Để được nhận vào học tại các trường Mỹ đã không hề đơn giản, việc đạt được học bổng càng trở nên vô cùng thách thức và đáng ngưỡng mộ. Các “thợ săn học bổng Mỹ” đã làm điều đó như thế nào?

Đinh Nho Minh, sinh năm 1996 (học bổng 04 năm trị giá hơn 4,7 tỷ đồng của Đại học Tufts, diễn giả nhỏ tuổi nhất tại Forbes Under 30 Summit ) và bạn Khánh Nghiêm, sinh năm 1997 ( học bổng 04 năm trị giá hơn 3,7 tỷ đồng của Connecticut College) là hai trong nhiều gương mặt nổi bật với biệt danh Thợ săn học bổng” của Việt Nam. Hai bạn đã chia sẻ những bí quyết cực kỳ bổ ích cho những ai quyết tâm theo đuổi những giá trị học bổng siêu khủng trong tương lai.


Khánh Nghiêm đã giành được suất học bổng hơn 3,7 tỷ tại Connecticut College, Mỹ.


Đinh Nho Minh đã giành được suất học bổng hơn 4,7 tỷ tại Đại học Tufts, Mỹ.

Hãy chuẩn bị thật sớm và quyết tâm ngay từ khi bắt đầu

Để vào được các trường đại học tại Mỹ, bạn cần chứng minh khả năng ngôn ngữ của mình đủ để có thể đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, đồng thời cần vượt qua những bài thi chuẩn hóa để xác định khả năng và kiến thức đang có ở hiện tại. Thông thường, 02 chứng chỉ được yêu cầu tại các trường đại học tại Mỹ là TOELF và SAT. Bên cạnh đó, bạn cần thể hiện khả năng tự lập cũng như các năng lực xã hội thông qua các hoạt động ngoại khóa để có thể tăng thêm khả năng được chọn và dành được học bổng. Hiểu được điều đó, Khánh Nghiêm đã rất nỗ lực cố gắng ngay từ những ngày đầu quyết định đi du học: “Trước khi nộp hồ sơ, mình học SAT và TOEFL khá muộn, vào cuối năm lớp 11. Khi học thi chuẩn hoá, mình luôn quyết tâm để vươn lên từ học sinh kém nhất lớp trở thành học sinh thuộc top trên, cố gắng học nhiệt tình và nỗ lực hơn các bạn khác. Khi tham gia hoạt động ngoại khoá, mình không quan tâm đến giấy chứng nhận hay phần thưởng, mà quan tâm xem mình sẽ học hỏi được gì từ trải nghiệm này, mình sẽ đi đâu và gặp ai? Qua các hoạt động mình đã may mắn được gặp, kết thân, và học hỏi được từ những người giỏi và dày dặn kinh nghiệm hơn mình rất nhiều. Các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, các khoá học kỹ năng, những cuốn sách cũng giúp mình rất nhiều. Tất cả đã cho mình sự chín chắn để viết một bài luận thuyết phục và sẵn sàng bước vào giảng đường đại học”.


Bảng điểm TOEFL cho sự nỗ lực và quyết tâm của Khánh Nghiêm.

Mọi sự chuẩn bị không bao giờ là dư thừa, những du học sinh đạt được những suất học bổng “khủng” từ trước đến nay đều có một quá trình cố gắng nỗ lực vượt bậc trong một thời gian không hề ngắn. Nho Minh cũng không ngoại lệ. Minh là đồng sáng lập và Phó ban Nội dung Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO), bên cạnh đó, các thành tích của cậu bạn “con nhà người ta” khiến cho bất kỳ ai nhìn vào cũng thấy ngưỡng mộ bao gồm: Đại biểu “Oxford International Model United Nations 2014”, Đại biểu “Yale - NUS Model ASEAN 2014”, Đại biểu “Hanoi Model United Nations 2013”,... Tại Diễn đàn Thế hệ trẻ Forbes Under 30 vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những anh tài hàng đầu đến từ khắp các lĩnh vực, Nho Minh đã trờ thành diễn giả nhỏ tuổi nhất.


Nho Minh là diễn giả nhỏ tuổi nhất tại Forbes Under 30 Summit.

