(Giải Nhất cuộc thi “Sách và tôi” - năm học 2022-2023)

“Cây cam ngọt của tôi” tình cờ đến với em khi dòng chữ “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này!” xuất hiện trên facebook của NXB Nhã Nam. Dòng chữ ngắn ngủi vậy thôi nhưng thực sự, vào giây phút ấy, đã khiến trái tim em thổn thức. Những câu hỏi liên tiếp, dồn dập cứ ngân lên trong em, và rồi bao nỗi băn khoăn dần dần được gỡ bỏ khi em lật từng trang sách giữa niềm xúc động vô ngần.

Cây cam ngọt của tôi đã truyền tải được một phần nội dung và ý nghĩa của nó qua trang bìa của cuốn sách. Hình ảnh trung tâm chính giữa của bìa là cây cam, trong khi đó, nhân vật chính lại được khắc họa khá nhỏ bé bằng những tông màu trầm ấm và có phần tối. Trên nền đất trống của khu vườn sau nhà, hình ảnh Zezé bé nhỏ ngồi một mình gợi cảm giác cô đơn, trống trải và lạc lõng vô cùng. Tuy vậy, cậu không cô đơn, vì bên cạnh cậu có cây cam ngọt, với sự hiện diện lặng lẽ và dịu êm, đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, cùng cậu bé bước qua những ngày tháng của tuổi thơ ảm đạm và buồn chán. Những hình ảnh đơn giản mà ý nghĩa đó đã đưa ta đến gần hơn với những câu chuyện, những thông điệp được truyền tải ở những trang sách tiếp theo.

Cây cam ngọt của tôi là câu chuyện về một cậu bé trên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương. Cậu bé ấy là Zezé, đứa con thứ 6 trong một gia đình nghèo khó có 7 anh chị em. Vì nhà nghèo, vì sự tất tả của người lớn trong cuộc mưu sinh, Zezé đã bị bỏ quên trong thế giới ảm đạm, buồn chán khiến cậu phải bày đủ trò quậy phá đến mức bị đòn roi. Với sự thông minh, cậu đã dùng trí tưởng tượng làm vũ khí, chống lại thế giới người lớn quay cuồng trong tiền bạc nhưng thiếu vắng hạnh phúc và ước mơ. Zezé kết bạn với một cây cam ngọt ở sau vườn, trò chuyện và cùng cam nhỏ dần bước qua tuổi thơ khốn khó nhưng không tuyệt vọng. Tình bạn giản dị ấy đã làm nên hương vị ngọt ngào cho cuốn sách nhỏ bé này.

Ấy vậy mà, ẩn dưới hương vị ngọt ngào là vị chua chát của cuộc sống nghèo khổ, đầy rẫy những điều nhẫn tâm. Tất cả mọi nhân vật trong truyện đều khốn khổ theo một cách riêng. Chung quy, họ đều bị cuộc sống mưu sinh vò nát cả dáng vẻ và tâm hồn. Những người cha, người mẹ, những người anh, người chị vốn dĩ rất yêu thương Zezé cũng dần trở thành những người cay nghiệt, xem cậu như một nơi trút hết nỗi khổ đau của cuộc đời mà không bao giờ tìm cách hiểu cậu.

Và sau mỗi lần Zezé nghịch phá hay trót nói tục; thay vì nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ dạy; thay vì lắng nghe để thấu hiểu, người lớn trong nhà chỉ biết chửi mắng, đánh đập cậu một cách tàn nhẫn. Cứ thế, những trận đòn roi liên tiếp giáng xuống đầu cậu, trận sau lại càng dữ dội hơn trận trước mà cậu không hiểu nổi lí do vì sao. Như cái lần Zezé thấy cha ngồi thất thần bên cửa, vì muốn làm cha vui, cậu đã hát một bài hát học lỏm ở hè phố mà theo cậu là bài hát hay nhất thế gian dù không hiểu chút nào ý nghĩa của nó. Chẳng ngờ, đó lại là một bài hát tục tĩu, và thế là không cần nghe giải thích, người cha ấy đã xuống tay. Hẳn rằng khi đọc đến những dòng này, bất kể ai cũng sẽ lặng đi vì bàng hoàng: “Một cái tát cực mạnh giáng xuống mặt tôi … Tôi hầu như không thể cử động mặt, mặt tôi bị đánh lệch từ bên này sang bên kia. Tôi mở mắt ra nhưng rồi phải nhắm lại vì ảnh hưởng của những cú đánh … Cha lấy thắt lưng làm roi quất đen đét lên người tôi. Tôi có cảm giác có cả ngàn ngón tay đang đánh khắp người. Tôi ngã xuống sàn và co mình lại trong một góc sát tường”. Trận đòn khủng khiếp ấy đã khiến Zezé hôn mê gần một tuần trời, tưởng như không thể qua khỏi. Và câu nói: “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này” đã thốt lên trong tiếng nức nở khi cậu tỉnh dậy từ trận đòn cuối cùng của cha. Suy nghĩ ấy của Zezé có lẽ là tất yếu khi tuổi thơ của cậu chìm ngập trong những trận đòn roi vô cớ, trong sự cô đơn đến cùng cực. Nhưng, ngẫm thật lâu, em nhận ra rằng: hẳn cha Zezé có lí do riêng khi ông cũng muốn dạy dỗ con mình trở thành người tốt. Chỉ có điều, ông lại không nhận ra bản thân mình chính là tấm gương xấu và chỉ duy nhất dạy dỗ con bằng đòn roi và sự nóng nảy.

