GS. TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội
PV: Thưa GS, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang lấy ý kiến xã hội, ông đánh giá như thế nào về dự thảo lần này?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Điểm thú vị nhất của dự thảo lần này là ở mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, nhằm trang bị những năng lực và phẩm chất cho học sinh để có thể phát triển toàn diện trong tương lai. Trang bị cho học sinh những kĩ năng cần thiết, làm hành trang cho cuộc sống như kĩ năng thực hành vận dụng, kĩ năng thích ứng với những thay đổi và những định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
PV: Hiện nay, một số ý kiến cho rằng chương trình mới ôm đồm, khá nặng, với nhiều môn học, không như mục tiêu của chương trình là giảm gánh nặng cho học sinh, ông nghĩ sao về ý kiến này?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Chúng ta cần nhìn nhận chương trình tổng thể mới chỉ là một bộ khung. Băn khoăn này cũng là một cảnh báo để chương trình môn học làm sao cho thật phù hợp.
Tuy nhiên, trước khi chúng ta nói nhiều môn học thì cũng nên có sự so sánh. Chương trình tiểu học hiện tại là 11 môn bắt buộc và 2 hoạt động khác, trong khi đó trong dự thảo chỉ còn 8 môn với lớp 1-2; 9 môn ở lớp 3 và 11 môn đối với các lớp 4 và 5. Nếu nhìn nhận rộng hơn, chương trình của các nước Anh, Đức với các cấp học tương tự như vậy thì số đầu môn của chúng ta vẫn thấp hơn.
Từ góc nhìn trước đây, do việc thi cử nặng nề, cách dạy, cách học theo phương pháp truyền tải kiến thức là chủ yếu, đã tạo nên tâm lí lo lắng cho học sinh, phụ huynh thì tôi nghĩ rằng các nhà soạn thảo chương trình sẽ có những đúc rút điều chỉnh để không lặp lại những khó khăn mà phụ huynh và xã hội đang lo lắng.
Trải nghiệm sáng tạo nêu trong dự thảo không phải là một môn học
PV: Những môn học tích hợp, tự chọn, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa trong dự thảo chương trình mới, theo ông có giải quyết được vấn đề giảm tải môn học, vấn đề dự hướng cho học sinh?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Tôi muốn nói về tích hợp, trong mọi hiện tượng của cuộc sống thì không thể chỉ có kiến thức của một môn học đơn lẻ để giải quyết, mà phải vận dụng rất nhiều hiểu biết của các môn học khác. Cho nên việc tích hợp như một xu thế tất yếu.
Khả năng giải quyết các vấn đề đó phụ thuộc vào năng lực của mỗi người, tuy nhiên không có năng lực nào tự nó có thể có được mà trước hết cần có những kiến thức cốt lõi.
Việc giảm tải ở đây chúng ta nên quan niệm là giảm bớt kiến thức không phù hợp hay chưa phù hợp, học sinh phải đảm bảo thời gian học trên lớp, thời gian tự học…, điều này theo tôi nghĩ các nhà soạn thảo đã đặt ra.
Để hình thành phẩm chất, năng lực thì phải có những hoạt động thích hợp với từng cấp học khác nhau.
PV: Như ông trao đổi, chương trình tổng thể chỉ mới là bộ khung, khi có chương trình môn học mới so sánh được chương trình có nặng hay quá tải hay không. Một trong những môn học mới của chương trình là “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, nhưng hiện nay đang có sự hiểu lầm đây là môn học độc lập, riêng lẻ và đã có những ý kiến trái chiều. Cách hiểu của ông về “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là như thế nào?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nêu rất rõ trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động giáo dục, không thuần túy là một môn học. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp. Các chủ đề được xây dựng mang tính mở.
Ví dụ: Ở Đại học Sư phạm Hà Nội có trường thực hành (Trường THPT Nguyễn Tất Thành), ở đó người ta tìm hiểu về cốm làng Vòng, để tìm hiểu thì các em phải có kiến thức về địa lí, lịch sử, truyền thống, khi trải nghiệm thì học sinh phải có cách thức giao tiếp để hỏi người dân vùng đó. Đây là một chuỗi kiến thức mà học sinh phải vận dụng để tìm hiểu, qua hoạt động này các em biết được đây là một sản phẩm nổi tiếng.
