Đề bài:

“Chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn xoe mắt ngạc nhiên hỏi:

- Ôi! Sao đi sớm thế?

- Chiếc lá vàng giơ tay chào, cười và chỉ vào những lộc non”

(“Chiếc lá vàng” - theo "Truyện ngụ ngôn” - NXB Thanh niên 2003)

Suy nghĩ của em về ý nghĩa gợi ra từ câu chuyện trên.

Bài làm

 

Lá vàng rơi để nhường chỗ cho lộc non (ảnh: internet)

1) Bài viết của Lý Thu Hà - lớp 11D1 (khóa 2012 - 2015)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã sống cả cuộc đời cho nền độc lập, tự do của Việt Nam. Mẹ Teresa - con người vĩ đại, đã giành cả trái tim yêu thương mênh mông của mình cho những chiêm linh bé bỏng, tội nghiệp. Nhà khoa học, nhà phát minh vĩ đại của thế kỉ 20 - Marie Curie - chết ở tuổi 67 vì mắc bệnh bạch cầu do nghiên cứu phóng xạ. Những con người ấy - những “chiếc lá vàng” của rừng thông mùa thu đang góp vào cho đời những sắc màu trong trẻo tinh khôi đáng yêu và đáng trân trọng. Như câu chuyện đã gợi mở ra trong ta bao miền suy nghĩ liên tưởng trước cuộc đời.

Câu chuyện kể về sự ra đi của chiếc lá vàng !

Đến mùa thì lá rụng, dường như đó đã trở thành quy luật tất yếu. Thế nhưng cũng như con người, chẳng phải ai khi nhắm mắt xuôi tay cũng để lại cho đời tiếng thơm, cũng là cái chết nhưng có cái chết nhục, chết vinh. Có những người khi chết đi là niềm đau đớn, tiếc thương của cả một thế hệ, một dân tộc, cũng có những người khi đang sống cũng đã bị người đời khiển trách, nguyền rủa.

“Chiếc lá” được nhắc đến trong câu chuyện là ẩn dụ đầy tinh tế cho kiếp người sống vì mọi người, chết cũng vì tương lai - một cách “cho đi không cần đáp trả”. Điều đặc biệt hơn hết, chiếc lá không đợi đến ngày tạo hóa mang nó về với đất mẹ mà chiếc lá, “tự bứt”, phải chăng nó đang cảm nhận sự sinh sôi nảy nở của những mầm non trong thân cây kia, phải chăng nó đã cảm nhận mùa xuân, mùa của lộc non khoe sắc đã về với cảnh vật. Và chiếc lá ra đi, tự nhận thức giá trị của bản thân mình, chiếc lá đã rơi xuống trong một tâm thế vui vẻ, với nụ cười hài lòng và cái vẫy tay vĩnh biệt cuộc đời ! Một cái kết đẹp huy hoàng và đầy khâm phục.

Trong bể dâu cuộc đời đầy những sóng gió, con người thường bị khuôn đời chật hẹp làm cho yếu đi, ích kỷ hơn, vị kỷ hơn. Có mấy ai nhận thức rõ được ý nghĩa của cái “Cho” cao đẹp như sự ra đi của chiếc lá? Có người sẽ lắc đầu xua tay, có người sẽ cho rằng đó là một sự hoài phí cuộc đời và làm như vậy liệu rằng sẽ mấy ai biết đến chiếc lá ngoài gốc cây giật mình thảng thốt? Chiếc lá hiến dâng tuổi đời của mình vì một tương lai mới, mầm lá mới của mùa xuân. Đó hơn hết là một cái tâm cao đẹp, một nghĩa cử vĩ đại. Xuất phát từ tình yêu dành cho cuộc đời, tình yêu cho mùa xuân, những chiếc lá ấy cho đi mà không cần sự đền đáp, hiến dâng mà chẳng đòi hỏi đến quyền lợi.

Nhìn lại lịch sử bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, một đất nước nhiều lần phải đắm chìm trong vòng nô lệ từ buổi hồng nguyên lập quốc - 1000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, rồi gần 30 năm đế quốc Mĩ xâm chiếm và gieo đau thương…

Điều gì đã giúp ta có được nền độc lập tự chủ như ngày hôm nay? Đó là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã dành trọn 79 mùa xuân cuộc đời mình cho Tổ quốc, đã bền bỉ dẫn dắt chỉ lối và đưa dân tộc ta đi theo ánh sáng cách mạng. Ngay cả lời di chúc cuối đời Người cũng viết: “ Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do”. Sinh mệnh của đất nước đã trở thành nỗi đau đáu khuôn nguôi suốt cuộc đời Người. Và không chỉ là sự hiến dâng của Bác, mà còn hàng triệu hàng triệu các anh hùng liệt sĩ dâng hiến tuổi xuân của mình cho tương lai đất nước hôm nay. Các anh đã ngã xuống, các anh đã ra đi nhưng các anh cũng sẽ trường tồn cùng năm tháng như “ mãi mãi tuổi hai mươi” các anh luôn sống trong con tim mỗi người Việt.

