“Những điều đẹp đẽ nhất trên thế giới không thể nhìn thấy hay chạm vào được, chúng được cảm nhận bằng trái tim.”– câu trích đầu tiên lướt qua thật nhanh nhưng lại in trong tâm trí tôi một ấn tượng khó phai. Nhẹ nhàng như hương hoa tỏa ngát cả không gian, tôi đã cuốn vào câu chuyện lì kì, hấp dẫn đến trang cuối cùng của một vị hoàng tử đặc biệt. Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry chính là tấm vé quay về miền đất ấy, một hành trình trở lại với phần hồn nhiên, thuần khiết mà nhiều người đã đánh mất. Cuốn sách giống như một bản nhạc du dương khơi lên những nốt nhạc trong sáng trong thế giới nơi nội tâm và dẫn dắt ta qua những thế giới nhỏ bé, mỗi nơi chốn, mỗi nhân vật đều gợi lên nỗi nhớ về một phần nào đó của chính ta - khi còn là đứa trẻ tò mò trước cuộc đời.

Hình ảnh hoàng tử bé đang đứng trên hành tinh quê nhà của cậu trong bìa sách cuốn tiểu thuyết “Hoàng tử bé”

1. Nhà thơ của những vì sao – Dòng nhật kí tinh tú

Cuốn tiểu thuyết chạm đến trái tim cằn cỗi của những người lớn được chắp bút năm 1943 bởi phi công người Pháp Antoine de Saint – Exupéry. Antoine de Saint – Exupéry, ông một tác giả độc nhất vô nhị với những tác phẩm độc bản trong lịch sử văn học thế giới khi là một phi công, một người lính, nhưng lại mang trong mình tâm hồn tinh tế của một nhà thơ. Văn phong của ông tao nhã và trữ tình đến lay động lòng người. Một trong những thiên cổ tích nổi tiếng dành cho người lớn là Hoàng Tử Bé. Đây như một cuốn tự truyện, bức thư được tác giả gửi đến thế giới của người lớn với một lời nhắc nhở rằng những điều tốt đẹp nhất trong đời vẫn luôn là những điều đơn giản nhất và sự giàu có đích thực của mỗi chúng ta là những gì chúng ta mang đến cho người khác. Không chỉ câu từ mà những bức họa trong cuốn tiểu thuyết này cũng thật mơ mộng và bay bổng như những chuyến phiêu du của ông. Chính cảm hứng từ một lần bị rơi máy bay đã thôi thúc ông viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này với những chi tiết thực tế kết hợp với trí tưởng tượng phong phú.

Tuyệt tác thời đại này đã đạt đến độ trác tuyệt và toàn bích của một tiểu thuyết vừa uyên thâm lại vừa gần gũi. “Hoàng tử bé” đã được dịch ra hơn 250 ngôn ngữ khác nhau, kể cả những phương ngữ hiếm trên thế giới như tiếng faerosk ở Feroe. Không chỉ dừng lại ở con số xuất bản 80 triệu bản, các chủng loại băng hình và CD cũng được phát hành ở khắp nơi khiến tác phẩm này trở thành một huyền thoại văn học. Như một hiện tượng ăn sâu vào văn hóa, “Hoàng tử bé” đã dần xuất hiện trong các chương trình giáo dục như ở Canada, Maroc,… và tại Việt Nam (trong những năm 70 ở Đại Học Văn khoa Huế và Đại Học Văn khoa Sài Gòn).

2. Tiểu hành tinh – Đại ngân hà

“Có thể có hàng triệu bông hồng trên toàn thế giới, nhưng em là bông hồng duy nhất của anh, bông hồng độc nhất vô nhị.” Những lời của Hoàng tử bé vang lên như một bản tình ca về sự gắn kết độc đáo và vĩnh cửu. Câu chuyện khởi đầu với một cậu bé đến từ hành tinh nhỏ bé B612, vì yêu thương nhưng lại không hiểu rõ đóa hồng của mình nên đã rời xa để dấn thân vào chuyến phiêu lưu khắp các hành tinh. Qua hành trình ấy, hoàng tử bé gặp gỡ nhiều kiểu người lớn khác nhau, và từ những cuộc gặp gỡ, một xã hội hiện đại đầy mâu thuẫn và xót xa dần hiện ra trong mắt cậu, như một bức tranh đậm chất ẩn dụ, chứa đựng những nỗi buồn, sự cô đơn và ảo tưởng.

