Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, bên cạnh những chiến công vang dội để bảo vệ non sông đất nước thì lịch sử dân tộc Việt Nam còn ghi đậm dấu ấn về bề dày văn hóa, trong đó có giáo dục, khoa cử. Câu lạc bộ Lịch sử - AHC xin được trân trọng giới thiệu với các bạn về các nhà giáo tiêu biểu đã có công kiến tạo nền tri thức Việt Nam!
1. Thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1379)
Nhà giáo Chu Văn An tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ân, tên chữ là Linh Triệt. Ông là một trong những nhà giáo ưu tú nhất trong lịch sử Việt Nam.
Chân dung thầy Chu Văn An.
Thầy Chu Văn An vốn là người chính trực nên không thích việc quan trường luôn ẩn chứa nhiều điều thị phi. Ông mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Sau này, ông được chính vua Trần Minh Tông mời đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này.
Điển tích nổi tiếng nhất của thầy Chu Văn An khi sinh thời thể hiện sự chính trực chính là việc ông dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu bảy tên gian thần song bị vua từ chối. Sau đó, ông cáo lão, về ở ẩn gần núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, làm một thầy giáo truyền thụ kiến thức cho đến khi mất.
2. Thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)
Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc là Trạng Trình. Ông nổi tiếng vì tính tình cương trực, tư cách đạo đức và tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê – Mạc phân tranh. Ngay từ bé, ông đã có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, có trí nhớ hơn người. Giống như rất nhiều vị hiền nhân khác trong lịch sử, thời thế loạn lạc đã khiến ông không hứng thú với chốn quan trường.
Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm (tượn đồng)
Sau này, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, ông đỗ Trạng nguyên và quyết định phò vua giúp nước. Song vì không chịu được những điều thị phi, ông dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần nhưng bị từ chối, ông cũng từ quan về ở ẩn, trở thành một nhà giáo lỗi lạc. Học trò của ông trong thời điểm này có những người rất nổi tiếng như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan…
3. Thầy giáo, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784)
Nhà giáo Lê Quý Đôn tên thật là Lê Danh Phương. Ông là một vị quan, một nhà khoa học trong rất nhiều lĩnh vực ở thời hậu Lê. Với kiến thức uyên thâm, tài trí hơn người, Lê Quý Đôn đã để lại nhiều bộ sách có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, thơ văn, lý số… Ngoài ra, ông còn là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ. Qua bàn tay dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài và giữ chức vụ quan lớn trong triều đình.
Tên thầy Lê Quý Đôn được dùng để đặt tên cho rất nhiều ngôi trường
tại Việt Nam.
4. Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)
Nguyễn Đình Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, hay còn được gọi với cái tên thân mật là cụ đồ Chiểu. Ông là một trong những nhà thơ, nhà văn hóa lớn ở thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông là một trong những con người có cuộc đời khá bất hạnh. Xuất thân trong một gia đình nhà nho, ông cũng có một tương lai tươi sáng khi đang rộng bước trên con đường khoa cử. Bên cạnh đó, ông còn được một gia đình giàu có hứa gả con gái. Tuy nhiên, việc thân mẫu của ông mất chính là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhân vật này. Mẹ mất, vì quá thương mẹ mà khóc đến mù hai mắt, sau đó là bệnh tật, hôn thê bội ước, gia cảnh sa sút. Tuy vậy, chính hoàn cảnh này mới bộc lộ được tính cách của một nhà nho, nhà giáo, nhà yêu nước chân chính.
Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu tài hoa nhưng có số phận bi đát.
Sống vào thời điểm loạn lạc nhất trong lịch sử phong kiến khi nước Pháp bắt đầu mang quân sang xâm lược nước ta, trước những cám dỗ của kẻ thù, ông vẫn giữ khí tiết. Ông đã để lại cho đời rất nhiều áng văn lỗi lạc như Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Sáng tác – Sưu tầm: Nguyễn Tố Linh - lớp 6A6 (CLB Lịch sử - AHC)