- Sáng 10/12, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa tiếp tục giải đáp hàng loạt câu hỏi nóng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ sẽ được điểm 10 tốt nghiệp

Ông có thể nói rõ về việc miễn thi ngoại ngữ của thí sinh?

Ông Trần Văn Nghĩa: Về cơ bản sẽ giống như năm 2014 và các năm trước. Khác biệt là thí sinh sẽ đăng ký môn thi nào, thi ở cụm thi nào, mục đích dự thi làm gì: vừa xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở xét tuyển ĐH-CĐ, chỉ để tuyển sinh hoặc chỉ để xét tốt nghiệp.

Học sinh phổ thông đăng ký tại trường đang học, thí sinh tự do đăng ký tại điểm do sở GD-ĐT quy định sau đó chuyển cho cụm thi và Bộ GD-ĐT.

Vì vậy kỳ thi sẽ có 3 nhóm đối tượng học sinh: nhóm chỉ xét tốt nghiệp đăng ký 4 môn toán, văn, ngoại ngữ và thêm 1 môn tự chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. Các em vùng khó khăn việc dạy và học, điều kiện học ngoại ngữ không đảm bảo có thể thay ngoại ngữ bằng một trong số các môn trên.

Các em có chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT công nhận được miễn thi tốt nghiệp môn này.

Việc miễn này cũng có nghĩa các em được tính điểm 10 ở môn thi ngoại ngữ khi tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh nào muốn thi ĐH tại trường tổ chức thi môn ngoại ngữ vẫn phải dự thi môn này.

Với cách tổ chức môn thi như vậy thí sinh sẽ có nhiều cơ hội đăng ký tuyển sinh vào các khối, ngành của các trường ĐH-CĐ.

Dự kiến 34 cụm thi liên tỉnh

Việc tổ chức thi tại các cụm thi dự kiến như thế nào, thưa ông?

Về cơ bản sẽ tổ chức tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Trường nào chủ trì phải có điều kiện nhất định, đã từng có hàng chục nghìn thí sinh dự thi rồi mới đủ khả năng tiếp cận cách thi mới này, đảm bảo tính an toàn nghiêm túc.

Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh. Theo đó mỗi cụm thi có ít nhất 2 tỉnh nhưng chỉ trường lớn đủ điều kiện triển khai mới được thực hiện nhằm tránh xáo trộn so với hàng năm và đảm bảo an toàn hơn cho kỳ thi.

Dự kiến sẽ có 34 cụm thi liên tỉnh. Như vậy là một mô hình tổ chức và hai hình thức thực hiện. Tiêu chí đảm bảo đi lại thuận tiện cho thí sinh cũng được Bộ đặt ra. Với việc tổ  chức các cụm thi liên tỉnh và tại địa phương đối với các vùng đặc biệt khó khăn nếu địa phương có đề xuất sẽ giúp rút ngắn quãng đường từ nhà đến trường thi của thí sinh.

Công nghệ tổ chức hoàn toàn giống nhau: vẫn là sự phối hợp giữa các sở và các trường ĐH-CĐ.

Trường hợp các vùng đặc biệt, rất khó khăn, có thể điều động các trường đại học từ Hà Nội, TP.HCM lên hỗ trợ.

Xét tốt nghiệp THPT: 50% điểm bài thi, 50% điểm học tập

Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Việc sử dụng kết quả thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT vẫn ổn định như 2014 với kết quả được lấy từ 50% điểm bài thi của học sinh và 50% kết quả từ quá trình học tập ba năm THPT của các em, có cộng thêm điểm khuyến khích nếu có theo quy định.

Các ĐH-CĐ đã chọn phương án nào?

Đến nay tất cả các ĐH-CĐ đã báo cáo đề án tuyển sinh về Bộ GD-ĐT. Xin ông cho biết lựa các phương án đã được các trường lựa chọn?

Đến nay đại đa số các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. cụ thể có 428 trường ĐH-HV-CĐ gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ.

Tất cả các trường này đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, trong đó có 235 trường (135 đại học, học viện, trường đại học và 100 trường cao đẳng) chỉ sử dụng kế quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển; 192 trường (81 trường đại học, 111 trường cao đẳng) vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT.

Đặc biệt ĐHQG TP.HCM, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm, khối trường Y-Dược, công an, Quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Có một trường tốp trên có sơ tuyển như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, xét tuyển bổ sung như Trường Luật Tp.HCM và Học viện Báo chí Tuyên truyền xét tuyển dư ra sẽ có phỏng vấn hoặc bài viết năng lực. Trường ĐH Kiểm sát 85% điểm bài thi và 15% điểm phỏng vấn để xét tuyển.

Điểm khác biệt quan trọng cách em có điểm thi rồi mới đăng ký xét tuyển. Lợi ích là thi cử sẽ tránh rủi ro học tài thi phận.

Để tránh lượng thí sinh ảo đăng ký vào các trường, Bộ sẽ ứng dụng CNTT để quản trị dữ liệu của kỳ thi, nhất là khâu xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ và công khai dữ liệu để thí sinh và xã hội biết.

Về lệ phí thi cơ bản sẽ ổn định như mọi năm. Thí sinh nào thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ không phải nộp. Thí sinh nào vừa thi tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ sẽ phải Nộp.

Mức phí cụ thể sẽ sớm được Bộ Tài chính xem xét và quyết định để công bố cho học sinh.

  • Văn Chung - Kiều Oanh (Ghi)
Nguồn:
Link bài viết gốc