“Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thật sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.” Như cái tên của mình, “Chiến binh cầu vồng” là một cuốn sách tràn ngập trong những gam màu của cuộc đời: có niềm vui xen lẫn với nỗi buồn, có nụ cười cùng với những đắng cay.

Cuốn sách Chiến binh cầu vồng của tác giả Andrea Hirata

Là một trong những đại diện xuất sắc của văn học Indonesia hiện đại, “Chiến binh cầu vồng” dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của tác giả Andrea Hirata. Ẩn giấu trong hơn 400 trang sách là câu chuyện kể về nền giáo dục trên đảo Belitong – nơi mà quyền học hành là thứ xa xỉ đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cảnh nghèo khó. Hòn đảo trù phú Belitong, nơi mà khi nhắc tới, người ta sẽ nghĩ nhiều về nguồn tài nguyên thiếc tưởng như là vô hạn, Điền Trang đẹp như mơ được xây dựng theo lối kiến trúc thời Victoria hay những đứa trẻ nhà giàu trường PN được nuôi dạy và cho ăn học tử tế, chính sự hào nhoáng, bóng bẩy ấy đã làm lu mờ đi sự tồn tại của những người dân Mã Lai bản địa, họ thuộc tầng lớp thấp nhất trên đảo, bị rẻ dúng và phân biệt đối xử. Và khi áp lực về cái ăn, cái mặc đè nặng trên đôi vai, họ chẳng còn coi giáo dục là một quyền cơ bản của con người. Vậy mà trên chính hòn đảo này – như trái ngọt mọc lên từ mảnh đất khô cằn, xuất hiện câu chuyện của thầy trò trường Muhammadiyah. Nhưng câu chuyện ấy sẽ đi đâu về đâu khi ngôi trường đã cả trăm năm tuổi luôn phải đấu tranh với những khó khăn từ sự thiếu thốn cơ sở vật chất, từ lời đe dọa đóng cửa của viên thanh tra giáo dục, từ chiếc máy xúc đang chực chờ để khai thác thiếc và cả từ chình sự tự ti của những học sinh nghèo.

“Chiến binh cầu vồng” đã thành công quyến rũ người đọc ngay từ trang giấy đầu tiên khi lấy bối cảnh là ngày khai giảng của ngôi trường Muhammadiyah đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nếu không có đủ lấy 10 học sinh. Chính trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy sự xuất hiện của cậu bé mắc hội chứng Down Harun, vì mẹ không có đủ tiền để cho cậu đi học ở trường dành cho trẻ đặc biệt mà vô tình trở thành vị cứu tinh cho sự tồn tại của ngôi trường. Với cách mở đầu đầy thú vị cộng hưởng với lối viết văn như bóc trần từng lớp vỏ của sự thật, Andrea Hirata đã đem tới cho chúng ta một câu chuyện không thể nào sinh động và thực tế hơn.

“Sau cơn mưa nào chúng tôi cũng leo lên cây xem cầu vồng. Vì thói quen đó, cô Mus đặt cho chúng tôi biệt danh là Laskar pelangi.”       

Chân dung tác giả Andrea Hirata

Mười đứa trẻ trong truyện đều là con cái của những người thuộc cộng đồng nghèo nhất trên hòn đảo Belitong giàu có. Tuy vậy nhưng những đứa trẻ ấy lại là những con người tin vào sức mạnh của tri thức, tin vào con đường mà những bài học lịch sử hay những phép toán kỳ lạ sẽ đưa chúng đi, tin vào giá trị của giáo dục.

Có lẽ với chúng việc học là một đặc ân mang đến cho cuộc đời khô cằn của chúng, bọn trẻ đón nhận việc học với niềm hăng say, sự nhiệt tình và nghiêm túc tuyệt đối. Có lẽ lí do khiến cho những đứa trẻ mà từng không nhận ra giá trị của việc học, từng cảm thấy “Sẽ tốt hơn nếu ngay lúc này tôi đứng lên trở về nhà, quên đi chuyện học hành, nối gót mấy ông anh và cả những người anh em họ của tôi nữa - trở thành một cu li...” trở nên ham thích với sách vở chính là trường Muhammadiyah.

