Vào sáng ngày 3/8/2019, đoàn trao đổi học sinh Trường Trung học Miyazaki (Nhật Bản) đã có một chuyến tham quan vô cùng thú vị tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Chuyến đi khởi đầu không mấy suôn sẻ khi đoàn tham quan gặp phải cơn mưa to do ảnh hưởng của cơn bão đổ bộ tới Việt Nam. Tuy nhiên, chuyến xe chở đoàn trao đổi học sinh Trường Miyazaki và học sinh trường Trường Nguyễn Tất Thành vẫn đến nơi đúng giờ như đã định.
Hoàn thành xong thủ tục soát vé, cả đoàn bắt đầu chuyến tham quan từ toà nhà Trống Đồng của bảo tàng. Ngay từ khi bước vào, tất cả học sinh trong đoàn đều tỏ ra thích thú với cây nêu của người Co (Quảng Nam) cao từ 13-15m – vật dụng giúp con người kết nối với thần linh. Bước vào bên trong, học sinh Trường Miyazaki được giới thiệu một cách khái quát về 54 dân tộc anh em của Việt Nam qua bức tranh ngôn ngữ tộc người phong phú. Những lời giới thiệu tâm huyết của chú hướng dẫn viên khơi gợi lên hứng thú trong lòng những người bạn ngoại quốc về 54 dân tộc – 54 nền văn hoá với màu sắc khác nhau trên “dải đất hình chữ S”. Trong toà nhà này, các sản phẩm trưng bày về 54 dân tộc được giới thiệu theo từng nhóm.
Ở tầng 1, đoàn đi qua gian trưng bày và giới thiệu của 4 dân tộc: dân tộc Việt (hay dân tộc Kinh) phổ biến nhất trên đất nước Việt Nam, và 3 dân tộc Mường, Thái, Chứt. Ngoài ra, các học sinh và giáo viên trong đoàn cũng được chiêm ngưỡng mô hình của một số vật dụng được người nông dân Việt Nam thường xuyên sử dụng và mang dáng hình mộc mạc của con người, đất nước Việt Nam đến gần với bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, tại đây cũng có những bức ảnh, những mảnh thông tin được sưu tầm về 5 nghề thủ công nổi tiếng nhất của Việt Nam. Đoàn học sinh Trường Miyazaki và Trường Nguyễn Tất Thành không khỏi ngạc nhiên và thích thú với những bức ảnh, không gian tái hiện phong tục, lễ hội, nghệ thuật “độc” và “lạ” chỉ có tại một số dân tộc, một số trong đó đã trở thành bản sắc văn hoá lâu đời của Việt Nam: nghệ thuật rối nước, Lễ lên đồng, tục ăn trầu của người Kinh, đám ma của người Mường,… Đoàn học sinh Việt Nam và Nhật Bản lần lượt được tìm hiểu về văn hoá, con người, bản sắc của những nhóm dân tộc còn lại: nhóm Tày, Thái; nhóm Kadai; Hmong – Dao; Tạng – Miến; Môn – Khmer… qua những bộ trang phục, những vật dụng, kiến trúc nhà ở và các lễ hội đặc trưng từng vùng, từng dân tộc.
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang (Tổ Tiếng Anh) giới thiệu cho các bạn học sinh Trường Trung học Miyazaki về 5 làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam
Đoàn học sinh Trường Miyazaki chăm chú quan sát những vật dụng của người Khmer cổ
Tham quan ngôi nhà trưng bày vật dụng của người Tày, Thái
Học sinh Trường Miyazaki tại khu trưng bày các hiện vật của dân tộc Hmong trên vùng núi Tây Nguyên
Kết thúc hành trình tìm hiểu về 54 dân tộc anh em của Việt Nam, đoàn tham quan đến với toà nhà Cánh Diều – nơi trưng bày, giới thiệu về văn hoá của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philipines, Malaysia, Myanmar,... Tại đây, những bộ quần áo truyền thống của từng quốc gia với đường kim mũi chỉ tinh tế, hoạ tiết được thêu dệt cẩn thận đã thể hiện những hình ảnh đặc trưng của mỗi khu vực. Không chỉ trang phục, không gian trưng bày cũng bao gồm những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống của nhân dân các nước thời xưa và một số tôn giáo, tín ngưỡng nổi bật.
Một số học sinh dừng lại tìm hiểu tấm bản đồ của các Quốc gia Đông Nam Á ở khu trưng bày của toà nhà Cánh Diều
Học sinh 2 trường thích thú trước Trống lễ dabu – dabu được dùng trong một thánh đường Hồi giáo ở đảo Mindanao, Philipines
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn thu hút du khách tới thăm bởi khu vườn kiến trúc ấn tượng. Khu vực trưng bày ngoài trời này bao gồm 10 công trình nhà ở của các dân tộc. Vì điều kiện thời tiết không ủng hộ nên đoàn giáo viên và học sinh 2 trường chỉ có thể đến thăm 3 trong số 10 công trình tại đây: ngôi nhà dài của người Ede, nhà Rông của người Bana và nhà trình tường của người Hà Nhì. Bước vào những ngôi nhà với những đặc trưng riêng biệt, người tham quan mới hiểu rõ được đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc trên mảnh đất hình chữ S.
Ngôi nhà của người Hà Nhì là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn trong cuộc hành trình tìm hiểu về 54 dân tộc Việt Nam
Chuyến tham quan và tìm hiểu về con người và văn hoá Việt Nam tại Bảo tàng Dân tộc học đã đem đến cho học sinh Trường Miyazaki và học sinh Trường Nguyễn Tất Thành những kiến thức bổ ích, những trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa. Chia sẻ về chuyến đi, bạn Bùi Hùng Nguyên (11D2) – một trong những bạn host (chủ nhà) chia sẻ: “Tuy chuyến đi nửa ngày gặp nhiều trở ngại nhưng tớ đã có thêm được nhiều kiến thức bổ ích về văn hoá, dân tộc Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Quan trọng hơn nữa, người đồng hành cùng tớ suốt cả chuyến đi không ai khác chính là các thầy cô phụ trách, các bạn host trong đoàn và những người bạn đáng yêu đến từ xứ sở mặt trời mọc nên tớ thấy rât vui!”.
Hi vọng rằng chuyến tham quan đã lưu lại trong kí ức của từng thành viên trong đoàn trao đổi học sinh Trường Miyazaki những kỉ niệm đáng nhớ cùng giáo viên và học sinh trường Nguyễn Tất Thành. Mong rằng hai ngôi trường sẽ có thêm nhiều hoạt động hợp tác và giao lưu văn hoá bổ ích và ý nghĩa trong tương lai!
Thực hiện: Hoàng Phương Thảo (11D1)