Đề bài: Suy nghĩ của em về ý kiến sau “Bộ lông làm đẹp con công - Học vấn làm đẹp con người”
Khi nào một con người nhận ra mình là ai? Có phải khi anh ta nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình trong gương? Đó là sự ngộ nhận của không biết bao nhiêu người. “Tấm gương” chỉ là một sự lừa dối, nó phản ánh hình dạng con người nhưng chẳng bao giờ nói sự thật và luôn thay đổi đáp án. Sự thật không nằm ở tấm gương đó, mà nằm ở thế giới anh ta đang tồn tại, nơi mà phẩm chất và tâm hồn không thể tạo hình phản chiếu bằng hình dáng. Câu trả lời là:
Bộ lông làm đẹp con công
Học vấn làm đẹp con người
Vẻ đẹp hình thức luôn được đề cao dù ở xã hội thế giới động vật hay trong xã hội loài người. Như loài chim công với bộ cánh lộng lẫy, với sắc xanh làm mê lòng người đã trở thành biểu tượng quý tộc, hoàng gia, là đề tài của nhiều tác phẩm nghệ thuật bất hủ và trở thành một biểu tượng sắc đẹp của mẹ thiên nhiên.
Nhưng con người được phân biệt với động vật là bởi con người còn sở hữu vẻ đẹp thứ hai. Vẻ đẹp ấy mang một thứ ánh sáng kì lạ như một ngôi sao đêm giữa bầu trời đêm, tiềm ẩn và dịu dàng chờ đợi một nhà thám hiểm xứng đáng để bộc lộ - đó là vẻ đẹp phẩm chất. Không như sắc đẹp, phẩm chất không tự nhiên mà có, nó được sinh ra qua rèn luyện, qua học vấn và được tìm thấy trên con đường vươn tới chân lí cao đẹp.
Đường tới chân lí nhiều ngã rẽ, có thể được đi bằng nhiều phương tiện. Kẻ vô học sẽ bán lương tâm để mua mánh khóe, người có học đi đến chân lí bằng học vấn, bằng con đường chính trực. Đến được hay không, đến sớm hay muộn, thành công hay thất bại sẽ không phải là điều quan trọng. Cái sẽ ở lại là ấn tượng về cách ta đã vươn tới lí tưởng trong sự quan sát của những người xung quanh. Quan trọng là ta có đến được với lòng người hay không chứ không phải ta có thành công hay không. Giá trị đích thực ấy được thẩm định bởi thế giới mà ta đang tác động đến.
Trong xã hội ngày nay có nhiều người đang bị “lóa mắt” bởi hình thức bề ngoài. Những bộ vest, những chiếc áo lông sang trọng, biệt thự hay xe hơi thể thao có thể nói lên sự thành đạt của một con người? Có thể nó giúp làm tôn lên vẻ đẹp ngoại hình, nhưng “bộ lông công” ấy có nói lên vẻ đẹp tâm hồn bên trong? Đường đến thành đạt có thể có hoặc không đi qua cửa học vấn nhưng đường đến sự tâm phục, ngưỡng mộ, tôn trọng, tin tưởng trong lòng người thì chắc chắn phải đi qua cánh cửa ấy. Một người thô lỗ không thể biến thành hào hoa trong phút chốc với bộ trang phục lộng lẫy, xa xỉ. Quỷ dữ không thể hóa thiên thần trong tà áo thanh thoát. Và một người bạn tốt không phải thể hiện trong lần đầu tiên gặp mặt với sự tiếp đón linh đình, mà thể hiện khi chia tay, họ hậu đãi bạn ra sao. Phẩm chất và đức độ không thể mua được mà chỉ có thể tích lũy được qua năm tháng bằng học vấn, là thứ tài sản thực sự. Chỉ có học vấn mới giúp bạn vươn tới cái đẹp đích thực của bản thân.
