GIAO LƯU VỚI NHÀ THƠ BẰNG VIỆT
Thật may mắn cho hơn 300 học sinh khối 9 trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành khi vinh dự có cơ hội được gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với nhà thơ Bằng Việt – tác giả của bài thơ “Bếp lửa”.
Để các bạn học sinh, nhất là học sinh khối 9 đến gần hơn với các tác phẩm văn chương, Ban giám hiệu nhà trường cùng các cô giáo tổ Ngữ Văn THCS đã mời nhà thơ Bằng Việt đến cùng trò chuyện, giao lưu với chúng tôi ngay trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.
Xuất hiện trong một buổi sáng chớm lạnh đầu đông, bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay reo hò của nhiều học sinh nhưng nhà thơ Bằng Việt lại ăn vận giản dị hơn chúng tôi tưởng rất nhiều. Khoác lên mình một bộ vest màu đen tuy đơn giản nhưng vẫn rất đỗi lịch sự và trang trọng, vóc người cao, gầy cùng đôi mắt qua nhiều năm tháng như vẫn lấp loáng vô vàn cảm xúc.
Nhà thơ Bằng Việt cùng cô giáo Hải Liên
Không khí buổi giao lưu diễn ra hết sức thân mật và tự nhiên. Ông khiêm tốn nhưng vẫn vô cùng tự hào khi tác phẩm của mình sau hơn 40 năm vẫn còn sống mãi với nhiều thế hệ học sinh, được lưu giữ trong sách giáo khoa, được nhiều người tìm đọc và nghiên cứu…
Ông nhớ lại và tâm sự với chúng tôi về khung cảnh ba bà cháu đã từng cùng nhau sống, về những ấn tượng đẹp đẽ của tuổi thơ nhưng cũng là sự khốc liệt, khó khăn, gian khổ chiến tranh mang đến cho gia đình ông. Để rồi chính những ngày tháng khó khăn được ở bên bà ấy đã trở thành kỉ niệm hằn sâu, là nhát cắt cảm xúc khiến ông luôn phải nhớ về, thôi thúc ông viết nên bài thơ “Bếp lửa” khi đi du học xa nhà. Chúng tôi đã được cùng nhà thơ sống lại cả một quá khứ xưa cũ nhưng đầy cảm xúc và kỉ niệm. Đọc tác phẩm nhưng rồi lại được lắng nghe những lời chia sẻ từ chính người viết nên nó, chúng tôi thực sự rung động trước những tình cảm rất đẹp đẽ của bà. Niềm tin mãnh liệt, dai dẳng người bà truyền sang, thắp lên trong lòng những đứa cháu nhỏ thật đáng quý, đáng trân trọng. Những hình tượng trong thơ được ông tô đậm đều là những gì gắn liền nhất với tuổi thơ ông, không chỉ đem đến vẻ đẹp, sự thăng hoa trong nghệ thuật mà còn mang âm giai những tiếng lòng da diết.
Không chỉ được lắng nghe những lời chia sẻ chân thật nhất, chúng tôi còn được thoải mái đưa ra những thắc mắc, câu hỏi để nhà thơ Bằng Việt trực tiếp giải đáp. Dù là bất kì câu hỏi nào, ông cũng rất vui vẻ, cởi mở, thẳng thắn với luôn nở nụ cười ấm áp luôn nở trên môi.
Thay mặt khối 9, bạn Phan Nguyễn Hiền Trinh chia sẻ: “Ngày hôm nay, mình cũng như tất cả các học sinh khối 9 đã có một buổi giao lưu đầy thú vị với bác Bằng Việt. Qua những lời chia sẻ của bác, chúng mình có thể hiểu được để viết nên những dòng thơ ấy, nhà thơ đã trải qua những gì, mang cảm xúc ra sao. Thay mặt khối 9, con muốn cảm ơn các thầy cô và nhà thơ Bằng Việt đã tạo cơ hội cho chúng con có được sự may mắn này”.
Thay mặt Nhà trường, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh
trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt
Nhà thơ Bằng Việt chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô giáo và các em học sinh
Qua buổi trò chuyện, nhà thơ Bằng Việt không giấu nổi sự tự hào về những ngày tháng gian khổ nhưng vô cùng hào hùng mà dân tộc mình đã đi qua. Ông cũng mong muốn, hi vọng và tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngày nay nói chung và những học sinh Nguyễn Tất Thành nói riêng sẽ sống sao cho thật có ích để làm được những gì thế hệ đi trước như ông còn chưa kịp thực hiện, để thật xứng đáng với quá khứ đẹp đẽ của đất nước!
Nhà thơ Bằng Việt, tên thật là Nguyễn Việt Bằng, ông sinh năm 1941 tại huyện Thạch Thất, nay thuộc Hà Nội. Trước đây ông đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trong nhiều nhiệm kì. Ông đã cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên, là sự kết hợp của hai ngòi bút điêu luyện Bằng Việt – Lưu Quang Vũ, tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”. Với những đóng góp quý báu cho nền văn học nước nhà, ông được nhà nước trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá về lĩnh vực văn học.