Sáng thứ bảy ngày 8-12-2012, sinh viên khoa Ngữ Văn đã có một buổi nghe báo cáo, nói chuyện, giao lưu và học hỏi đầy bổ ích, thú vị về công tác chủ nhiệm với cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Mở đầu buổi nói chuyện, cô Thu Anh đã rất chân tình khi phát biểu: “Ngày xưa khi là sinh viên sư phạm chúng tôi không được học về công tác chủ nhiệm. Chúng tôi tự tìm tòi và học hỏi lẫn nhau để có thể có hoàn thành tốt công việc của người giáo viên chủ nhiệm – công việc mà nhiều giáo viên cho là vất vả hơn việc dạy học rất nhiều, nhưng mang đến cho chúng tôi nhiều niềm vui, hạnh phúc. Hôm nay tôi đến đây để trao đổi với các bạn về những vấn đề tôi quan tâm trong công tác chủ nhiệm và kể cho các bạn nghe những gì tôi đã làm trong 20 năm làm chủ nhiệm của mình.”. Lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích đã gây ấn tượng cho tất cả người nghe và đem lại một không khí thoải mái, cởi mở giữa cô giáo và các anh chị sinh viên.
Theo quan điểm của cô Thu Anh, có bốn nội dung cần đặc biệt quan tâm khi làm giáo viên chủ nhiệm:
- Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tốt.
- Hình thành nề nếp nghiêm túc cho học sinh.
- Quản lí tốt việc học tập của học sinh.
- Tạo uy tín của giáo viên chủ nhiệm.
Đề cập tới nội dung thứ nhất, cô Thu Anh đặt câu hỏi :“Đội ngũ cán bộ lớp gồm những thành phần nào ? Nếu bạn được giao chủ nhiệm một lớp 10 bạn sẽ tìm lớp trưởng bằng những cách nào?”. Các anh chị sinh viên đã dễ dàng kể được thành phần cán bộ của một lớp học và đưa ra khá nhiều cách chọn lớp trưởng. Tuy nhiên, cô Thu Anh đã đặc biệt nhấn mạnh đến kĩ năng quan sát của giáo viên chủ nhiệm để tìm ra một lớp trưởng xứng đáng.
“Chọn lựa được một lớp trưởng tốt không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho tập thể mà còn giúp đỡ phần nào gánh nặng công việc cho giáo viên chủ nhiệm” - cô nói: “Một lớp trưởng tốt không nhất thiết là người đã từng làm ban cán sự lớp, cũng không phải là học sinh học giỏi nhất lớp tuy rằng điều đó sẽ thuận lợi hơn, mà trước tiên phải là người năng nổ, biết cách điều hành hoạt động tập thể, biết sẻ chia và sẵn sàng làm việc vì tập thể...”.
Cô Thu Anh tổng kết: “Có rất nhiều cách để bầu chọn lớp trưởng: lấy tinh thần xung phong; cho học sinh trong lớp bầu chọn; tìm hiểu qua học bạ của những năm học trước hay thật tinh ý quan sát qua các hoạt động của học sinh để lựa chọn...”. Rồi cô kể về những lớp trưởng rất tuyệt vời của cô. Câu chuyện về anh Tùng lớp trưởng khá ấn tượng : Trước khi được cô đề nghị làm lớp trưởng anh chưa bao giờ làm cán bộ lớp nhưng ba năm học THPT anh đã chứng minh mình là một lớp trưởng gương mẫu, chủ động trong các công việc, tập hợp được các bạn cùng tích cực tham gia các hoạt động tập thể và đặc biệt là anh rất biết cách quan tâm tới bạn bè nên được cả lớp tín nhiệm. Kỉ niệm đáng nhớ đối với cô Thu Anh là : một phụ huynh học sinh trong lớp gặp cô nói “Cậu lớp trưởng lớp cô tốt quá, cháu Tuấn đã rất tự tin và vui vẻ ngay từ ngày đầu được chuyển sang lớp cô,...”. Lời khen khiến cô nhớ lại câu chuyện của một ngày đầu năm học, khi cô thông báo cho anh Tùng “Có một bạn tên Tuấn lớp 10A9 sẽ sang lớp mình vào thứ 2 tuần tới, con giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với lớp mình nhé...”, anh Tùng đã chép thời khoá biểu của lớp mang sang cho anh Tuấn và thân thiện nói rằng: “Đây là thời khoá biểu lớp mình, thứ hai tuần tới cậu chuyển sang học nhé, cô giáo đã xếp chỗ ngồi cho cậu rồi...”. Một hành động nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm, tình cảm bạn bè, không chỉ kết nối được người bạn mới, đem lại tự hào cho thầy cô mà còn tạo được sự tin tưởng cho phụ huynh.