Đúng là ngôi trường ấy có thể vô cùng nghèo nàn với những viên gạch được xây không chắc chắn, chỉ có hai thầy cô dạy tất cả các môn và tủ kính trưng bày thành tích trống trơn, nhưng đó lại là nơi những đứa trẻ được sống với tuổi thơ của chính mình, tặng cho chúng tình bạn đẹp đẽ, tình thầy trò cao đẹp và hơn hết là giúp cho chúng nhận ra giá trị của giáo dục. Giáo dục không phải là công cụ để thăng tiến hay làm giàu mà chính là ca tụng nhân bản, là thanh cao là niềm vui và là ánh sáng văn minh. Tại đây chúng dám ước mơ, dám đấu tranh cho quyền học tập của chính mình, dám sống những phút giây vô tư nhất của cuộc đời.

Che chở cho giấc mơ của mười đứa trẻ là hai thầy cô nhiệt huyết với nghề dạy học - thầy Harfan và cô Mus. Thầy Harfan là vị hiệu trưởng đáng kính của ngôi trường Muhammadiyah. Bên ngoài thầy có thể mang vẻ ngoài dữ sợ như một con gấu xám Nam Mĩ, có thể khoác trên mình những bộ quần áo bằng thứ vải rẻ tiền và đã phai bạc màu, nhưng ẩn sâu trong vẻ ngoài ấy lại là lòng nhiệt huyết và niềm đam mê dạy học căng tràn trong huyết quản của thầy. Chính nhờ vậy mà thầy đã trụ vững với nghề thầy giáo ngay cả khi phải nhìn những người đồng nghiệp của mình bỏ đi, mất niềm tự hào với nghề.  “Thầy là một người thầy đúng nghĩa theo tiếng Hindi: một người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là một người bạn và người dìu dắt tinh thần cho học sinh của mình”.

Trong khi đó, cô Mus lại là một cô gái trẻ mới tốt nghiệp trường trước khi đến với nghề nhà giáo cao quý. Để đến với ước mơ mà cô đã luôn khao khát được thực hiện bấy lâu, cô giáo đã từ chối công việc có mức thu nhập ổn định, từ chối lấy con trai của một ông chủ kinh doanh. Cô Mus coi học sinh như một nửa linh hồn của mình, và cả cô nữa, cũng là một nửa linh hồn của chúng.

Họ đã gắn bó với nghề dạy học cả một đời người, bám trụ với nghề dạy học không lương ở ngôi trường làng xập xệ, tất thảy những sự hi sinh ấy là để cho họ được sống với nghề dạy học cao quý, được đem con chữ tới những đứa trẻ tưởng như đã bị bỏ quên ở một xó xỉnh nào đó của cuộc đời và dạy cho chúng định nghĩa chính xác nhất của giáo dục. Nhờ có vậy mà chúng ta cũng có thể cảm nhận được rằng, qua hình ảnh hai thầy cô giáo của mái trường Muhammadiyah, “Chiến binh cầu vồng” đã thành công viết lên một nền giáo dục văn minh và đầy hi vọng.

Nhưng tất cả người đọc chúng ta đều nhận ra một điều rằng sau tất cả, cầu vồng đã không hề hiện ra sau cơn mưa. Những đứa trẻ năm ấy của trường tiểu học Muhammadiyah không thực hiện được những hoài bão cao đẹp đầu đời và chúng, một lần nữa lại sống tiếp trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Tuy vậy chính cái kết ấy đã biến “Chiến binh cầu vồng” trở thành một tác phẩm trọn vẹn. Trong chính tác phẩm của mình tác giả Andrea Hirata đã để lại cho chúng ta một hiện thực tàn khốc, một hiện thực cay đắng rằng: chính nghèo đói và sự vô tâm đã ngăn cản giáo dục tới với tất cả mọi người. Nhưng dù như vậy đi chăng nữa thì tình yêu với con chữ, khát vọng với tri thức sẽ không bao giờ ngừng thôi thúc những con tim.                                             

Bài viết: Trần Phạm Bảo Thy (10A1) - CLB Yêu thích đọc sách

Ảnh: Sưu tầm