Đề bài: Hãy kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong bài thơ “Lượm” (Tố Hữu)

Bài làm

Có một giấc mơ cứ ám ảnh tôi hết đêm này đến đêm khác trong suốt mấy chục năm qua. Đó là một giấc mơ rực màu vàng của lúa, của nắng nhưng lại loang màu đỏ của máu. Trong giấc mơ đó, tiếng la khóc thảm thiết của những đứa trẻ hòa lẫn tiếng nổ chát chúa của súng đạn… Tôi thường tỉnh dậy lúc nửa đêm và không sao ngủ lại được nữa.

Đã bao lần tôi muốn trở lại mảnh đất hoang tàn từng in dấu đạn bom ấy. Nhưng tôi sợ!

Hồi ấy, tôi là một người lính trong đội quân viễn chinh của nước Pháp. Chúng tôi có nhiệm vụ đem Tự do – Bình đẳng – Bác ái đến với đất nước Việt Nam nhỏ bé ở phía bên kia địa cầu. Nhưng khi đặt chân lên đất nước này, tôi mới biết, công việc thực sự của mình là gì. Thay vì chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân như tôi đã từng làm ở quê nhà, tôi phải cầm súng hoặc là chết.

Tôi và đồng đội từng được nghe kể rất nhiều về một chú bé liên lạc nhỏ tuổi và dũng cảm tên Lượm – người đã từ biệt mẹ thân yêu, nhận nhiệm vụ liên lạc tại đồn Mang Cá. Vai chú thường đeo chéo chiếc xắc nhỏ đựng giấy tờ. Đầu chú đội lệch chiếc mũ ca lô tinh nghịch. Lượm hồn nhiên, yêu đời, hay hát, hay cười và có đôi mắt một mí sáng lấp lánh. Thế nhưng, với chúng tôi, Lượm lại là một nỗi ám ảnh không yên. Lượm thoắt ẩn, thoắt hiện giữa hai làn đạn để làm nhiệm vụ giao liên. Và bằng cách đó, đối phương nắm được nhất cử nhất động của chúng tôi để đề phòng và tấn công bất ngờ.

Đó là một ngày đầu hè rực nắng. Bầu trời xanh và sâu thăm thẳm. Những đám mây xốp nhẹ như bông đứng im lìm như không muốn trôi. Không khí khô nóng, bức bí, khó thở y như trước một cơn bão lớn. Sau cánh đồng lúa mênh mông vàng óng là gốc đa, là mái đình cổ kính, là rặng tre xanh vi vút gió, là nơi quân Việt Minh đang ẩn nấp. Nhưng họ ở đâu? Có bao nhiêu người cả thảy? Chúng tôi hoàn toàn không biết nên không dám xuất quân. Bỗng, từ đằng xa, giữa cánh đồng lúa thoáng lăn tăn sóng nhấp nhô một chiếc mũ ca lô nhỏ. Một chú bé chừng khoảng mười, mười hai tuổi có nước da sạm nắng, dáng người loắt choắt, khoác trên mình một chiếc xắc nhỏ xinh tiến lại. Đôi chân thoăn thoắt vừa đi vừa nhảy như con chim chích tinh nghịch. Miệng chú huýt sáo một giai điệu vui tươi.

Là Lượm!


Tôi nháy mắt ra hiệu với đồng đội. Hiểu ý, trong lặng lẽ, những cây súng được lên nòng. “Đoàng… Đoàng… Đoàng…”. Tiếng súng nổ khô khốc giữa buổi trưa chan nắng. Chú bé liên lạc ngã xuống. Chúng tôi nín thở chờ đợi. Không một tiếng súng đáp trả. Không gian im lặng đến đáng sợ. Tôi cứ ngồi trân mình như thế, không biết đã bao lâu.

Rồi, như bừng tỉnh, tôi bất chấp sự can ngăn của người bạn đồng ngũ, chạy ào ra chỗ chú bé đang nằm. Giữa thảm lúa hanh vàng, chú bé nằm nghiêng nghiêng, ngực áo loang máu đỏ. Trong miệng chú vẫn vương lại mẩu thư liên lạc chưa kịp gửi. Nhiệm vụ liên lạc chưa hoàn thành nhưng chú đã kịp dành hơi thở cuối cùng của mình để giữ bí mật cho đồng đội. Đôi mắt tinh nghịch khép hờ. Đôi má bồ quân vẫn ửng hồng. Đôi môi chú thoáng mỉm cười. Bàn tay nhỏ bé của chú còn nắm chặt nhánh lúa thơm. Hương lúa thoang thoảng khắp cánh đồng.

Một giọt nước mắt mặn chát chầm chậm bò trên má tôi. Tôi gục xuống, nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay của mình. Là một bác sĩ tốt nghiệp loại ưu tại trường Đại học Paris Diderot, đôi bàn tay tôi từng đem lại sự sống cho biết bao người. Thế mà giờ đây, tại đất nước xa xôi này, chính đôi bàn tay ấy lại cướp đi sinh mạng của một em bé hồn nhiên. Ôi, còn gì tàn khốc và khủng khiếp hơn chiến tranh!

Tôi đứng lặng. Trước mắt tôi là bầu trời xanh và cao thăm thẳm. Tiếng sáo diều vi vu trong gió. Những đứa trẻ gọi nhau í ới. Từng đàn cò trắng sải cánh trên thảm lúa rực vàng như nắng. Khói lam chiều lửng lơ trên mái rạ. Bình yên đã về trên mảnh đất từng hứng chịu bao đạn bom khốc liệt. Không gian thanh bình, yên ả như chưa từng có chiến tranh giày xéo.


Trước mắt tôi là bạt ngàn thảm lúa được kết từ những cây lúa mong manh nhưng mạnh mẽ và kiêu hãnh vô ngần, giống như chú bé Lượm của mấy chục năm về trước. Tôi cúi xuống, khẽ chạm tay vào bông lúa, khẽ nghẹn ngào cất lên lời xin lỗi muộn màng.

Hồng Anh (HS lớp 6)

Ảnh: internet