CUỘC THI "SÁCH VÀ TÔI"
Thế giới của người lớn có bao điều mà lũ trẻ con chẳng bao giờ hiểu được. Ai đã qua thời thơ trẻ, chắc hẳn ít nhất cũng đã có một lần băn khoăn: Vì sao mặt trời lại màu đỏ? Vì sao trái đất hình tròn? Con người sinh ra từ đâu?... Và cũng không ít lần thắc mắc về cuộc sống, về những điều mà có khi sống gần trọn cuộc đời người ta vẫn chưa hiểu nổi: Chết thực ra là như thế nào và liệu có thế giới dành riêng cho người chết không?
Với lời văn trong sáng, giản dị, cuốn tiểu thuyết đến từ Nhật Bản “Khu vườn mùa hạ” do Nxb Văn học phát hành có bìa được trang trí đơn giản với màu xanh tươi tắn của hoa và lá sẽ giúp lũ trẻ có được chiếc chìa khóa kì diệu để mở thế giới mà chúng luôn khát khao khám phá và mở chính tâm hồn mình.
Tác giả Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo, tốt nghiệp khoa sáng tác Đại học Âm nhạc Tokyo nhưng lại có duyên với lĩnh vực văn học. “Khu vườn mùa hạ” - tác phẩm đầu tay của Kazumi xuất bản năm 1992 - đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 1996, cuốn sách này được đề cử Giải thưởng văn học thiếu nhi Đức, năm 1997 giành giải văn học thiếu niên danh giá hàng đầu nước Mỹ Boston Globe Horn Award. Cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim, và được các bạn nhỏ nhiều nước trên thế giới mến mộ.
Truyện kể về ba cậu học sinh học lớp 6 là Kiyama, Yamashita và Wakabe. Wakabe đeo kính cận, rất “uyên bác” nhưng cũng rất dễ bị kích động. Sống với mẹ, cậu luôn khao khát có một người bố. Yamashita mập mạp nhưng tốt bụng, hiền lành. Cậu luôn mong được trở thành ông chủ tiệm cá như cha mình, cho dù mẹ cậu chẳng mấy ủng hộ. Nhân vật xưng “tôi”, Kiyama, lại sống trong một gia đình khá phức tạp. Cậu có ông bố cứ mải đi làm chẳng về nhà. Mẹ cậu bé thì chìm ngập trong thuốc lá, rượu chè nhằm trốn tránh thực tại. Cả ba đứa trẻ thường xuyên bị ám ảnh bởi thế giới hồn ma. Sau cái chết của bà Yamashita, nhóm ba người bạn này đã lên kế hoạch theo dõi một ông cụ không tên, gầy đét, đầu hói, thường mặc áo sơ mi màu nâu, đeo thắt lưng to để có thể mặc được cái quần rộng lùng thùng màu xám tro, đi giày thể thao giống học sinh tiểu học, sống cô độc nơi cuối phố.
Và rất tự nhiên, giữa ba đứa trẻ và ông cụ sống tách biệt với mọi người, chẳng nói chuyện với ai và dường như cũng chẳng ai buồn nói chuyện cùng đã hình thành một tình bạn kì lạ. Ba đứa trẻ nhiều lần phải nghe ông cụ càu nhàu, đôi khi còn quát mắng. Nhưng ông cụ không hề được nhắc đến tên trong câu chuyện ấy đã mang đến cho Kiyama, Yamashita và Wakabe một mùa hè ý nghĩa ở khu vườn với hoa lá, những công việc vặt như quét sơn hay chăm sóc vườn hoa, phơi quần áo. Chúng được học cách gọt lê, học chữ Hán và học những giá trị đích thực của cuộc sống… Cũng từ đó, ba đứa trẻ đã dần học được cách giải đáp những thắc mắc về cuộc sống, về những điều mà đến người lớn cũng khó mà hiểu được. Kiyama đã trở nên mạnh mẽ hơn. Wakabe thêm tự tin khi nói về ước muốn được sống hạnh phúc với bố. Yamashita không còn mặc cảm về mong ước trở thành ông chủ tiệm cá nữa. Và ba đứa trẻ, cũng đã mang đến cho ông cụ những bài học không ngờ.
Mùa hè tại khu vườn đầy hoa lá ấy kết thúc cũng chính là lúc chúng phải cảm nhận nỗi đau buồn đầu đời. Sự ra đi của ông cụ đã ngoài tám mươi tuổi ấy dạy cho lũ trẻ bài học cuối về cái chết - điều mà chúng đã cố tìm hiểu trước đây. Giờ đây, lũ trẻ đã không còn thấy sợ hãi khi nghĩ về thế giới bên kia nữa, bởi chúng biết, trong thế giới xa xăm đó có rất nhiều người quen - những người luôn quan tâm và yêu thương chúng, ngay cả khi đã không còn sống ở trên đời.
Bài dự thi của Nguyễn Thị Phương Anh - lớp 6A5 (năm học 2013 - 2014)