Bắt đầu từ thứ hai ngày 5/11, theo quy định của nhà trường, các học sinh Nguyễn Tất Thành khi đi qua cổng vào trường đều phải giơ thẻ cho sao đỏ kiểm tra. Đây không phải là một quy định quá mới mẻ, nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã áp dụng quy định này. Riêng với học sinh Nguyễn Tất Thành, ngày đầu tiên thực hiện có vẻ chưa thực sự theo đúng nghĩa quy định của nó.

Đeo thẻ là để xác thực

Từ lâu, tình trạng “khai man” tên tuổi, lớp học khi đi học muộn vốn đã trở vấn nạn nhức nhối. Nhà trường dù có nhiều nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức học sinh, song có vẻ cái “tật” này đã trở thành phong trào không thể sửa được bởi ai cũng muốn tự “bảo vệ mình”. Hành vi xấu này không những gây ảnh hưởng tới thành tích của lớp mà còn làm suy đồi đạo đức của học sinh. Vì vậy, việc thực hiện đúng theo quy định của nhà trường là một điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thực tế không phải như những gì trên văn bản.

Chỉ cần thẻ khi đi học muộn

Tiết sinh hoạt cuối tuần trước, cô giáo dặn dò học sinh rất cẩn thận: “Các em khi vào cổng bắt buộc phải có thẻ, dù đi học muộn hay không, nếu không có thẻ thì phải quay về nhà lấy, nếu đi học muộn và không về lấy thẻ được thì phải mời giáo viên chủ nhiệm xuống xác nhận”. Mình nghe thế mà lo, từ lúc ở nhà đã phải đeo thẻ cho an tâm, sợ quên mất. Ai dè lúc qua cổng, chẳng phải hai hàng sao đỏ đứng chầu chực như mọi hôm, chỉ có hai bạn gái chấm và cũng chẳng ai soát thẻ hết.



Quan sát một lúc, thấy chỉ có mình nghiêm túc, bao nhiêu bạn đi vào mà mấy ai đeo thẻ đâu, sao đỏ cũng chẳng yêu cầu cái “thủ tục” đấy. Hẳn nhà trường giảm tải quy định, chỉ đi muộn mới bị soát thẻ. Đúng vậy thật, vào giờ, học sinh nào đến muộn không những bị sao đỏ giữ, mà còn bị cô phụ trách và bác bảo vệ chặn lại xét hỏi thẻ. Thế là hết đường trốn!

Nhưng không phải ai cũng “xui xẻo” như thế. Gần vào tiết học, các cô đã đi hết, vài học sinh đến sau nhưng chỉ nói vài câu “Em học cấp 2” rồi vội vã chạy biến là đã “thoát”. Sao đỏ chưa thực sự nghiêm túc hay ý thức của học sinh vẫn chưa cao?

Không thích đeo thẻ

Nhận được quy định mới, học sinh không có ý kiến phản đối nhưng cũng chẳng có những ý kiến tích cực. Phải công khai tên tuổi, ảnh chân dung trước mọi người làm nhiều học sinh e ngại bởi với một số người, việc đó khiến họ bị trêu chọc. Với số khác, tính hay quên đồ, mất đồ làm họ lo lắng. Hay như 11D2, việc cô giáo yêu cầu học sinh dùng túi thẻ đồng màu đến trường nhưng học sinh lại không ưu thích màu sắc đó làm nhiều bạn chẳng muốn đeo thẻ. Nhưng cái lý do lớn nhất chính là không muốn bị kiểm soát bởi đeo thẻ vào thì “ai cũng biết mình là ai”.

Có một điều mình lấy làm lạ khi nhận thấy rằng: trái với hầu hết học sinh cấp 3 không muốn đeo thẻ, các em học sinh cấp 2 lại có vẻ khá hào hứng với quy định này. Các em đeo ngay khi mới được phát thẻ và nội quy chưa được thực hiện, thậm chí đeo cả trong giờ học. Té ra các em thấy thích thú như vậy bởi chúng coi cái thẻ như minh chứng cho một sự trưởng thành, cho cái trách nhiệm “lớn” mà mỗi học sinh phải thực hiện. Thật ngạc nhiên, trong khi các em nhỏ tự hào bởi sự trưởng thành của mình, bậc anh chị lại đi “chối bỏ” nó, thà “bày mưu” chối tội để qua cổng còn hơn gánh lấy trách nhiệm. Nói ngắn gọn, điều quan trọng nhất ở đây không phải vấn đề đeo thẻ hay không mà là vấn đề đạo đức của mỗi học sinh. Nếu ai cũng tự biết nâng cao ý thức chung thì đeo thẻ không còn là một vấn đề cần thiết nữa. 

Nguyễn Thu Thảo lớp 11D1