Chọn lựa “đích đến” kỹ lưỡng và phù hợp      

Một trong những bí quyết quan trọng nhất của các “thợ săn học bổng” chính là việc chọn lựa ngành học và trường học rất kỹ càng để có thể đưa ra những chiến lược chinh phục thành công. Nho Minh với niềm đam mê ngoại giao được vun đắp từ nhỏ bởi ông nội của mình đã chọn ngành Quan hệ Quốc tế cho 04 năm đại học. Tuy là học sinh chuyên Lý tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng cậu bạn vẫn thường xuyên duy trì thói quen cập nhật các tin tức thời sự và các vấn đề quốc tế với mong muốn tăng thêm vốn hiểu biết để có thể giúp ích xây dựng đất nước sau này. Chia sẻ về lý do chọn Tufts, Nho Minh nói: “Điều quan trọng nhất trong việc tìm trường và săn học bổng của mình đó là chọn một ngôi trường phù hợp (ngành học, môi trường, tính cách...). Vì nếu mình cảm thấy hợp với trường thì chắc chắn mình sẽ hưng phấn và có nhiều ý tưởng hơn khi viết bài luận. Ngược lại, nếu trường cảm thấy bản thân mình phù hợp và họ phải thích tính cách của mình thì nhiều khả năng mình không chỉ được nhận vào học mà còn được họ ưu ái với những suất học bổng lớn để 'mời chào' mình đến trường. Sau khi tìm hiểu kỹ các trường, mình thấy Tufts có rất nhiều điểm phù hợp với bản thân: có ngành Quan hệ Quốc tế trong Top 05, có nhiều người ở Việt Nam trong ngành Ngoại giao từng học ở trường (như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh), thành phần sinh viên đa dạng,...”.


Nho Minh định hướng tứ rất sớm với con đường ngoại giao.

Đồng quan điểm với đàn anh của mình, Khánh Nghiêm cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm và chọn lựa trường học một cách rất khoa học. Cậu bạn chia sẻ phương thức chọn lọc rất hệ thống của mình: “Khi chọn trường, tiêu chí đầu tiên của mình là chất lượng giáo dục đào tạo ngành học mình chọn. Để tìm hiểu mình đã đọc Fiske Guide và tham khảo nhiều nguồn trên internet. Khi đã có danh sách các trường đào tạo tốt về ngành học dự định, mình tìm hiểu về khả năng trúng tuyển dựa trên GPA, SAT, và TOEFL. Nhờ đó danh sách sẽ được rút gọn hơn. Sau đó mình tìm hiểu cặn kẽ truyền thống, chương trình học, cộng đồng học sinh, và hoạt động của các trường để tìm ra ngôi trường phù hợp nhất với bản thân. Connecticut College là ngôi trường Liberal Arts nhỏ, giáo viên và học sinh rất gần gũi, trường chú trọng vào đào tạo toàn diện, toàn cầu, với chương trình học liên môn (interdisciplinary program) rất mạnh. Ngoài ra trường còn có Honor Code, cam kết của học sinh về sự trung thực và nhân văn, nên cộng đồng học sinh rất gắn bó và tin tưởng lẫn nhau. Đó là môi trường học vấn và cộng đồng lý tưởng đối với bản thân mình”.

Hãy gửi đi hồ sơ và bài luận “ấn tượng”

Một hồ sơ khiến hội đồng tuyển sinh “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” và một bài luận thể hiện bản sắc cá nhân nhưng đầy thuyết phục sẽ giúp các du học sinh được chấp nhận học tại trường, đồng thời có cơ hội dành được những suất học bổng giá trị “khủng”. Tuy đạt được những điểm số xuất sắc cho các bài thi chuẩn hóa (2270 SAT, 8.0 IELTS), thành tích học tập và ngoại khóa nổi bật, Nho Minh vẫn cố gắng chuẩn bị bài luận của mình thật kỹ lưỡng và cẩn thận. Cậu bạn chia sẻ bí kíp để có một bài luận giúp bạn lọt vào “mắt xanh” của hội đồng tuyển sinh: “Đừng ngại bộc lộ tính cách, quan điểm, cá tính,... của mình trong bài viết. Người Mỹ nói chung và những nhà tuyển sinh Mỹ rất coi trọng sự đa dạng để đóng góp cho môi trường văn hóa phổ cập và đại chúng của họ: khi họ đọc một hồ sơ, họ muốn thấy một con người đa chiều và có nhiều ý tưởng thú vị, thể hiện một con người độc lập. Tuy nhiên sự phá cách cũng nên có giới hạn, không nên viết cái gì đó quá nhạy cảm hoặc gây tranh cãi để thể hiện mình cũng đã trưởng thành và biết kiểm soát cái tôi của bản thân”

Với Khánh Nghiêm, chiến lược được lựa chọn là thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với trường học: “Sau khi tìm được ngôi trường mục tiêu, mình dồn tâm huyết để chăm chút cho bộ hồ sơ và nộp sớm vào vòng ED1 để thể hiện sự quyết tâm và tình cảm của mình dành cho trường. Thấy được điều đó, ban tuyển sinh của Connecticut College đã trao mình suất học bổng $43,600 mỗi năm (tương đương 3,7 tỷ đồng cho 04 năm học”. Thời gian dành cho giấc mơ du học không hề nhỏ, đặc biệt là quá trình chuẩn bị hồ sơ và bài luận rất căng thẳng, nhưng đối với Nho Minh: “Quãng thời gian thực hiện và nộp hồ sơ là một khoảng thời gian cực kỳ bổ ích, vì nó cho mình cơ hội được tìm hiểu thêm về chính bản thân mình để biết được mình có những điểm mạnh và điểm yếu gì, đam mê của mình,... cũng như thử sức mình với những mục tiêu và giới hạn mới”.