Qua đó tôi muốn nói rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không thuộc về một môn học nào cả. Đây là một hoạt động chứ không phải một môn học đơn lẻ. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên phủ định có những hoạt động liên quan tới ngành học có tính đơn ngành cao.
Đổi mới cách nghĩ, cách làm của giáo viên
PV: Một trong những điểm tích cực trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình được chia thành hai giai đoạn giáo dục (giai đoạn giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp). Theo đó, để thực hiện tốt giai đoạn định hướng nghề nghiệp thì đòi hỏi đầu tư kĩ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đổi mới ngay thì nguồn lực giáo viên hiện tại chưa đáp ứng được, ông có ý kiến gì về điều này?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Chúng ta biết rằng thầy cô là yếu tố quyết định thành công của đổi mới. Là một trường đào tạo giáo viên các cấp thì tôi nghĩ, chúng tôi phải làm sao chuẩn bị thật tốt để hỗ trợ các thầy cô khi triển khai chương trình giáo dục mới. Tất nhiên nhà trường cũng đã chuẩn bị các chuyên đề để bồi dưỡng, trong quá trình này chúng tôi cũng đã lấy ý kiến các trường để có thể triển khai sớm nhất.
Phía thầy cô, để đổi mới một thói quen là rất khó. Và chúng ta đổi mới cả cách nghĩ, cách làm thì điều đó càng khó hơn. Tuy nhiên, sự đồng hành và vào cuộc chủ động của các thầy cô cùng với các trường sư phạm, các bộ ban ngành, đặc biệt là các địa phương thì chúng ta có thể từng bước tạo nên sự chuyển biến tích cực.
PV: Được biết, để chuẩn bị cho quá trình đổi mới thì 7 trường sư phạm sẽ tham gia để bồi dưỡng giáo viên phổ thông hiện có. Vậy các trường đã đổi mới như thế nào, cụ thể là Đại học Sư phạm Hà Nội?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Sau khi có Nghị quyết 29 các trường Đại học Sư phạm đã chủ động ngồi lại với nhau, chúng tôi đã chuẩn bị xây dựng chương trình. Năm 2014, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khởi xướng và đã áp dụng việc này. Hiện tại trong 7 trường sư phạm đã thống nhất sử dụng 70% chương trình do trường chúng tôi xây dựng.
Việc này chưa phải kết thúc, mà xây dựng chương trình bao giờ cũng là một quá trình, chúng ta tiếp tục đổi mới làm sao để thích ứng với yêu cầu của chương trình mới.
Mặt khác nhà trường cũng chuẩn bị các chuyên đề bồi dưỡng. Thực ra việc này các trường cũng làm cách đây mấy năm và làm liên tục, sau đó lấy ý kiến các cơ sở. Chúng tôi đang rà soát để làm sao việc bồi dưỡng diễn ra tốt nhất ở giai đoạn tới, để giáo viên yên tâm rằng khi có chương trình thì các trường sư phạm sẽ bồi dưỡng để đảm đương được.
Chúng tôi sẽ làm khảo sát đối với các thầy cô đang giảng dạy, những gì thầy cô cần và còn thiếu. Không phải là triển khai kiểu “hàng ngang”, vì chúng ta đang phát triển theo năng lực học sinh, các thầy cô thiếu gì thì chúng ta bù đắp cái đó.
PV: Trong Dự thảo có đưa ra một số môn học mới, vậy việc chuẩn bị đội ngũ cho các môn học này như thế nào?
GS. TS Nguyễn Văn Minh: Vấn đề này các trường sư phạm cũng đã làm việc với nhau từ năm 2014. Thời điểm đó chúng tôi đã dự tính môn học mới theo xu thế giới và chúng ta không thể đi riêng, những chuyên đề như tích hợp; hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kinh tế và pháp luật; thiết kế và công nghệ cũng đã có sự chuẩn bị phần nào rồi.
Một số môn liên quan về nghệ thuật cũng đã được nhà trường đặt ra nên sinh viên ra trường từ năm 2018 ở các khoa, ngành này sẽ đảm bảo chất lượng.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên những môn học này cũng đã được chúng tôi xây dựng thành các chuyên đề và gửi cho nhiều sở để lấy ý kiến phản hồi.
Các trường sư phạm đã và đang vào cuộc quyết liệt nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, theo tôi là không quá lo lắng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt An (ghi)