong cách ăn uống, ẩm thực còn mang nhiều hơn những câu chuyện về một dân tộc, một nét văn hoá hay mơ hồ hơn là những giá trị tâm linh, tinh thần bất biến.

Bài viết: Nguyễn Anh Thư (10D5)

Ảnh: Sưu tầm