Trong những ngày se lạnh của cuối thu Hà Nội, hòa cùng không khí vui tươi, náo nức của toàn ngành giáo dục chào mừng 33 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2015), Ban chấp hành Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thi “Viên chức Sư phạm với văn hóa trong nhà trường”. Thật vinh dự và tự hào khi trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành là một trong mười đơn vị được lọt vào vòng chung khảo diễn ra vào 19h ngày 09/11/2015 vừa qua và xuất sắc giành được giải Nhì.
Do hạn chế về mặt thời gian, việc tìm ý tưởng cho các tiết mục biểu diễn rất khó khăn. May mắn thay, tới gần vòng sơ khảo, cô giáo Lê Thị Thu đã đóng góp ý tưởng xây dựng tiểu phẩm “Tiếng sáo yêu thương” – tiết mục gây được khá nhiều ấn tượng với ban giám khảo trong cả hai vòng sơ khảo và chung khảo. Ngay sau khi lên kịch bản, các thành viên trong đội thi hưởng ứng và ra sức tập luyện. Ngoài kịch bản hay và sự tập luyện tích cực của thành viên trong đội, cả hai tiết mục dự thi như được tiếp lửa bởi giọng thuyết minh giàu cảm xúc của cô giáo Trần Thị Thúy. Trong suốt quãng thời gian tập luyện đó, đội thi đã luôn dành được sự quan tâm sâu sắc từ phía Công đoàn và Ban giám hiệu trường. Các thầy cô đã không quản bận rộn, luôn có mặt động viên tinh thần cho đội thi và góp ý rất nhiều để các tiết mục có thể hoàn thiện.
Đêm chung khảo diễn ra hồi 19h ngày 09/11/2015 tại Hội trường lớn 11 – 10 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở phần thi thời trang, đội thi Nguyễn Tất Thành đã mang tới hội thi màn trình diễn Trang phục nhà giáo xưa và nay đầy ấn tượng, thể hiện bước chuyển mình trong trang phục của các thầy cô theo dòng thời gian.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Chúng ta đang trở về với vẻ đẹp của những mùa xuân xưa, rưng rưng nhớ hình ảnh của những ông đồ mực thước mà giản dị với áo the, khăn xếp. Đơn sơ mà sang trọng, trang phục tôn dáng đi thanh thoát của thầy đồ gợi chúng ta nhớ về những lớp học giản dị giữa làng quê với tiếng ê a trầm bổng đọc bài của lũ trò nhỏ theo nhịp gõ thước của những thầy đồ thuở trước.
Và đây, ta hãnh diện và tự hào biết bao về chiếc áo dài của quê hương Việt Nam:
Những tà áo lụa mong manh ấy
Đã gói hồn tôi suốt trọn đời
Bộ áo dài duyên dáng, thướt tha mang vẻ đẹp thanh lịch và kiêu sa của người phụ nữ Việt. Chiếc áo dài truyền thống dịu dàng mà yêu kiều, xưa và nay luôn gắn liền với hình ảnh của các cô giáo bao lần đến lớp. Tà áo dài đã tôn vinh nét đẹp thanh lịch và kín đáo của các cô giáo việt Nam.
Áo dài vốn đã đẹp, ngày nay càng trở nên quyến rũ hơn khi được cách tân với những gam màu tươi sáng. Tay áo có thể ngắn hơn nhưng vẫn chít ben, vẫn xẻ tà… tôn lên vẻ trẻ trung, sang quý, mềm mại và gọn gàng hơn khi các cô lên lớp. Trải qua bao tháng năm, bao sự đổi thay, tà áo quê hương vẫn là trang phục không thể thiếu của các cô giáo Việt Nam, đặc biệt trong những dịp lễ hội hay những giờ lên lớp quan trọng trong năm.
Theo thời gian, trang phục lên lớp của các thầy các cô cũng có nhiều sự thay đổi. Nếu ngày xưa, ta chú trọng sự nghiêm trang thì ngày ngay, các thầy các cô thoải mái hơn trong những bộ trang phục thời trang, hiện đại hơn, trẻ trung hơn nhưng cũng không kém phần thanh lịch.
Trong nhịp sống hiện đại, công việc cần ở các thầy cô một diện máo mới. Bộ áo sơ mi kết hợp với quần âu đơn giản mà lịch lãm của các thầy, áo sơ mi cùng chân juyp, váy công sở trang nhã và duyên dáng của các cô càng tô đậm sự mới mẻ, năng động và tự tin của người giáo viên trong thời kì hội nhập.
Ngắm trang phục của nhà giáo Việt Nam qua các thời kì lịch sử, ta ngỡ ngàng nhận ra sau những bộ trang phục chính là hồn cốt văn hóa quê hương, là vẻ đẹp tâm hồn của các thầy cô, của những người khai trí, khai tâm, khai đức cho bao thế hệ học trò.
Sau phần thi thời trang, Nguyễn Tất Thành đã đem tới cho khán giả rất nhiều cảm xúc với tiểu phẩm “Tiếng sáo yêu thương”. Tiểu phẩm nói lên sự tinh tế, khéo léo và kiên trì của cô giáo trong việc động viên một em học sinh khuyết tật quay trở lại trường sau thời gian nghỉ học do mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể. Nội dung tiểu phẩm cùng sự hóa thân của các thầy cô vào nhân vật cũng như tiếng sáo tràn đầy yêu thương của em học sinh khuyết tật đem tới khán giản một thông điệp: Chúng ta có thể khiếm khuyết về mặt hình thức, nhưng không thể khiếm khuyết về mặt tâm hồn; Trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương.
So với vòng sơ khảo, vòng chung khảo lần này có thêm phần thi thuyết trình diễn ra sau cùng. Đại diện của mỗi đội phải trả lời một câu hỏi do ban tổ chức đưa ra. Cô giáo Đỗ Thu Hà – đại diện cho trường Nguyễn Tất Thành đã thực sự thuyết phục khán giả với khả năng thuyết trình đầy tự tin thể hiện sự hiểu biết cũng như phong cách chuẩn mực, mô phạm của nghề dạy học nói chung và nét văn hóa đặc sắc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng.
Sau khi kết thúc ba phần thi, mặc dù đã rất muộn nhưng tất cả các thành viên trong đội vẫn ở lại tới phút cuối cùng hồi hộp chờ công bố kết quả. Và cảm xúc như vỡ òa khi trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đạt được giải Nhì toàn đoàn.
Cuộc thi đã khép lại nhưng thành công từ cuộc thi đã trở thành thông điệp về văn hóa ứng xử, giao tiếp, phong cách của nhà giáo mẫu mực có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa trong nhà trường, góp phần xây dựng trường học văn minh, thanh lịch, hiện đại.
Bài: Phóng viên NTT
Ảnh: Nguyễn Đức Thịnh, Đinh Thùy Linh