Tôi xin bắt đầu câu chuyện của mình bằng một kỉ niệm với một người bạn nước ngoài mà tôi quen trong một chuyến du lịch. Anh ấy đã hỏi tôi rằng: “Có thật là tham gia giao thông nước cậu còn nguy hiểm hơn cả trò chơi mạo hiểm không?”. Câu hỏi đó thoạt đầu khiến tôi ngạc nhiên nhưng rồi tôi chỉ coi đó là một lời bông đùa. Dần dần, tôi mới nhận ra rằng tình hình giao thông ở nơi tôi sinh ra và lớn lên còn tồi tệ hơn vậy nhiều.

Được sự cho phép của Nhà trường, thầy chủ nhiệm, sự giúp đỡ của các bác phụ huynh và đặc biệt là là bác Hồ Thị Thanh – Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện E, các bác sĩ của khoa thần kinh - Bệnh viện Việt Đức, lớp 10A1 chúng tôi đã có một chuyến thực tế ở khoa thần kinh, bệnh viện Việt Đức – nơi chúng tôi đã đi từ ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác. Chưa bao giờ, lũ trẻ chúng tôi được chứng kiến cảnh bệnh viện đông bệnh nhân như vậy, các bác sĩ, y tá và cả điều dưỡng viên tất bật chạy khắp nơi, chốc chốc lại có thêm một ca tai nạn giao thông khiến não bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo chân các chị điều dưỡng, chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bệnh nhận. Nhìn những em bé mới chỉ có bốn, năm tuổi bị quấn băng quanh đầu, tôi chợt buồn. Những đứa bé vô tội ấy là nạn nhân của tai nạn giao thông.


Hình ảnh một em 14 tuổi là nạn nhân của tai nạn giao thông ngày khai giảng

Rất nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông dẫn đến tụ máu phần mềm, động kinh nhẹ, co giật, chấn thương sọ não, tổn thương thần kinh,… Thậm chí, có một bé chừng ba tuổi vì ba mẹ không cẩn trọng khi tham gia giao thông mà em đã tổn thương não bộ, em luôn hoảng sợ khi gặp chúng tôi dù chúng tôi không làm bất cứ điều gì,…

Một em nhỏ kể lại với tôi rằng những gì còn lưu lại trong kí ức của em là hình ảnh về ngày khai giảng, em đang đi đến trường thì bỗng một chiếc xe lao tới, rồi mọi thứ xung quanh em trở nên tối sầm. Em ngần ngại khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân của vụ tai nạn. Các bạn biết không, nguyên nhân ấy lại là điều mà cô thầy vẫn nhắc nhở chúng ta thường xuyên, nhưng hôm nay tôi mới thấm thía: do không đội mũ bảo hiểm. Một vết nứt dài trên hộp sọ dường như là một cái giá quá đắt.


Hình ảnh em bé bị chấn động não sau tai nạn giao thông do va vào tàu hỏa


Một nạn nhân khác của tai nạn giao thông

Xót xa trước những nỗi đau mà các em nhỏ phải gánh chịu, chúng tôi chỉ có thể động viên các em bằng những món quà nhỏ, mong rằng các em sẽ chóng bình phục, quay lại trường tiếp tục đi học.


Những món quà của tập thể 10A1 và 11D3
tuy nhỏ nhưng mang tới niềm vui cho các em bé kém may mắn


Bác sĩ Hồ Thị Thanh (mẹ bạn Đức Minh -10A1) đang hỏi thăm bệnh nhân


Hình ảnh các bạn học sinh 10A1 đến thăm hỏi và động viên các bệnh nhân

Nhiều hơn rất nhiều những món quà, niềm cảm thông mà chúng tôi trao đi là những bài học quý giá mà chúng tôi nhận về. Ranh giới giữa niềm vui và sự mất mát đôi khi thật quá mỏng. Chỉ vì một chiếc mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, một phút vội vã vượt tín hiệu đèn, hay thậm chí chỉ vì một chút âm lượng lớn từ tai nghe nhạc khi tham gia giao thông... cũng có thể là nguồn cơn cho rất nhiều điều bất hạnh về sau. Cẩn thận và tôn trọng luật giao thông không chỉ đem lại cuộc sống an toàn cho bản thân chính chúng tôi mà còn góp phần dựng xây một xã hội văn minh, giàu đẹp. Đó là điều mà mỗi chúng tôi tự nhủ trong lòng khi trở về từ chuyến đi thực tế tại bệnh viện Việt Đức.

Phạm Thị Hà Trang – 10A1

(Ảnh: Quốc Hiếu, Long An - 10A1)