Gặp người vua trên hành tinh đầu tiên, ta chứng kiến quyền lực khoác trên mình bộ “áo đỏ tía đính lông thú” như một biểu tượng của sự thống trị. Vị vua ban hành lệnh cấm và tự đặt mình vào vai trò điều khiển tất cả, nhưng chính ông lại là kẻ bị ràng buộc bởi những luật lệ do chính mình tạo ra. Hoàng tử bé, với cái nhìn trong sáng, đã thắc mắc: “Nếu tôi ra lệnh cho một vị tướng biến thành chim hải âu, và vị tướng không tuân theo, lỗi là ở tôi hay ở ông ấy?” Lời nói đó là một lời cảnh tỉnh, rằng quyền lực thực sự không phải là ép buộc mà là khả năng thấu hiểu và tôn trọng người khác. Qua hình ảnh vị vua, Saint-Exupéry gợi lên sự khốc liệt của quyền lực, khi nó biến con người thành tù nhân của chính mình.

Trên hành tinh tiếp theo, cậu gặp một kẻ tự phụ, kẻ chỉ sống để tìm kiếm sự tán dương và ngưỡng mộ từ người khác. Kẻ tự phụ tuyên bố: “Tất cả mọi người đều là người ngưỡng mộ ta,” nhưng thực tế xung quanh ông chỉ là sự trống rỗng. Hình ảnh này như một cái bóng phủ lên nhiều người trong xã hội, những ai mải miết chạy theo danh vọng phù phiếm mà quên đi giá trị thực sự của bản thân. Câu chuyện nhẹ nhàng nhắc nhở rằng những thứ chúng ta đuổi theo đôi khi chỉ là hư ảo, không mang lại ý nghĩa hay niềm vui thực sự. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho chính chúng ta: liệu ta có đang sống với ý nghĩa, hay chỉ đang theo đuổi những thứ phù phiếm, hời hợt?

Chuyến hành trình đưa cậu đến hành tinh của người nghiện rượu, người đàn ông chìm đắm trong men say và sự tự trách. Khi hoàng tử bé hỏi vì sao ông uống rượu, ông đáp: “Để quên đi rằng tôi thấy xấu hổ… xấu hổ vì tôi uống rượu.” Một vòng luẩn quẩn, giống như cái bẫy mà nhiều người trong xã hội hiện đại rơi vào, dùng những thói quen có hại để lấp đầy nỗi trống trải nhưng chỉ làm tăng thêm đau khổ. Hình ảnh này làm tôi nhớ đến những khoảnh khắc con người dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh mà quên đi trách nhiệm của bản thân. Câu chuyện như thôi thúc ta đối diện với chính mình, nhắc nhở rằng sự dũng cảm chấp nhận và vượt qua mới là chìa khóa để phá bỏ những giới hạn và sự tự hủy hoại.

3. Xa tận chân trời – Gần ngay trước mắt

Đến với Trái Đất - điểm dừng chân cuối cùng, có lẽ không chỉ hoàng tử bé mà cả độc giả cũng sẽ có những giây phút lắng lại suy tư về đời người. Với chương XXI chỉ vỏn vẹn 4 trang thì động từ "thuần hóa" lại được nhắc lại đến tận 15 lần. Cuộc gặp gỡ của hoàng tử bé với con cáo đã đọng lại trong cậu thật nhiều tâm trạng phức tạp. Đó là khi một tâm hồn thiếu thốn tình cảm mưu cầu được "thuần hóa" gặp một cái xác phàm chứa linh hồn của một kẻ như lạc lõng giữa thế gian này. Những "điều quá bị lãng quên" này đã khơi dậy một tình yêu tưởng chừng như bị chôn vùi trong mỗi người. "Tôi chỉ là một con cáo giống như trăm ngàn con cáo khác đối với cậu”. Kiên nhẫn và đều đặn, hai tâm hồn tri kỉ đã thuần cảm được nhau, họ dần gắn bó đến nỗi mỗi lần cáo nhìn thấy đống lúa vàng ruộm, cáo ta lại “cảm thấy xôn xao và yêu luôn cả tiếng gió lùa trong gió”.