Nhờ có những “chiếc lá vàng” đẹp đẽ và đáng quý ấy, cuộc sống của chúng ta thêm thẫm màu yêu thương hơn. Còn gì đẹp hơn là sự cho đi đầy cao cả, hiến trọn con tim mình vì mọi người, vì cuộc đời? Ta sẽ thấy cuộc sống quanh mình thật thú vị và tràn đầy hương sắc. Sống vì mọi người, sống vì cái chung, ta sẽ được đền đáp xứng đáng bằng niềm tin yêu của mọi người như nhà Thơ Tố Hữu từng viết:

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một bông lúa chín chẳng nên mùa màng

Một người đâu phải nhân gian

Sống chăng một đống lửa tàn mà thôi

Bởi con người đã sống là sống trong chỉnh thể của một cộng đồng, xã hội. Ta không thể tách rời khỏi mọi người. Do đó, câu chuyện về chiếc lá vàng đưa ra cho ta bài học về lối sống đẹp ở đời: sống vì mọi người, vì tập thể; phủ định lối sống vị kỉ, chỉ biết mình, chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân lên tất cả.

Cho đi chẳng màng đến vụ lợi - tôi đã tự làm giàu cho cái lối sống ấy của mình bằng những việc giản đơn: dành thời gian trò chuyện với người bạn đang gặp khúc mắc trong cuộc sống, giúp một bà cụ qua đường giữa phố xá tấp nập, bớt đi một bữa ăn sáng để ủng hộ cho những người kém may mắn... Tất cả tất cả những điều bình dị, nhỏ nhoi ấy cũng chứa đựng những tình cảm, những lời tri ân tôi dành cho cuộc đời.

Chẳng nằm ở những nơi nào xa vời, chẳng phải là những gì khó nắm bắt - cách sống cao đẹp ở “chiếc lá vàng” trong câu chuyện tồn tại ở ngay những gì bình dị xung quanh ta. Hãy “sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”, ta sẽ cảm nhận những gì đẹp đẽ thân yêu nhất trong cuộc sống ta đang có. Tôi lại nhớ đến và muốn ngâm nga thêm một lần nữa những vần thơ cuối đời của nhà thơ Tố Hữu:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro gửi đất

Sống là chochết cũng là cho.

 

2) Bài viết của Lâm Đàm Thiều Ly - lớp 11D2 (khóa 2012 - 2015)

Bất kì đứa trẻ nào khi sinh ra cũng đều giống nhau, chỉ như một tờ giấy trắng. Điều làm nên sự khác biệt khi những đứa trẻ ấy lớn lên là lẽ sống mà chính nó lựa chọn cho mình. Cũng như vậy, có những người sống dưới cái bóng của cái “tôi” quá lớn, lại có những người cả một đời nguyện hi sinh, nguyện cho đi, vì những điều cao cả mà không hối tiếc.

Câu chuyện “Chiếc lá vàng” kể về một chiếc lá tự nguyện bứt khỏi cành cây khi những lộc non bắt đầu đâm chồi, nảy nở. Rời khỏi cành cây bấy lâu vẫn hằng nâng đỡ mình, chiếc lá khiến cái gốc “tròn xoe mắt ngạc nhiên”. Theo lệ thường, khi cái thời tươi đẹp nhất của mình đi qua, phải nhường chỗ cho thế hệ mới tươi đẹp hơn, tốt hơn, ít nhiều ai đó cũng có tiếc nuối trong lòng, nhưng kì lạ thay, chiếc lá trong câu chuyện lại mang đến một ngoại lệ cho người đọc: nó chỉ mìm cười và chỉ vào những lộc non. Đó là một tâm ý vẹn nguyên không chút vướng bận những hỗn tạp cảm xúc tầm thường: ghen tị, tiếc nuối, níu giữ. Câu chuyện về hành động và suy nghĩ của chiếc lá mang đến cho ta bài học về lẽ sống ở đời, cuộc đời luôn luôn xoay chuyển, để sống làm sao cho thật ý nghĩa; cần biết chấp nhận hy sinh về bản thân mình. Đó là một lẽ sống cao cả, vĩ đại, một lẽ sống ý nghĩa cho đời.