“Thầy giáo”- những người truyền đạt học vấn cũng không phải là ngoại lệ. Thiên chức “thầy” không mang lại vẻ đẹp cho họ, mà chính là trách nhiệm sống sao cho xứng đáng với trọng trách “người lái đò tri thức”. Vẻ đẹp của họ nằm ở những gì họ để lại sau khi hoàn tất chuyến hành trình - những phẩm chất mà mọi người sẽ còn nhớ mãi: tâm huyết, nhiệt tình, cảm thông, công bằng.
Lịch sử đã chứng minh cho chân lí này. Albert Einstein - nhà khoa học thiên tài người Đức, cha đẻ của “thuyết tương đối”, bộ óc vĩ đại nhất thế kỉ XX, thuở nhỏ từng là một đứa trẻ chậm hiểu với những câu hỏi kì lạ, đã bị đuổi khỏi trường trung học vì chậm tiến. Nhưng mặc cho những lời cười chê, ông kiên cường và nhẫn nại trên con đường tri thức, tự trả lời cho các câu hỏi của mình và rồi vươn tới thành công. Sau thành công, phẩm chất của một nhà bác học không cho phép ông dừng lại, mà tiếp tục làm việc không ngừng để lại cho nhân loại là nền tảng của tương lai. Ông đã cống hiến hết mình vì nhân loại chứ không phải vì chiếc thuyền buồm sang trọng hay ngôi biệt thự mà chính phủ Đức đã hứa hẹn. Sống một cuộc đời bình dị và để lại một di sản vĩ đại - đó là tất cả những gì mà người ta nhớ đến ông với tấm lòng ngưỡng mộ và trân trọng nhất!
Hay gần với chúng ta ngày hôm nay hơn là thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm 2012, sẽ làm người ta nhớ mãi bởi trong vóc dáng nhỏ bé gầy guộc là cả một nghị lực phi thường. Sống trong ngôi nhà xập xệ, và sống qua ngày bằng bằng công việc đan lát phụ giúp mẹ, nhưng bạn đã rất chăm chỉ miệt mài phấn đấu. Con người ấy tuy không mang trên mình “bộ lông công” nhưng đã khiến bao nhiều người ngưỡng mộ!
Vẻ đẹp tâm hồn phải từ học vấn mà ra, nhưng đồng thời học vấn phải xuất phát từ cái chân, cái thiện. Trong lịch sử đã có biết bao kẻ sử dụng học vấn để phản bội lại sứ mệnh của nó. Không ai có thể quên được Adolph Hitler - tên Quốc trưởng độc tài người Đức, với khả năng lãnh đạo và trí tuệ siêu phàm lẽ ra y phải đưa nước Đức và người dân Đức đến với tương lai tốt đẹp, huy hoàng; thì lại ban hành lệnh diệt chủng người Do Thái làm cả thế giới bàng hoàng. Hay Pôn Pốt - thủ lĩnh Khơ-me đỏ lại sử dụng tài năng, học thức để thực thi hành động tàn sát đồng bào của mình.
Qua đây, tôi ngộ ra một chân lí, rằng học vấn phải có sự dẫn đường của phẩm hạnh. Và sự chà đạp lên người khác để đạt được chân lí của bản thân không thể gọi là học vấn mà là một sự báng bổ với tri thức nhân loại. Ví như công trình vĩ đại Cửu Trùng Đài - thắng cảnh muôn đời mà khiến lòng người oán hận, cuối cùng đã bị đốt bỏ thành tro tàn, khói đen vô nghĩa.
Vẻ đẹp có muôn vàn sắc độ khác nhau, những hình dáng thanh tân trẻ trung đến một ngày nào đó rồi cũng sẽ phai tàn và trở về với cát bụi, nhưng có một vẻ đẹp mà ta có thể lưu giữ được mãi mãi - đó là vẻ đẹp của học vấn được dẫn đường bằng phẩm hạnh, và vẻ đẹp của phẩm hạnh được soi sáng bởi học vấn.