Giáo dục, nuôi dạy con luôn là một trong những trăn trở lớn của cha mẹ. Đặc biệt, khi con đang trong độ tuổi dậy thì, bắt đầu phát triển những suy nghĩ trưởng thành hơn, việc giáo dục con càng trở nên khó khăn. Nếu cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc của bản thân thì sẽ đưa con đi sai hướng trên “bản đồ hạnh phúc” của mình. Vì vậy, vào ngày 4/1 vừa qua, Trường Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh khối 8, nhằm giải đáp thắc mắc của các phụ huynh, đồng thời đưa ra những lời khuyên về nuôi dạy con, và quan trọng hơn: xây dựng một môi trường hạnh phúc cho con.

Buổi sinh hoạt rất vinh dự được đón tiếp PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - Giảng viên khoa Tâm lí Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh đó, chương trình có sự tham dự của cô giáo Nguyễn Thị Hợp - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cô giáo Lê Thị Mai Oanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Thiện - Tổng Chủ nhiệm Nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm và hơn 200 cha mẹ học sinh khối 8 tham dự.

Mở đầu chương trình, giáo Lê Thị Phương Thảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A4 – MC của chương trình chia sẻ: Bản thân là một giáo viên chủ nhiệm của khối 8, tôi biết việc nuôi dạy con rất khó khăn. Vì vậy, buổi sinh hoạt ngày hôm nay có 3 mục đích chính: giúp cha mẹ nhận biết dấu hiệu căng thẳng, cách chuyển hóa căng thẳng và biện pháp hiệu quả nuôi dạy con”.


giáo Lê Thị Phương Thảo mở đầu chương trình bằng màn giới thiệu chân thành

Ngay sau đó, PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu bắt đầu buổi sinh hoạt bằng câu hỏi: Đã có ai sáng nay tỉnh dậy và nhìn vào mắt một người thân trong gia đình chưa?. Từ đó, cô cho rằng, yếu tố phi ngôn ngữ có tác động rất mạnh mẽ đối với chúng ta, và đặc biệt với con.

Sau đó, cô đã đưa ra một thống kê cho thấy 72% phụ huynh của khối cảm thấy thỉnh thoảng căng thẳng khi nuôi dạy con. Qua số liệu đó, cô đã nêu lần lượt các nguyên nhân của căng thẳng, các biểu hiện khi căng thẳng mà phụ huynh thường có. Từ đó, cô cũng đã đưa ra cách giải quyết, chuyển hóa căng thẳng cho các bậc phụ huynh.


PGS.TS Trần Thị Lệ Thu mở đầu chương trình


Diễn giả chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu hiện đang là cố vấn cho chương trình “Cha mẹ thay đổi” của VTV. Bài giảng của cô dựa trên rất nhiều các tư liệu, tập phim của chương trình. Ở mỗi đoạn phim, các phụ huynh được chứng kiến những câu chuyện về hành trình nuôi dạy con của các bố mẹ mong muốn thay đổi bản thân. Những hình ảnh, tình huống chân thực trong đoạn phim khiến cho các phụ huynh rất xúc động.

Sau khi đã phân tích kĩ lưỡng về các đoạn phim, cô đã chỉ ra những sai sót thường có khi phụ huynh nuôi dạy con. Qua đó, cô cũng khéo léo truyền tải về tôn trọng sự khác biệt của con và cách giáo dục con phù hợp cho từng cá nhân:Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, và bố mẹ không nên bắt ép con phải trở thành khuôn mẫu theo mong muốn của bản thân”.

Cuối cùng, cô Lệ Thu giới thiệu về “Emotion coaching” - phương pháp kết nối cảm xúc giúp các phụ huynh có thể truyền tải sự cảm thông, yêu thương cho con.


Lệ Thu giới thiệu về “Emotion coaching” - phương pháp kết nối cảm xúc để giúp các cha mẹ tìm cách kết nối với con hiệu quả hơn



Các phụ huynh chăm chú lắng nghe, chụp ảnh lại những tư liệu cần thiết



Phụ huynh mạnh dạn đưa ra những chia sẻ, thắc mắc của mình


Buổi sinh hoạt đã diễn ra thành công!

Cô Lã Thu Hương, phụ huynh của một bạn học sinh khối 8 chia sẻ: Cô cảm thấy buổi sinh hoạt rất bổ ích và ý nghĩa. Khi cô nhìn các phụ huynh xung quanh, ai cũng rất xúc động và còn rơm rớm nước mắt khi xem các video được trình chiếu. Ai cũng như thấy có mình ở trong những tình huống đó. Cô mong rằng trong thời gian tới, trường sẽ tổ chức thật nhiều buổi sinh hoạt như thế này”.

Qua buổi sinh hoạt vô cùng bổ ích và ý nghĩa lần này, chắc hẳn các vị phụ huynh đã hiểu được rõ hơn rất nhiều về con, cũng như biết thêm được nhiều giải pháp, cách làm bạn với con, giúp con mở lòng tâm sự với những điều khó nói. Hi vọng trong tương lai, Trường Nguyễn Tất Thành sẽ tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để không chỉ giúp gắn kết phụ huynh với các con, mà còn giúp xây dựng một môi trường hạnh phúc cho các học sinh.

Bài viết: Nhữ Minh Châu (8A8)

Ảnh: Nguyễn Đỗ Bảo Ngân (8A7)