CUỘC THI "SÁCH VÀ TÔI"
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc “tàu không số” đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, những câu chuyện về lòng dũng cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên những con tàu huyền thoại ấy vẫn có sức hút mãnh liệt.
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã ghi nhận, đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng, tàu vượt biển, đến bến bãi đổ hàng, người bốc hàng… đều được giữ bí mật tuyệt đối. Mỗi con tàu đều mang một số hiệu đăng ký khác nhau nhưng để đảm bảo công tác tuyệt mật, tất cả đều không sơn số hiệu ở thân tàu. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi lần bắt đầu một cuộc hải trình là một lần các chiến sĩ của chúng ta đối diện với cái chết chực chờ.
Viết về con đường huyền thoại và những con người huyền thoại gắn liền với những chuyến tàu không số ấy, Mã Thiện Đồng đã giúp người đọc sống lại với những kí ước tràn đầy cảm xúc, với sự đau đớn, xót xa xen lẫn niềm cảm phục, tự hào. Vẫn biết chiến tranh là khốc liệt, nhưng không ai có thể hình dung được những gian khổ, hi sinh mà những người lính ấy đã trải qua. Vượt qua hết thảy, bằng những con tàu đơn sơ, máy móc cũ kĩ, các chiến sĩ quả cảm ấy đã làm nên biết bao điều kì diệu. Từng chuyến tàu không số đã đều đặn chi viện cho chiến trường Miền Nam. Hạnh phúc lớn lao nhất của những người lính bình thường mà vô cùng vĩ đại ấy chính là lúc chứng kiến những chuyến tàu cập bến an toàn.
Một trong những con tàu
không số
(Nguồn http://savina.com.vn/NewsDetails.aspx?NewsID=377&TypeID=18)
Khó có thể kể hết những chiến công oanh liệt và những hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ trên mỗi thước đất, thước biển quê hương. “… để giữ con đường, giữ bến, không hiểm nguy nào mà người chiến sĩ không trải qua, mỗi chuyến tàu đi là chấp nhận thử thách: sóng gió, đá ngầm, cồn cát, sự săn lùng của hạm đội Mỹ ở vòng ngoài, của hải quan ngụy vòng trong, các trạm gác rađa của địch trên đảo, trinh sát điện tử trên không, máy bay quần đảo trên đầu... Tất cả những chướng ngại ấy các anh đều phải vượt qua, con tàu đi, sự tồn tại được tính từng phút, từng giờ, ấy vậy mà lòng tin của các anh thuyền sẽ đến bến thì như mặt nước biển Đông không bao giờ cạn...” (35 năm Đoàn 962 anh hùng - Hồi ức và ghi chép). Đã biết bao năm tháng đã trôi qua, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu nước, hình bóng của những con người vĩ đại ấy sẽ mãi mãi bất tử.
Bác Mai và bác Phong, hai trong số năm chiến sĩ còn lại của tàu 235 - con tàu của thuyền trưởng anh hùng Phan Vinh đã bị nổ tung ở Hòn Hèo năm 1968, nay về thăm lại chiến trường xưa (nguồn: http://www.baomoi.com/Huyen-thoai-tau-khong-so/132/7089958.epi)
Tập hồi kí “Kí ức tàu không số” của nhà văn Mã Thiện Đồng là một trong những tư liệu quý báu đối với người đọc trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu và cả những người yêu mến lịch sử nước nhà, giúp họ thêm hiểu và tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây thực sự là một cuốn tư liệu quý, cho hôm nay và cho cả mai sau.
Bài dự thi của Nguyễn Hùng Cường - Lớp 6A4 (năm học 2013 - 2014)