“Ăn Tết” và “Chơi Tết”
Tết xưa, các cụ nhà ta gọi là “ăn Tết” vì thời gian kéo dài từ rằm tháng Chạp cho đến khi “ra mùng”, tức là ngày mùng 10 tháng Giêng. Có những nơi bà con ăn Tết đến tận ngày Tết Thượng nguyên, tức là ngày rằm tháng giêng, ai nấy đều tạm gác lại mọi công việc, ăn và vui chơi ngày Tết đúng nghĩa. Mọi người đều cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật chu đáo và đầy đủ với mong muốn gặp thật nhiều may mắn. Mâm cỗ ngày Tết vì vậy mà lúc nào cũng thật tươm tất với “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành” do chính tay họ chuẩn bị.
Mâm cỗ Tết truyền thống
Khác với quan niệm ăn Tết của thế hệ cha ông, cuộc sống hiện đại khiến người ta chuyển từ khái niệm ăn Tết sang chơi Tết. Và xu hướng đi du lịch đón Xuân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa của đất nước hoặc đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng cao. Họ nghĩ rằng, ngày thường làm việc bận rộn, vất vả, ít có thời gian đi chơi nên tranh thủ những ngày nghỉ Tết để đi du lịch nước ngoài, có khoảng riêng dành cho nhau,… Việc ăn Tết cũng trở nên nhanh chóng hơn.
Chợ Tết
Trong những mảng màu của Tết, bên cạnh “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thì ký ức về Chợ tết dường như là kỉ niệm khó quên nhất. Xưa, để chuẩn bị cho Tết, ông bà ta phải tích góp, dành dụm cả năm trời. Phiên chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 cúng ông Công ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ và mua sắm vật dụng, thực phẩm. Còn với đám trẻ con, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố đi chợ hoa, mang cành đào, cây quất về trưng Tết. Tết đến, những phiên chợ lúc nào cũng tấp nập, đông vui.
Trong xã hội hiện đại, chợ Tết cũng có nhiều thay đổi. Những mặt hàng đặc trưng của ngày Tết truyền thống như câu đối đỏ, dây may mắn ngày nay không phải khu chợ nào cũng bán. Chợ Tết cũng vắng vẻ hơn. Có lẽ bởi ngày nay các ngành dịch vụ trở nên phát triển hơn. Mọi người chọn mua sắm ở những siêu thị gần nhà hay những siêu thị lớn - nơi có đầy đủ các mặt hàng mà lại sạch sẽ, được bày bán đẹp đẽ hơn ở chợ.
Ngày nay, hầu hết mọi người đều chọn siêu thị làm nơi mua sắm đồ Tết
Tục gói bánh chưng
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm,... Được ngồi quây quần cùng gia đình bên nồi bánh chưng lúc đó với mỗi người quả là một niềm vui khó tả bởi một năm chỉ có một lần. Họ muốn tự tay chuẩn bị những chiếc bánh chưng thiết đãi ông bà tổ tiên để thể hiện tấm lòng của mình cũng như để cái Tết trở nên thật trọn vẹn.
Tết nay, việc gói bánh vẫn còn đó, nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Nhịp sống vội vã khiến chiếc bánh chưng hay cây giò cũng vì thế mà linh động hơn bằng việc được đặt hoặc mua bánh có sẵn để tiết kiệm thời gian hơn. Không còn chỉ mỗi nhân bánh truyền thống, bánh chưng ngày nay được biến tấu với muôn kiểu đa dạng như bánh ngũ sắc, bánh chưng cốm,... nhưng vẫn giữ hương vị đặc trưng của chiếc bánh ngày Tết.
Tục gói bánh chưng dần bị mai một
Tục lì xì
Đi ngược dòng thời gian, chúng ta trở về với phong bao lì xì của Tết xưa, ngày trước việc lì xì được xem như là một điều may mắn đầu năm mà người lớn muốn dành cho trẻ nhỏ nhằm cầu mong cho chúng được may mắn cả năm, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Phong bao lì xì thường là bao màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, đỏ cả năm, số tiền trong bao lì xì có thể là một số tiền nhỏ tượng trưng cho tài lộc ngày tết. Trẻ con ngày xưa cũng chỉ có một mối quan tâm lớn nhất khi tết đến là được bố mẹ sắm cho quần áo mới, sắm cho đôi giày mới để mang vào đi chúc tết ông bà, để khoe cùng chúng bạn. Việc được lì xì không một ai quan tâm đến giá trị của bao lì xì đó bên trong chứa đựng bao nhiêu tiền bởi với người xưa và bọn trẻ của Tết xưa, bao lì xì đỏ là lộc đầu năm, là sự may mắn mà người lì xì cầu chúc cho người được nhận.
Nếu như ngày xưa bao lì xì thường là màu đỏ để tượng trưng cho sự may mắn, đỏ cả năm, thì ngày nay, bao lì xì được thiết kế với nhiều màu sắc bắt mắt xanh, đỏ, tím, vàng,... và ghi lên đó những câu nói theo trào lưu giới trẻ, ví dụ như: “Tết này vẫn giống Tết xưa, vẫn là con nít vẫn ưa lì xì”, “Năm Tuất là phải truất”,… Không chỉ vậy, ngày nay, việc người lớn xì lì trẻ nhỏ còn như một “nghĩa vụ hoàn trả”. Người lì xì phải nghĩ đến việc lì xì bao nhiêu tiền thì vừa, người ta lì xì cho con mình bao nhiêu, mình lì xì trả lại bao nhiêu, lì xì con đồng nghiệp bao nhiêu, lì xì cháu bao nhiêu,... Đến những đứa trẻ cũng hỏi nhau tết này được lì xì bao nhiêu tiền, sắc thái vui ít vui nhiều cũng từ đó mà biến động theo giá trị của phong bao lì xì.
Phong bao lì xì ngày nay cũng thay đổi rất nhiều
Cuộc sống ngày một thay đổi và những cái Tết cũng không giống nhau qua mỗi thời. Bên cạnh những cái Tết hiện đại giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống, nhiều gia đình vẫn lưu giữ hương vị Tết cổ truyền qua việc đi chợ Tết, gói giò, nấu bánh chưng. Thế nhưng mỗi người có một cái nhìn về Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình. Tôi tin rằng, dù là Tết xưa hay Tết nay, thì có những điều sẽ không thay đổi: Tết vẫn là lúc để con người ta hướng về gia đình, muốn trở về đoàn tụ quây quần bên gia đình và dành cho họ những lời chúc chân thành từ tận trái tim. Việc lì xì vẫn sẽ luôn là niềm mong đợi nhất ở trẻ em và là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu dịp Tết đến xuân về.
Bài viết: Hoàng Anh Thư (11D3)
Ảnh: Sưu tầm