Thế nhưng, sau tất cả, Cây cam ngọt của tôi vẫn là một câu chuyện về những điều nhân văn, những điều đẹp đẽ, diệu kì nảy nở từ những gì khô cằn, gai góc nhất. Như chi tiết bông hoa cam trắng muốt, nhỏ xinh nở trên cây cam héo úa ở cuối truyện. Mặc cho gia đình có đối xử tàn tệ, Zezé vẫn là một đứa trẻ hiểu chuyện. Cậu vẫn đối xử với mọi người một cách thánh thiện nhất có thể: dành cả ngày Giáng sinh đi đánh giày, kiếm vài đồng xu mua cho cha bao thuốc mà cha yêu thích. Hay khi Zezé tinh tế nhận ra trên bàn làm việc của cô giáo chỉ có một lọ hoa trống không, vì cô có vết bớt ở mặt nên chưa bao giờ được tặng hoa, cậu đã đánh liều trèo vào vườn nhà người khác, hái một bông tặng cho cô giáo. Sở dĩ, Zezé có những hành xử đẹp ấy là bởi xung quanh cậu vẫn còn những người sẵn sàng trao cho cậu tình yêu thương mà một trong số đó là ông già người Bồ Đào Nha, một người xa lạ đã dạy đứa trẻ luôn hằn học với cuộc đời biết thế nào là tình yêu thương trìu mến của “người cha”, đã trao thương yêu và dạy cậu cách nâng niu cuộc sống khắc khổ này. Ông đã cho người đọc hiểu cách dạy bảo một đứa trẻ, không phải bằng bạo lực mà bởi lòng bao dung. Sự ra đi đột ngột của ông đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời Zezé, khiến cậu trưởng thành và hiểu thế nào là đớn đau thực sự. Đó không phải là nỗi đau khi chịu những trận đòn roi vô cớ đến không thở được mà là cảm giác khi ta vĩnh viễn mất đi người thân yêu; không phải là cái đau về thể xác mà là nỗi đau vô hạn khi mất đi điểm tựa tinh thần. Để rồi kết truyện, khi Zezé đã 48 tuổi, cậu đã trở thành một người tốt, một người muốn đem tất cả niềm yêu thương, tình độ lượng và sự hào phóng đem tặng những đứa trẻ khốn khổ xa lạ trên khắp nẻo đường Brazil. Những điều tử tế như thế, cứ đan xen vào những cái bần cùng, đó chính là hương vị của cuộc sống, là hương vị của những trái cam đắng chát ở vỏ ngoài nhưng lại ngọt ngào êm dịu ở bên trong.

Bắt đầu bằng những thanh âm trong sáng và lắng lại với những nốt trầm hoài niệm, Cây cam ngọt của tôi đã nhắc nhở ta về những điều đẹp đẽ đôi khi thật bình dị, như bông hoa của cái cây trồng sau nhà, nhắc chúng ta rằng trẻ em luôn trong sáng dẫu cuộc đời còn lắm điều bất nhân, và rằng: cuộc đời sẽ khốn khổ biết bao nếu thiếu đi tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Truyện cũng gửi thông điệp tới những người làm cha làm mẹ về nguy cơ mà những đứa trẻ phải đối mặt khi chúng bị bỏ rơi.

Thế nên, xin cha mẹ hãy luôn quan tâm, thương yêu những đứa con; phút giây thôi, hãy lắng nghe tiếng con mình; đừng bao giờ dập tắt niềm hy vọng, háo hức của đứa trẻ trước những điều mới mẻ và tươi đẹp của cuộc đời; đừng để những đứa trẻ phải tìm đến cái chết như một cách để tự giải thoát. Nếu được như vậy, hẳn rằng, thế gian sẽ ngập tràn niềm hạnh phúc và trẻ em trên toàn thế giới sẽ trọn vẹn niềm vui.

Với em, đây có lẽ không phải là bài giới thiệu về một cuốn sách em yêu thích. Hơn tất cả, đó chính là những rung cảm thẩm mĩ và nhân văn em nhận được khi đến với Cây cam ngọt của tôi. Cuốn sách không phải chỉ là hành trình hướng thiện của một đứa trẻ mà còn là cuộc chiến thu nhỏ diễn ra ở chốn tận cùng, nơi con người chống lại sự tàn nhẫn của cuộc đời để bảo vệ sự ngây thơ của thế giới. Dường như cuốn sách đã chạm tới trái tim người đọc bằng sự sẻ chia, đồng cảm với cuộc đời của cậu bé 5 tuổi Zézé; là sự thấu cảm cho mong muốn, tâm tư, tình cảm của những người làm cha, làm mẹ. Vì vậy, khép lại những trang sách, vẻ đẹp của tình yêu thương, lòng nhân ái cao cả mà bình dị vẫn còn mãi trong em như dư vị ngọt ngào của những trái cam.

Bài viết: Ngô Bảo Nguyên (12D1) - Nguyễn Hoàng Thụ Anh (12D1) - Mai Linh (12D1)

Ảnh: Sưu tầm