QĐND Online - Thay vì những bài học khuôn mẫu, học sinh trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đang được trải nghiệm những tiết học hấp dẫn, được tích hợp liên môn với sự khơi gợi đầy hứng thú của các giáo viên đầy nhiệt tình và kinh nghiệm...
Đào tạo những học sinh “dám nghĩ, dám làm”
Trong quá trình đổi mới giáo dục, một trong những nội dung Bộ GD-ĐT rất chú trọng là phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay với mục tiêu tạo điều kiện để các trường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống cũng như đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, Bộ đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Theo tinh thần công văn, Bộ GD-ĐT chỉ đạo trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cùng 6 trường phổ thông khác thực hiện chủ trương đổi mới quan trọng này.
Trường đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết thêm, với sứ mệnh là giáo dục và rèn luyện học sinh trở thành những công dân tương lai mạnh về thể chất, sáng về trí tuệ, giàu có về tâm hồn, từ một trường thực hành của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó thực hiện cơ chế trường công lập tự chủ tài chính, trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành chính thức trở thành trường phổ thông thực hành theo mô hình phát triển năng lực học sinh theo đề án được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
“Sứ mệnh của trường chúng tôi là giáo dục và rèn luyện học sinh trở thành những công dân tương lai mạnh về thể chất, sáng về trí tuệ, giàu có về tâm hồn, có kỹ năng sống tốt, biết tự học, có tinh thần trách nhiệm và nỗ lực sáng tạo không ngừng”, bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Do đó, mục tiêu cụ thể của nhà trường là trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Chú trọng phát triển năng lực vận dụng kiến thức khoa học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Phát huy tối đa năng khiếu và năng lực của từng cá nhân qua các hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật và các hoạt động giáo dục đào tạo khác.
Xây dựng chương trình phát triển năng lực
Để triển khai kế hoạch giáo dục phát triển năng lực, bà Thu Anh cho biết, nhà trường đã thiết kế nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục. “Dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, mỗi tổ chuyên môn tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa để xây dựng chương trình các môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo bối cảnh của nhà trường. Chúng tôi chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học. Học sinh được tạo điều kiện để bày tỏ quan điểm của bản thân trước tập thể, trong các giờ học. Ngoài ra còn đổi mới kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực. Chú trọng đánh giá quá trình dạy học, đánh giá qua phiếu đánh giá, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống”, Hiệu trưởng Thu Anh chia sẻ.
Phát huy tối đa năng khiếu và năng lực của từng cá nhân qua các hoạt động
Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức dạy học phân hoá (theo năng lực nhận thức qua xếp lớp và phân hoá theo năng khiếu cũng như hứng thú học tập qua các câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao) và định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực học sinh.
Sống yêu thương, tự chủ và trách nhiệm
Bên cạnh thời gian lên lớp, học sinh của trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành còn tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm phát triển năng lực. Trong 3 năm qua, rất nhiều hoạt động đã được các tổ chuyên môn triển khai thông qua các cuộc thi như: “Sách và tôi”, “Sáng tác thơ chào xuân” và “Sân khấu văn học dân gian” của tổ Ngữ văn; các cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” và “Sưu tầm tư liệu lịch sử về nhà giáo Nguyễn Tất Thành” của tổ Lịch sử; các cuộc thi “Robothon”, “Thả trứng trong không gian” và “Sáng chế và phóng tên lửa nước”của tổ Vật lý...
Theo xu hướng của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cũng rất coi trọng việc tổ chức các hoạt động vì cộng đồng với mục tiêu giáo dục học sinh biết sống yêu thương, tự chủ và trách nhiệm. Nhà trường đã triển khai nhiều dự án vì cộng đồng như các hoạt động hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn (Dự án áo ấm cho học sinh vùng khó khăn ở Hà Giang, Dự án từ thiện giúp bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Huyết học, dự án giúp trẻ em thiểu năng hòa nhập với cộng đồng), các hoạt động bảo vệ môi trường, các dự án hỗ trợ giáo dục… Với các hoạt động này, trường đã hình thành cộng đồng công dân tích cực và sống có trách nhiệm trong các học sinh. Tham gia các hoạt động vì cộng đồng học sinh sẽ dần trả lời được câu hỏi: Tôi là ai? Tôi muốn gì? Tôi quan tâm đến cái gì? Tôi sẽ làm gì vì cộng đồng?.... Sau mỗi dự án vì cộng đồng học sinh xác định được mục đích sống, học tập, trách nhiệm của bản thân và sự nỗ lực không ngừng cống hiến cho xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành đã xây dựng được một cộng đồng học tập, các thành viên của nhà trường đã chủ động tự học và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng và phát triển chương trình nhà trường. “Sự linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và chủ động đã giúp nhà trường vượt qua các khó khăn để thực hiện thành công chương trình thí điểm của Bộ GD-ĐT.
Bài, ảnh: YẾN ANH