Khánh Nghiêm (thứ hai trừ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè.

Không ngừng nỗ lực ngay sau khi đã nhận được học bổng

04 năm học tại Mỹ không hề dễ dàng ngay cả khi bạn đã nhận được học bổng, vì vậy, đừng ngủ quên trên chiến thắng và hãy tiếp tục chuẩn bị thật tốt cho quãng thời gian học tập trước mắt. Khánh Nghiêm sau khi nhận được thư chấp nhận và học bổng dù rất sung sướng vì những sự nỗ lực quyết tâm của mình được ghi nhận và trân trọng, ngay lập tức, cậu bạn tiếp tục dành thời gian và tâm trí để thực hiện những dự định đã ấp ủ từ lâu cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, cậu bạn học hỏi từ kinh nghiệm từ các anh chị đi trước để có thể sẵn sàng cho 04 năm học tập và trải nghiệm tại Mỹ, Khánh Nghiêm chia sẻ: “Mình đã tham dự nhiều khóa học, hội thảo, hoạt động, và đọc sách để chuẩn bị cho 04 năm học đại học. Hiện nay mình đang học khoá viết luận và văn học Mỹ, học online các khóa học Kinh tế và Tâm lý học, tham dự các hoạt động liên quan đến giáo dục và cộng đồng quốc tế... Bên cạnh đó, mình cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Từ việc thích nghi với môi trường mới, phương pháp học, tạo mối quan hệ với giáo sư, tham gia các hoạt động, làm thêm, chi tiêu, du lịch,... tất cả mọi khía cạnh của du học. Mình cảm thấy sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong 4 năm sắp tới!”.


Khánh Nghiêm thực hiện những dự định cho cá nhân và cộng đồng.

Cũng giống như Khánh Nghiêm, Nho Minh với những thành tích xuất sắc vẫn không ngừng dừng lại và tiếp tục trau dồi thêm những kỹ năng để có thể hoàn thành tốt nhất khoảng thời gian học tập phía trước. Cậu bạn chia sẻ: “Về tiếng Anh, mặc dù đã có điểm số khá ổn trong các kỳ thi chuẩn hóa, mình vẫn tham gia thêm một khóa học về viết và đọc ở bậc Đại học để giúp chuẩn bị tốt nhất có thể cho việc học tập ở đó. Những kỹ năng này khá quan trọng, ví dụ cần phải biết cách đọc các văn bản dài (đọc mở, kết rồi đọc những ý cần đọc ở giữa) để tránh mất thời gian hoặc bị choáng ngợp bởi khối lượng sách và tài liệu cần đọc. Mình nghĩ việc chuẩn bị kỹ trước một chuyến đi quan trọng như vậy là một điều rất cần thiết, nhằm tránh bị sốc văn hóa hoặc mất phương hướng khi sang một môi trường mới”.


Nho Minh (thứ hai từ trái sang) chia sẻ tại Forbes Under 30 Sumit.

Bên cạnh đó, quá trình xin visa tuy không quá khó khăn nhưng cũng để lại trong Minh những kỷ niệm “khó quên”. “Việc điền hồ sơ và hẹn phỏng vấn không quá phức tạp vì họ chủ yếu hỏi về giấy tờ, mục đích,... chứ không có câu gì quá lươn lẹo. Buổi phỏng vấn diễn ra khá đơn giản, chỉ hỏi khoảng 4-5 câu trong vòng 05 phút. Người phỏng vấn mình rất may mắn cũng có em trai học Tufts và nói rằng mình đã chọn đúng trường để học ngành Quan hệ Quốc tế rồi. Lúc đó mình có sơ suất nói "Thank you man!", trong khi phải nói là "Thank you sir!", vì chữ "man" thường dùng trong nói chuyện đời thường chứ không phải nghiêm túc. Tuy nhiên người phỏng vấn vẫn vui vẻ và hỏi tiếp bảng điểm của mình. Hôm đấy mình quên mang bảng điểm tiếng Anh đi nên đành phải đưa học bạ tiếng Việt. Dù vậy mình khá ngạc nhiên khi người phỏng vấn vẫn khen "Good good" và đưa lại học bạ. Cuối buổi ông ấy thông báo visa sẽ được gửi lại cho mình trong 2-3 ngày tới và chúc mình may mắn trên con đường học tập”.

Con đường dẫn tới thành công chưa bao giờ là dễ dàng, du học và giành được học bổng tại một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu như Mỹ là một việc đầy thách thức nhưng không phải là không thể. Hy vọng rằng, những chia sẻ từ Nho Minh và Khánh Nghiêm sẽ phần nào giúp các bạn vượt qua những khó khăn và hiện thực “giấc mơ Mỹ” của mình.

Kenh14.vn


Nguồn:
Link bài viết gốc