Cô còn chia sẻ nhiều câu chuyện nhỏ khác về cách hướng dẫn ban cán sự lớp làm nhiệm vụ để đội ngũ cán bộ lớp chủ động trong việc quản lí lớp học.
Các anh chị sinh viên chăm chú và háo hức lắng nghe
Chuyển sang nội dung thứ hai không kém phần quan trọng chính là quản lí tốt kỉ luật của lớp học. Ngay từ đầu năm học cô tổ chức cho học sinh trong lớp tự xây dựng nội quy lớp học. Khi trong lớp có những vấn đề đặc biệt cô hướng dẫn học sinh trong lớp tổ chức các buổi sinh hoạt lớp theo chủ đề. Cô nói : “Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm theo dõi tình hình lớp học đồng thời nên phối hợp với cha mẹ học sinh, giáo viên bộ môn và các bộ phận quản lý khác như giám thị, bảo vệ…, để nắm bắt kịp thời những hoạt động của học sinh để chọn phương án xử lý đúng đắn và công bằng. Nên tạo cơ hội tối đa để cán bộ lớp tự tìm cách xử lí khi có những tình huống bất thường trong lớp với mục đích làm cho nề nếp lớp học tốt lên chứ không nên áp đặt cán bộ lớp phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm tất cả lỗi của các bạn trong lớp”. Theo cô, “có những cách xử lí của học sinh tuy không phải lúc nào cũng phù hợp nhưng lại mang lại hiệu quả tốt hơn nhiều việc áp đặt của giáo viên chủ nhiệm”
Nụ cười thường trực của cô giúp không khí buổi nói chuyện trở nên gần gũi, thân tình và thoải mái
Cô Thu Anh rất tâm đắc với những buổi sinh hoạt lớp theo chủ đề bởi lớp nào cũng có những vấn đề nổi cộm để học sinh trong lớp cùng chia sẻ và tìm cách giải quyết. Dẫn dắt cho nội dung này, cô Thu Anh đã đề cập tới một chủ đề nổi bật trong các lớp học: Tình yêu học đường. Cô đặt câu hỏi cho các anh chị sinh viên: “Nếu lớp em chủ nhiệm có những cặp đôi thích nhau, em sẽ giải quyết thế nào?”. Câu trả lời được đưa ra là gặp trực tiếp học sinh nói chuyện và khuyên nhủ học sinh không nên yêu sớm,... Cô kể chuyện về buổi sinh hoạt lớp 12A8 chủ đề “Vì sao ta lại thích mình? Vì sao mình lại thích ta?” do anh Thế Anh dẫn chương trình và tự xây dựng nội dung theo gợi ý của cô đã tạo điều kiện cho học sinh trong lớp đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về tình yêu học đường để mỗi học sinh trong lớp suy nghĩ về cách ứng xử hợp lí khi nảy sinh tình bạn khác giới,... Chia sẻ về vấn đề này, cô cho rằng việc học sinh nảy sinh tình cảm khác giới là hoàn toàn bình thường, vấn đề là giáo viên chủ nhiệm nên chủ động trao đổi với các em như thế nào để các em thể hiện sự quan tâm với nhau một cách có văn hóa, không phản cảm trước thày cô, bạn bè và hướng tới việc giúp đỡ nhau học giỏi để có tương lai tốt đẹp hơn? Cô giáo không nên cấm đoán hay phán xét, bởi “Học sinh thuộc bài của chúng ta lắm !...” – cô Thu Anh hóm hỉnh.
Bằng cách kể chuyện hấp dẫn về những câu chuyện đã xảy ra với học sinh của mình, cô Thu Anh đã chỉ ra những khó khăn trong việc quản lí kỉ luật của một lớp học vì vậy các anh chị sinh viên thấy được trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện kĩ năng giải quyết vấn đề một cách hợp tình, hợp lí ngay khi còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Để quản lý tốt việc học tập của học sinh, phương pháp của cô Thu Anh là luôn khích lệ, động viên học sinh “Con được 10 Lí à? Tuyệt thế!”. Theo cô, giáo viên chủ nhiệm không nên “tiết kiệm” lời khen dành cho học sinh của mình “Học sinh lần trước kiểm tra được điểm 2, lần sau tăng lên điểm 4 là khen rồi!”. Với những học sinh có kết quả chưa tốt giáo viên chủ nhiệm cùng với học sinh trao đổi về nguyên nhân của điểm kém, đưa ra giải pháp để tiến bộ hơn vào ngày mai.