Con rắn vàng - một sinh vật tưởng như đáng sợ và nguy hiểm dưới ánh nhìn của người lớn - lại được khoác lên mình lớp hào quang tựa như một thiên thần dẫn đường, mang theo sự tĩnh lặng và dịu dàng đến kì lạ khi tiễn đưa hoàng tử bé về lại hành tinh của cậu. Nó xuất hiện trong đêm như một nét chấm phá vàng óng giữa bóng tối, uốn lượn nhẹ nhàng, thoắt ẩn thoắt hiện, tựa như một dải lụa ánh sao mềm mại, an nhiên quấn quanh đôi chân nhỏ bé của hoàng tử. Loài người, đặc biệt là người lớn vẫn thường cho rằng loài rắn là một loài nguy hiểm, là hiện thân của ác quỷ trần gian (dựa theo câu chuyện con rắn dụ Adam và Eva ăn trái cấm trong Kinh thánh). Ấy vậy mà, với đôi mắt thơ ngây của hoàng tử, em lại thấy một người bạn thông thái tiễn em về nơi hành tinh mẹ.

4. Hành tinh cuối cùng

Cũng tại hành tinh kì quặc đến nỗi có “một trăm mười một ông vua (trong đó, hiển nhiên là không quên tính cả các ông vua đen), bảy nghìn nhà địa lí, chín trăm nghìn nhà doanh nghiệp, bảy triệu rưỡi bợm nhậu, ba trăm mười một triệu kẻ khoác lác” mà đến thời điểm hiện tại thì chắc chắn là còn có nhiều hơn, cậu đã gặp những con người đầu tiên. Những con người ấy cũng “kì quặc” đến lạ nhưng cũng chính tại đây, cậu gặp được một người phi công đặc biệt. Cơ duyên giữa hoàng tử và chàng phi công cứ thế nảy mầm như một cây baobap khổng lồ để rồi từng rễ cây cứ dần đâm sâu vào trong trái tim hai người khiến nó vỡ vụn. Đến thật nhanh mà đi cũng thật vội, tuy vậy, hoàng tử bé đã cho chàng phi công được một lần nữa sống chậm lại để kịp suy ngẫm về một thời thơ ấu đã qua. Cậu đã dạy cho chàng phi công biết thế nào là đau đớn nơi tâm can với nỗi nhớ cô độc chỉ mình mình thấu. Cậu đã cho chàng phi công biết thế nào là sự vô nghĩa tột cùng đến đáng tiếc nơi thế giới người lớn.

Hoàng tử bé không khép lại bằng một cái kết hoàn toàn hạnh phúc, mà để lại một khoảng trống lặng lẽ trong lòng người đọc. Hoàng tử bé trở về hành tinh của mình, để lại một nỗi nhớ trong lòng phi công. Nhưng trong sự xa cách ấy, ta cũng nhận ra giá trị của sự tồn tại, của những khoảnh khắc yêu thương và gắn kết. “Điều quan trọng nhất là vô hình với đôi mắt, chỉ có trái tim mới nhìn thấy được.” Câu nói nổi tiếng ấy đã trở thành chân lý về cách mà chúng ta nên nhìn nhận cuộc sống.

Thông điệp cuối cùng của Hoàng tử bé là lời kêu gọi cho mỗi người hãy giữ lại một phần thơ ấu, hãy giữ cho tâm hồn luôn trong trẻo, không bị che mờ bởi những tính toán, tranh đua trong thế giới người lớn. Saint-Exupéry đã gửi đến độc giả một thông điệp quý giá: "Người lớn nào cũng từng là trẻ con, chỉ có điều ít người nhớ đến điều đó." Qua hình ảnh hoàng tử bé ngồi ngắm những ngôi sao, Saint-Exupéry nhắc chúng ta rằng, trong sự tất bật của cuộc sống, đừng quên những điều giản dị và chân thật nhất.

Áng văn toàn bích này khi khép lại đã gợi mở cho ta cả một khoảng ngân hà tráng lệ mà gần gũi xiết bao. Để rồi khi ngước lên trời, ta sẽ vô tình chạm đôi mắt long lanh ánh thơ của ta phản chiếu nơi trăng. Ta sẽ tình cờ gặp lại khoảng trời đầy ắp những ước mơ ngây ngô thời thơ bé của ta. Và để ta được một lần nữa sống với tâm hồn tinh khôi không chút bụi trần.

Bài viết: Phạm Lê Vy (11D1)

Ảnh: Sưu tầm