Là một nhà giáo lâu năm với nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cô Benedikte Anderson - giáo viên bộ môn Ngôn ngữ học, Quan hệ Quốc tế và là một nhà đối ngoại tài ba từ trường Trung học Frederiksborg Gymnasium (Đan Mạch) đã có chuyến thăm đầu tiên tới trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành qua lời mời thân ái từ cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh. Trong thời gian làm việc tại Nguyễn Tất Thành, cô Benedikte đã trao đi và nhận về nhiều bài học, kiến thức bổ ích và lý thú.


“Sứ giả giáo dục” đến từ Đan Mạch và những giờ học lý thú tại trường Nguyễn Tất Thành

Ngôi trường mang tên Bác: “Tiếng lành đồn xa”

Phóng viên (PV): Thưa cô, lí do gì đã khiến cô đến với Việt Nam và chọn gắn bó với nơi đây trong một khoảng thời gian không hề ngắn sắp tới?

Cô Benedikte: Cách đây 6 năm (2011) tôi đã đến Hà Nội với tư cách là một người du lịch thích tìm tòi và khám phá. Tôi thực sự bị thu hút bởi nét văn hoá lâu đời, cổ kính, về phong tục tập quán, sự hiếu khách cũng như lòng nhiệt thành của người Việt Nam. Trong chuyến đi tình nguyện về giáo dục này, tôi đã chọn nơi đây là điểm dừng chân cho chuyến đi của mình. Và tất nhiên trên một cương vị hoàn toàn khác: một cô giáo.

PV: Thưa cô, nhờ phương tiện thông tin nào cô đã biết đến và lựa chọn trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành?

Cô Benedikte: Tôi có đến Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và hỏi xem liệu ngôi trường nào sẽ phù hợp với mình nhất. Họ chuyển thắc mắc của tôi lên Bộ GD&ĐT Việt Nam. Tại đây, tôi được họ gợi ý rằng: “Có lẽ cô nên đến thăm trường Nguyễn Tất Thành xem sao”. Không những thế, tôi còn nhận được lời ngỏ ý từ cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng ngôi trường đích thân đón chào nữa. Sau khi tìm hiểu một vài thông tin cơ bản về trường cũng như các thành tích mà các bạn đạt được, tôi nghĩ rằng ngôi trường này quả là một điểm đến lí tưởng.

Trường Nguyễn Tất Thành – điểm sáng của nền Giáo dục Việt Nam

PV: Được tiếp xúc với giáo viên, học sinh và đặc biệt là phương pháp dạy và học nơi đây, cô có muốn chia sẻ điều gì không, thưa cô?

Cô Benedikte: Ồ, có chứ. Phương pháp học ở Việt Nam nói chung rất khác so với phương pháp học của một số nước tôi đã từng có cơ hội đến thăm và tiếp xúc. Học sinh sẽ ngồi nghe giảng và lĩnh hội kiến thức trong suốt một tiết học và dường như những đóng góp xây dựng bài của các em là không nhiều. Nhưng đáng mừng thay, tôi không gặp thực trạng đó ở Nguyễn Tất Thành. Tôi nghĩ, đây là một điểm sáng trong giáo dục của Việt Nam. Việc kết hợp tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy là rất cần thiết, các bạn nên phát huy điều đó. Hơn nữa, học sinh Nguyễn Tất Thành vô cùng thông minh và lanh lợi.


Cô Benedikte với lối diễn đạt lôi cuốn, dễ hiểu đã thu hút được sự chú ý của đông đảo các bạn học sinh

PV: Vậy theo cô, làm thế nào để trường Nguyễn Tất Thành có thể tiếp tục phát huy hơn nữa được những thế mạnh này?

Cô Benedikte: Vì có sự phân hoá giữa các học sinh qua thực lực và kết quả học tập của các em nên việc đồng bộ hoá kiến thức để đưa vào giảng dạy là rất khó. Tôi nghĩ nên có sự sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi của các em trong mỗi lớp học, nên chia lớp ra thành từng nhóm nhỏ dựa trên sự tương đồng về khả năng của các em, như thế sẽ có sự thúc đẩy và tính cạnh tranh khi học giữa các em học sinh, làm nâng cao hiệu quả học tập.


Những giờ học căng thẳng giờ đây đã được thay thế bằng các tiết học vui nhộn, hào hứng nhưng không kém phần bổ ích


Cô giáo Benedikte với bài giảng mang chủ đề vô cùng hấp dẫn, lý thú: “Trở thành tỷ phú”.

Sứ mệnh của một “sứ giả” giáo dục

PV: Thưa cô, trong chuyến tình nguyện lần này cũng như qua những trải nghiệm thực tiễn, với tư cách là một vị khách mời đặc biệt, cô có đóng góp và mong muốn gì trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng dạy và học ở Nguyễn Tất Thành không?

Cô Benedikte: Với khả năng của mình, tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các em học sinh bằng việc tham gia giảng dạy cùng với giáo viên bản địa trong các giờ học Tiếng Anh. Nhiều môn học sẽ được tích hợp lại trong các tiết học của tôi giúp các em có thêm một cái nhìn tổng thể và thấy được sự liên kết giữa các môn học vốn dĩ riêng biệt và bị coi là “nhàm chán, khô khan”. Hơn thế nữa, việc giao lưu, tương tác qua các trò chơi đã được lồng ghép với giờ giảng sẽ là cách hữu hiệu giúp tăng sự tự tin cũng như tính quyết đoán, sự chắc chắn trong từng câu trả lời của các em.

 

Cô Benedikte Anderson và những buổi chữa bài ngoài giờ lên lớp cho học sinh trường Nguyễn Tất Thành

Bên cạnh đó, tôi và các đồng nghiệp tại trường Nguyễn Tất Thành sẽ có những buổi trao đổi chuyên môn. Các thầy cô trường Nguyễn Tất Thành đều là những thầy cô xuất sắc, bản thân tôi cũng rút ra nhiều điều sau những cuộc trò chuyện với các thầy cô.

PV: Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này! Kính chúc cô có một khoảng thời gian làm việc thật vui vẻ và bổ ích tại trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội.

                                                                       Thực hiện:       Chu Huyền Anh (11D5)

                                                                                                Nguyễn Thu Thuỷ (11D5)