Khi làm chủ nhiệm cần chủ động trao đổi với các giáo viên bộ môn để biết được tình hình học tập của học sinh trong lớp và thể hiện sự hợp tác của mình với các đồng nghiệp. Mỗi tháng cô đều lập bảng điểm tổng kết và đề nghị Ban phụ huynh lớp khen thưởng những học sinh đứng đầu lớp và những học sinh có tiến bộ vượt bậc trong tháng. Theo cô, sự thành công trong việc quản lý học tập của giáo viên chủ nhiệm không phải lúc nào cũng là :“làm cho một học sinh học rất kém trở thành học sinh giỏi” mà đôi khi chỉ là “một học sinh chưa bao giờ học bài về nhà bỗng nhiên buổi tối biết lôi vở ra học”.
Tạo uy tín là nội dung cuối cùng cô Thu Anh đề cập tới. Cô khẳng định : “Uy tín của giáo viên chủ nhiệm là yếu tố quyết định hiệu quả công tác chủ nhiệm. Khả năng điều hành các hoạt động của lớp học, sự công bằng trong ứng xử, lòng tận tâm yêu nghề, yêu trẻ làm nên uy tín của người giáo viên chủ nhiệm,... Bạn sẽ không được học sinh kính trọng và nghe lời nếu giờ học bạn dạy học sinh không hiểu gì cả vì vậy ngay từ bây giờ ngoài việc học tốt kiến thức chuyên môn bạn cần học được phương pháp truyền đạt hiệu quả”. Cô Thu Anh nói thêm “Học sinh rất tinh tế, các em luôn nhận biết được tâm huyết, sự quan tâm của thầy cô dành cho mình, vì vậy hơn hết trong cách ứng xử với học sinh là thể hiện tình yêu thương đối với các em. Đối với những học sinh cá biệt giáo viên chủ nhiệm càng nên thể hiện tình cảm, sự quan tâm nhiều hơn những học sinh khác. Bằng tình cảm của mình các thầy cô giáo sẽ cảm hóa được các em, làm cho các em tiến bộ...”
Cô kể chuyện một học sinh ở trọ khi thấy cô đến thăm mang theo quà là chai dầu ăn đã thốt lên: “Cô giống mẹ em thế!”
Cô nói: “Sự tiến bộ và tình cảm của học sinh là niềm hạnh phúc vô giá của mỗi giáo viên chủ nhiệm. Đôi khi niềm hạnh phúc ấy chỉ là những tiến bộ nho nhỏ của học sinh”. Cô kể câu chuyện “Cái thìa của An”: Một cô giáo chủ nhiệm lớp bán trú gặp cô Thu Anh nói “Em vui quá chị ạ. Hôm qua, hộp cơm của em không có thìa, tìm mãi không thấy, em phải rửa một cái thìa của học sinh để dùng. Trưa nay khi em vừa vào lớp, An đã chạy lên và rút từ trong túi áo ra một cái thìa đưa cho cô. Thế là học sinh của em đã biết thể hiện sự quan tâm rồi,...” (An là một học sinh rất ít nói, không chơi được với nhiều bạn trong lớp),...
Buổi trao đổi của cô Thu Anh kết thúc bằng tiếng vỗ tay vang rộn của các anh chị sinh viên cùng với bao cảm xúc đan xen khó tả, vừa phấn khích vừa suy tư.
Tôi để ý mãi đến một chị trông khá xinh xắn, vừa cười vừa viết suốt buổi. Trò chuyện với chị về buổi báo cáo ngày hôm nay, chị vô tư chia sẻ: “ Ban đầu chị không nghĩ đến đây để ghi chép đâu, chỉ nghe và chơi... điện thoại thôi. Chị đã đi nghe báo cáo nhiều lần và những lần đó đều ngồi làm việc riêng mặc cho giáo viên nói gì thì nói. Nhưng hôm nay chính sự chân tình, hài hước của cô Thu Anh đã cuốn hút chị. Chị rất ngưỡng mộ cô, mong ước được trở thành một giáo viên gương mẫu như cô và từ đó nhận ra rằng mình còn quá non nớt về nghiệp vụ, còn thiếu sót rất nhiều. Cô đã thổi tinh thần yêu nghề vào chị, chị tự hứa với mình sẽ cố gắng thật nhiều!”.
Đó có lẽ không chỉ là cảm xúc riêng của một người mà còn là tâm trạng chung của những sinh viên đã một lần được làm việc cùng cô Thu Anh. Đối với tôi, là học sinh trong trường, qua buổi nói chuyện, tôi cảm nhận được nhiều hơn tình yêu thương bao la, nỗi khó nhọc, và cả sự hy sinh lớn lao… của các thầy cô với những đứa trẻ như chúng tôi!