Thực hiện kế hoạch dạy học năm học 2019 - 2020, chiều ngày 02/11/2019 vừa qua, tập thể 3 lớp 12A2 – 12N3 – 12D1 đã đến Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HAUI) để học tập và trải nghiệm liên môn Vật lí – Công nghệ.

Xuất phát vào một giờ chiều, 3 tập thể lớp 12A2 – 12N3 – 12D1 đã đến Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sau 15 phút trên xe trong niềm háo hức, mong chờ. Ai cũng mong muốn mình sớm được học tập trải nghiệm những hoạt động mới mẻ tại ngôi trường Đại học này.

Hoạt động đầu tiên tại hội trường Khoa Công nghệ kỹ thuật điện, dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Quang Thuấn – Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Các học sinh đã cùng nhau tìm hiểu tổng quan về ngành điện, hệ thống truyền tải và phân phối điện ở Việt Nam. Bên cạnh đó các học sinh lớp 12 cũng được hướng dẫn các biện pháp an toàn về điện.


Thay vì học lí thuyết trên lớp với thầy cô, ở đây học sinh được học lí thuyết kết hợp với thực hành tại chỗ giúp cho những lí thuyết tưởng chừng rất khô khan kia trở nên đơn giản và được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Sự mở rộng không gian lớp học tại giảng đường Đại học Công nghiệp Hà nội cũng mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ: Những câu hỏi: Điện được sản xuất từ đâu và truyền tải như thế nào được giải thích trực quan tại phòng thực hành truyền tải điện. Các máy biến áp 1 pha, 3 pha, hệ thống truyền tải điện, máy phát điện xoay chiều 1 pha, 3 ba pha, động cơ không đồng bộ ba pha được các học sinh thích thú tìm hiểu. Các mạch điện mắc hình sao, mắc hình tam giác được các học sinh thực hành rất thành thạo. Những chủ đề thú vị nối tiếp nhau cùng với sự hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết đến từ các Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã cuốn hút các học sinh khối 12.


Chú ý quan sát và lắng nghe hướng dẫn của thầy giáo

Bên cạnh việc học lí thuyết môn Vật lí và Công nghệ, các học sinh khối 12 được chia thành các nhóm nhỏ, cùng nhau thực hành các chủ đề vừa được học. Dưới sự hướng dẫn kĩ càng của các Giảng viên cùng sự nhiệt tình của các học sinh khối 12, bầu không khí tại khoa Điện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chẳng mấy chốc đã trở nên sôi nổi.


Các học sinh thích thú tìm hiểu nguyên lí hoạt động của hệ thống máy móc



Ai cũng hăng hái tìm hiểu và thực hành những nội vừa được hướng dẫn

Nằm trong chuyên đề 2 của buổi học tập trải nghiệm, bên cạnh những giờ học thực hành đầy lôi cuốn, các khái niệm về “điện trở”, “điện giật”,... đều được các Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phổ biến đến các bạn học sinh. Những biện pháp an toàn khi sử dụng điện và những cách xử lí khi bị điện giật cũng được các thầy, cô hướng dẫn và giúp học sinh tìm hiểu một cách kĩ lưỡng.


Thầy giáo trao đổi với học sinh ch đề về “An toàn điện”

Ngoài ra, các học sinh khối 12 cũng thể hiện sự hiểu biết của mình trong việc tự bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với điện qua việc trả lời lưu loát những câu hỏi được đặt ra.


Học sinh tự tin trả lời câu hỏi về “An toàn điện”

Bạn Trịnh Gia Linh (12D1) chia sẻ cảm nhận về buổi học trải nghiệm: Mình cảm thấy rất thích thú với buổi học trải nghiệm ngày hôm nay, mình thu về được rất nhiều kiến thức mới mẻ và bổ ích. Mình thích nhất lúc học về mạch điện ba pha, cảm giác vừa học lí thuyết vừa được thực hành khiến mình thấy Vật lý không hề khô khan! Ngoài ra, mình cảm thấy hình thức học liên môn như thế này nên được phổ biến rộng rãi, vừa hấp dẫn, vừa lôi cuốn lại vừa tiết kiệm thời gian nữa”.

Không chỉ vậy, tại đây, các học sinh khối 12 còn được xem video giới thiệu về khoa công nghệ kĩ thuật Điện và ngành điện của Việt Nam với nhiều hoạt động hấp dẫn và lôi cuốn, thể hiện sự năng động, trẻ trung của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Qua đây cũng giúp các học sinh lớp 12 tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo ở Đại học, từ đó có thêm những định hướng nghề nghiệp cho tương lai.


Hội trường chăm chú xem video giới thiệu khoa Điện – Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội

Kết thúc buổi trải nghiệm liên môn tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, các học sinh khối 12 thu về được rất nhiều kiến thức thực hành mới mẻ cùng những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn. Hi vọng rằng các hoạt động ngoại khóa bổ ích như thế này sẽ được áp dụng nhiều hơn để học sinh có thêm những giờ học thú vị và hiệu quả.

Bài viết: Đinh Quỳnh Phương (11D3)

Ảnh: Vũ Đinh Ngọc Khuê (10D2)