“Điều để tôi tâm huyết với nghề chính là những tình cảm học trò và những lá thư” – Đó là lời chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài – trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Motthegioi.vn về những khó khăn cũng như những điều khiến cô càng thêm gắn bó với trường lớp, với nghề

Phóng viên: Thưa cô, khi được phân công công tác giảng dạy môn Giáo dục công dân, cô có thấy khó khăn gì khi giảng dạy bộ môn này?

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài: Với cô, công việc giảng dạy không có gì khó khăn vì mình đã được trau dồi những kiến thức tại trường học.

Nhưng cái khó khăn trong môn học chính là môn của mình dạy học sinh trở thành người có ích. Do đó, rất khó để chiếm được tình cảm của tất cả các học sinh, bởi lẽ, mỗi một con người là một tính cách.

Bản thân cô luôn phải tìm hiểu từng tích cách học sinh, áp dụng những phương pháp cứng rắn hoặc mềm dẻo vào từng trường hợp, từ đó giúp các em hiểu ra vấn đề và cảm thấy yêu thích môn học giáo dục công dân này.

ảnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài

* Được biết, đa số các học sinh bây giờ đều không muốn thi vào ngành sư phạm. Hoặc có thì đa số thi vào khối tự nhiên, cô nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng, đó là điều phù hợp với xã hội bây giờ. Vì so với mặt bằng chung, nghề giáo viên chưa thật sự được quan tâm một cách chính thức về lao động chất xám.

Ngay như một giáo viên được biên chế cao nhất cũng không bằng những người làm nghề khác thu nhập ngoài.

Đó cũng là điều khiến các em e ngại khi lựa chọn ngành sư phạm. Bên cạnh đó, nghề giáo là nghề thật sự vất vả, có năng lực, có yêu nghề, có những chuẩn mực đạo đức nhất định mới gắn bó được.

Nhưng với giới trẻ hiện nay, làm nghề giáo là một sự gò bó cho các em, nhất là đối với những bạn có cá tính hướng ngoại. Chưa kể đến khi các em vừa trải qua 12 năm học, nếu làm giáo viên, thì lại lặp lại với những nhàm chán của những cuốn sách cũ, khiến các em không còn hứng thú.

Cô Hoài bên những học trò lớp 12D1 trường Nguyễn Tất Thành

Cô Hoài bên những học trò lớp 12D5 trường Nguyễn Tất Thành

* Khi có sự phân biệt giữa giáo viên dạy bộ môn phụ và giáo viên dạy bộ môn chính, điều đó có gây áp lực với  việc dạy học của cô đối với học sinh hay không?

Ở trường Nguyễn Tất Thành tôi đang giảng dạy, không hề có sự phân biệt nào, vì đây là một trường thực hành cho sinh viên sư phạm nên mọi bộ môn đều được chú trọng.

Thậm chí, bộ môn Giáo dục công dân của tôi còn được chú ý rất nhiều, vì đây chính là môn dạy cho các em những kỹ năng sống, cách ứng xử.

Mặc dù, ở Việt Nam chưa chính thức công nhận môn giáo dục công dân là môn chính, nhưng ở nước ngoài, môn này rất được coi trọng. Tôi đã đi dạy ở một số trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, họ gọi đó là môn: “Tư cách công dân” và họ nghĩ rằng công dân của họ có tư cách tốt hay không, phát triển được đất nước hay không đều phụ thuộc vào giáo viên giảng dạy môn này.

Điều đó, khiến họ trả lương cho giáo viên bộ môn “ Tư cách công dân” cao hơn so với các môn học khác.

* Điều gì khiến cô luôn tâm huyết với nghề và giữ vững được tình yêu của mình với các em học trò?

15 năm trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm, tôi đã gặp rất nhiều các hoàn cảnh “éo le”.

Nhưng điều khiến tôi luôn yêu thương mãnh liệt nghề của mình đã chọn chính là tình cảm của các em. Tôi đã có những học sinh khá giỏi, nhưng quan trọng hơn hết là có những em học sinh cá biệt. Ở lớp tôi đang dạy, có một bạn trước đây là học sinh cá biệt, thậm chí là cá biệt của trường. Mặc dù, mấy lần bị kỷ luật, nhưng tôi đã cảm hóa bạn đấy, giờ đây, bạn học sinh đó đã trở thành một học sinh giỏi và một cán bộ lớp đầy năng nổ.

Lá thư bạn ấy gửi cho tôi như một lời cảm ơn đã giúp bạn ấy đứng dậy. Tôi luôn mang bên mình như tự nhắc nhở bản thân không được nhụt chí trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Tôi coi đó như là lời động viên quý báu trong suốt những năm dạy học của mình. Vì thế, tôi luôn nghĩ, nếu có được chọn lại nghề, tôi vẫn muốn chọn nghề giáo để bước tiếp con đường của mình.

Lá thư của một học trò mà cô luôn mang theo bên mình

Lá thư của một học trò mà cô luôn mang theo bên mình

* Phương pháp giảng dạy nào của cô khiến các em học sinh hứng thú với môn học khô khan này?

Không có môn học nào khô khan nếu như dạy đúng phương pháp.

Tôi đã biến lớp học thành một nơi để các em có thể chia sẻ những khó khăn cũng như  những ý kiến của mình. Tôi đã tự xây dựng mô hình nhà trường theo chuẩn mực giáo dục ở ngay tại lớp của mình.

Học sinh được xây dựng các tiểu phẩm, giải quyết những tình huống có thực ngay trong cuộc sống và tìm câu trả lời.  Đó là điều khiến các em luôn say mê môn học của chính mình mà không cảm thấy nhàm chán với những tiết học căng thẳng.

* Trong hệ thống đổi mới giáo dục tới đây, cô có ý kiến gì về thực trạng ngành giáo dục nước nhà?

Tôi mong ngành giáo dục đổi mới toàn diện hơn nữa. Từ ban quản lý đến nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới các giáo viên bộ môn phụ. Các thầy cô giáo môn phụ luôn tâm niệm một điều là mong muốn được dạy đủ số tiết cho môn học của mình.

Bởi khi các em học sinh biết những môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp, thì đa số, các giáo viên môn phụ thường nhường tiết lại cho các em ôn thi những môn chính – đó là điều tôi trăn trở nhất. 13 bộ môn – môn nào cũng quan trọng, chính vì thế, cần có một sự đầu tư đúng đắn cho tất cả các giáo viên trong từng bộ môn của mình.

Cảm ơn cô về cuộc nói chuyện và chúc cô một ngày 20.11 tràn đầy niềm vui!

Dạ Thảo

Nguồn:
Link bài viết gốc