Học Văn khó hay dễ? Văn học tẻ nhạt hay lôi cuốn? Điều đó phụ thuộc vào cách học của chính chúng ta. Với tập thể 10D4 trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, những giờ học Ngữ văn luôn sôi nổi, lôi cuốn.
Chúng tôi được chủ động làm việc, được hoàn thiện các kĩ năng giao tiếp, được thỏa sức thể hiện niềm say mê với những tác phẩm văn học thông qua những hoạt động sáng tạo, những bài tập thú vị. Dưới sự hướng dẫn tận tình, chuyên nghiệp của người nhạc trưởng - cô giáo Trịnh Thị Lan, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện Dự án Văn học đầu tiên từ những ngày cuối tháng 8. Với dự án này, chúng tôi đóng vai là thành viên của một ban vận động chuẩn bị hồ sơ trình Unesco công nhận văn học dân gian là di sản phi vật thể. Mỗi “Ban vận động” gồm 7 – 8 thành viên. “Hồ sơ trình lên” bao gồm:
1. Bài thuyết trình về vẻ đẹp của Văn học dân gian.
2. Một tập san tổng hợp gồm: Tác phẩm văn học dân gian; Cảm nhận, phân tích, đánh giá về tác phẩm văn học dân gian; Các sáng tác cá nhân sử dụng chất liệu văn học dân gian.
3. Một tiết mục diễn xướng văn học dân gian.
4. Nhật kí dự án.
5. Bảng chấm công.
Sau hơn một tháng nghiên cứu, hợp tác, chung tay làm việc, những sản phẩm dự án Văn học dân gian của tập thể 10D4 được hoàn thiện. Chúng tôi đã tổ chức một buổi báo cáo sản phẩm thật độc đáo và ấn tượng.
Tới dự với buổi báo cáo dự án của 10D4 có sự góp mặt của thầy giáo Đỗ Danh Bích, Phó Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành; cô giáo Nguyễn Lâm Quỳnh – Giáo viên Chủ nhiệm tuyệt vời của 10D4; cô giáo Trịnh Thị Lan – giáo viên môn Ngữ văn; các thầy cô giáo trong tổ Ngữ văn THPT và các giáo viên kiến tập.
Chúng tôi say sưa và tự tin báo cáo sản phẩm của nhóm mình
Chúng tôi còn được chấm điểm, đánh giá các sản phẩm của nhóm bạn
Và đây là những “Hồ sơ” tuyệt vời của chúng tôi
Với dự án này, chính chúng tôi là người quyết định cách tiếp cận vấn đề cũng như phương pháp và các hoạt động cần phải tiến hành để giải quyết vấn đề đó. Chúng tôi được chủ động lựa chọn, thu thập dữ liệu từ những nguồn khác nhau đó, rồi tổng hợp, phân tích và tích lũy kiến thức từ quá trình làm việc. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn được trực tiếp trình bày và bảo vệ sản phẩm trước hội đồng, được tự đánh giá sản phẩm của chính mình và tự đánh giá sản phẩm của các bạn. Cô giáo Trịnh Thị Lan – người nhạc trưởng tài hoa của chúng tôi – đóng vai trò là người hướng dẫn và tham vấn, giúp đỡ chúng tôi trong quá trình thực hiện dự án chứ không phải là “cầm tay chỉ việc” như trong cách dạy học truyền thống.
Và chúng tôi, những học trò trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành hạnh phúc vì được học tập, trưởng thành trong môi trường giáo dục hiện đại và cởi mở như thế, mỗi ngày.
Phóng viên NTT