Là một quan điểm tích cực, lẽ sống ấy ngày nay đang được rất nhiều bạn trẻ học tập và noi theo. Chấp nhận hi sinh về bản thân đồng nghĩa với việc nhận lấy thiệt thòi về chính mình. Sống vì tập thể, cộng đồng đồng nghĩa với việc đặt cái “tôi” bên dưới cái “ta”. Trong đời người, mỗi giây khắc được cảm nhận hương vị cuộc sống có lẽ là điều đáng quý, đáng trọng nhất, là điều tuyệt vời nhất mà Thượng đế ban tặng. Sinh mệnh mỗi người chỉ có một, để sống cho thật xứng đáng với món quà vô giá ấy, con người phải biết đến chữ “cho”, cần tìm được ý nghĩa của cuộc đời như “chiếc lá vàng”. Có những sự ra đi chỉ là cái chết đơn thuần nhưng có những sự ra đi lại là một sự hi sinh, mất mát, người ở lại phải tiếc nuối ngậm ngùi. Đó là những con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho những cuộc đời khác.

Đó là những con người cho đi mà không chờ ngày báo đền. Đó là những con người được cả non sông đất nước, cả dân tộc kính trọng, ngưỡng mộ. Sống vì người khác, sống biết cho đi, bản thân sẽ được thanh thản, yên bình. Ở đời người ta sợ nhất là thời gian bởi thời gian là vòng quay nghiệt ngã. Nhưng thời gian lại sợ các vĩ nhân bời vĩ nhân cùng những gì họ đã cống hiến cho cuộc đời luôn vĩnh cửu. Có những mảnh ghép trong bức tranh cuộc đời tuy bé nhỏ, chưa thể gọi là vĩ nhân nhưng những gì họ đã làm đã cống hiến, trái tim mọi người luôn dành cho họ hai từ lớn lao ấy – mảnh đời của cả cuộc đời. Và một mùa xuân nữa mở ra là kết quả của những gì họ đã cho đi. Sống mãi với thời gian, cái mà “Những tấm lòng cao cả” ấy đã hiến dâng không chỉ đơn thuần vì tiếng thơm lưu lại muôn thuở mà thật sâu trong tấm lòng của những kiếp người vĩ đại là cả một trái tim đập nhịp mãnh liệt, cháy bỏng, khát khao mang mùa xuân mới cho đất nước. Đó là một trong những cách sống để khẳng định giá trị tồn tại cho con người.

Dường như lẽ sống “Cho đi” đã trởi thành sợi chỉ đỏ trong cuộc sống mỗi người dân Việt Nam, là mục tiêu sống lý tưởng, cao đẹp. Dân tộc Việt Nam từ trước tới nay vẫn luôn tự hào bởi những trang sử chói lòa, không chỉ bởi những chiến thắng vang dội vẻ vang mà còn bởi đức hi sinh đáng quý. Những con người đã ngã xuống vì tự do dân tộc, vì tương lai đất nước trong suốt bốn ngàn năm lịch sử nước nhà, là những đóa hoa tươi đẹp. Đất nước đã cho họ sự sống và khi đất nước lâm nguy, họ lại mang chính sự sống của mình để cứu rỗi dân tộc trước nguy cơ mất nước.

Những chiếc lá vàng ấy rụng rồi nhưng không vô nghĩa. Họ đã ngã xuống vì chồi non lộc biếc của mai sau, của chiếc áo mới mẻ của dân tộc khoác lên mình. Là một người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, chắc hẳn không ai là không biết đến chiến sĩ La Văn Cầu – người đã nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay phải, tay trái đánh phá mở đường cho đồng đội. Họ đã sống một cuộc đời biết cho đi, thâu tóm đến tận cùng ý nghĩa của “đức hi sinh”, sống theo quan niệm muôn thuở: “Điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta đã sống như thế nào?” ( Ballen)

Mỗi ngày mai là một tương lai tươi sáng. Để làm đẹp thêm cho cuộc đời, mỗi chúng ta cần học cách cho đi mà không hề luyến tiếc. Có thể không cần nuôi dưỡng khát khao cao cả như nhà thơ Thanh Hải, đến tận cuối đời vẫn cháy bỏng trong cống hiến cho đất nước:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

( Mùa xuân nho nhỏ)

Sống cho chọn chữ “Cho” chỉ đơn giản là sống biết vì người khác, vì những gì xung quanh:

“Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

( Tố Hữu)

Cho đi không chỉ để nhận mà ngay tại thời điểm đó ta đã nhận được rồi. Tuy nhiên không phải lúc nào hi sinh cũng là cao cả. Hãy biết hi sinh, cho đi bởi những điều xứng đáng với giá trị bản thân mình

Bản thân ta khi sinh ra là một bản gốc thì xin đừng chết đi như một bản sao. Sống trên đời đừng chỉ biết sao chép những hành động tầm thường vào quỹ đạo cuộc đời. Hãy là chính mình để tìm ra lẽ sống cao cả nhất: biết hi sinh, biết cho đi, xin hãy nhớ “Cho nghĩa là hạnh phúc, cho là nhận!” (Nguyễn Khắc Linh)

 

Lý Thu Hà và Lâm Đàm Thiều Ly