Từ thời xa xưa đến nay, khi nhắc đến tà áo dài Việt Nam, người ta chỉ thường nghĩ đến hình ảnh thướt tha, mềm mại của người phụ nữ mà lại quên rằng “áo dài, khăn đóng” cũng là một phần trang phục truyền thống của những người đàn ông đất Việt. Trải qua những năm tháng lịch sử, áo dài nam giới dường như đã dần mất đi vị thế của mình trong lòng người dân.
Hình ảnh của tà áo dài nam bên cạnh áo dài nữ
Lịch sử của tà áo dài nói chung và áo dài nam nói riêng được bắt đầu từ thời nhà Nguyễn. Vua Nguyễn Phúc Khoát là người đầu tiên định hình chiếc áo dài ở Đàng Trong, khi ông yêu cầu tất cả những người phụ tá của mình vận quần dài bên trong một chiếc áo lụa nhằm phân biệt trang phục của hai Đàng. Chiếc áo dài đầu tiên được coi là sự kết hợp giữa trang phục của người Hán và Chămpa. Sau này, kể từ năm 1802, từ thời vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn chỉnh được bộ áo dài nam, hay còn được gọi là áo ngũ thân.
Không may mắn như áo dài nữ, áo dài của nam giới đã bị quên lãng trong một khoảng thời gian dài. Lí giải cho việc đó chính là từ sau năm 1945, đất nước ta rất nghèo, may áo ngũ thân như thế tốn rất nhiều vải vóc. Đồng thời, chúng ta cũng phải trải qua cuộc chiến trường kì, khiến cho văn hóa áo dài càng mai một. Phong trào Tây hóa cũng nối tiếp, thay đổi cái nhìn về phục trang của con người. Thời gian trôi qua không ngừng, cộng thêm với những biến động trong xã hội, khiến cho tà áo dài nam không có cơ hội phát triển.
Áo dài nam trong thời kì hiện đại
Áo dài nam truyền thống ban đầu có 5 thân và 5 nút nên được gọi là áo ngũ thân. Áo ngũ thân tay chẽn có cổ áo ôm sát, hai tay áo liền với vai, hẹp dần đi và vừa khít vào cổ tay. Áo có form hình chữ “A”, tức là càng đi xuống càng xòe ra, với tà áo cong cong. Đặc biệt hơn cả, áo có ba tà, gồm hai tà trước - sau và một tà “con” bị tà trước đè lên. Tà áo bên trong vừa xòe vừa cong, nên khi mặc lên thì sẽ có xu hướng rũ xuống, lượn sóng nhẹ ôm quanh người mặc. Không như áo dài nữ dài đến mắt cá chân, tà áo dài nam dài quá đầu gối tối đa 5cm. Tùy theo độ tuổi và tầng lớp, áo dài sẽ được may bằng các loại vải khác nhau.
Dù đến sau này, chiếc áo dài của nam giới đã được cách tân, song cấu tạo ban đầu của nó cũng phần nào được giữ nguyên. Tuy nhiên, phần thân thứ năm, phần thân quan trọng nhất của nó đôi khi bị các nhà thiết kế bỏ lại. Thân thứ năm giúp cho bộ trang phục được kín đáo hơn, cài cúc kín hơn. Điều đó khiến cho khi ngồi, đối với người đàn ông Việt khi xưa thể hiện được sự nho nhã, lịch sự.
Ngoại trừ phần phục trang quan trọng, áo dài nam truyền thống còn đi kèm một chiếc khăn quấn đầu. Chiếc khăn đó phải được tự quấn, chứ không đóng sẵn, thể hiện được phong thái của một người đàn ông nhã nhặn. Dẫu cho có thêm phụ kiện, nhưng trang phục đó đã vô cùng tối giản, không quá cầu kì như bộ áo dài của nữ. Bộ áo dài của nam mang tính giáo dục cao, yêu cầu những người đàn ông phải nghiêm trang khi sử dụng.
Tà áo dài truyền thống khi xưa
Áo dài nam có thể được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Những người nông dân khi xưa có thể mặc áo dài ra làm đồng, khi tà áo dài nam không quá dài, phù hợp với công việc. Hoặc trong những lễ hội hay sự kiện lớn như đám cưới hay ngày lễ tết, áo dài sẽ trở thành một điểm nhấn mới lạ. Không chỉ thể hiện nét đẹp truyền thống con người đất Việt, việc mặc áo dài có thể bảo tồn một di sản của dân tộc. Đã có những đề xuất mặc áo dài ở nơi công sở như việc cán bộ của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế được khuyến khích mặc áo dài truyền thống khi đi làm, hay đề xuất nam sinh trung học có thể mặc áo dài vào những ngày hội lớn của nhà trường hoặc chỉ đơn giản là vào giờ chào cờ như nữ sinh thường làm. Đề nghị này nhận được phản hồi từ cả hai phía, một nửa là đồng ý và nửa còn lại là phản đối. Tuy đây chỉ là đề xuất, nhưng có lẽ trong tương lai không xa, những mong ước này sẽ phần nào trở thành sự thật.
Áo dài nam là một phần của lịch sử nước nhà, được ra đời cùng lúc với áo dài nữ. Tuy rằng bị lãng quên trong thời gian dài và chỉ được một số tổ chức và cá nhân sử dụng trong những dịp đặc biệt, nhưng đây cũng là một phần truyền thống của dân tộc. Áo dài nam nên được bảo tồn và phát huy, để không chỉ nữ giới mà nam giới cũng có thể thể hiện được phong thái của bộ trang phục truyền thống này. Đó có thể là một quá trình gian nan, nhưng để bảo tồn và phát huy được di sản này, mỗi người Việt Nam nên phải hành động ngay bây giờ.
Bài viết: Nguyễn Minh Ngọc (10D2)
Ảnh: Sưu tầm