Từ lâu, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn chú trọng đến hoạt động hợp tác và phát triển quốc tế với các trường như Trường Anderson, Trường Raffles của Singapore hay Trường Frederiksborg Gymnasium của Đan Mạch,… Ngày 18/8 vừa qua, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Làng Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội với sự góp mặt của tập thể giáo viên và học sinh đến từ trường Raffles Institution, Singapore.
Địa điểm đặt chân đầu tiên trong chuyến đi đó là Lò Bầu Cổ. Ở đây, các học sinh có cơ hội gặp gỡ những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm để tìm hiểu về cách làm gốm từ đất sét. Trong buổi giao lưu này, giáo viên và học sinh Singapore vô cùng thích thú với quy trình tạo hình bằng khuôn hoặc tay, tuy đơn giản nhưng vô cùng tỉ mỉ, trau chuốt.
Các học sinh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lò gốm Bầu Cổ
Sự tỉ mỉ, chăm chút của nghệ nhân làm gốm đã thu hút sự theo dõi chăm chú của đoàn giáo viên và học sinh Singapore
Ngoài ra, đoàn giáo viên và học sinh trường Raffles còn được các thợ làm gốm chia sẻ cách phân loại đồ gốm, đồng thời tìm hiểu quy trình hong khô, nung các sản phẩm đồ gốm để cho ra đời những mẫu vật hoàn chỉnh nhất.
Thầy giáo đến từ Singapore được hướng dẫn kĩ lưỡng trong việc tạo hình sản phẩm
Các học sinh cũng được trực tiếp tham gia quá trình tạo khuôn hình từ đất sét
Một khuôn mẫu hoàn chỉnh đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận và tỉ mỉ
Tiếp đó, cả đoàn tới thăm xưởng sản xuất Gốm lâu đời để chứng kiến quy trình tráng men và trang trí hoa văn. Đây là bước khá quan trọng trong quy trình sản xuất gốm sứ, sau khi phơi khô, nghệ nhân sẽ dùng bút lông để vẽ, trang trí hoa văn, tăng tính nghệ thuật, hấp dẫn cho từng sản phẩm gốm sứ. Có lẽ không có cách học nào hiểu quả hơn việc trực tiếp trải nghiệm và nhìn thấy tận mắt.
Các bạn trẻ say mê trang trí sản phẩm của mình
Để tạo ra những chiếc cốc, cái chén xin xắn và bắt mắt là một việc không hề dễ dàng
Dưới những bàn tay của các học sinh Raffles, những chiếc cốc đã được trang trí khá bắt mắt
Văn hoá giữa Singapore và Việt Nam có nhiều điểm khác khác biệt, vậy nên đây hẳn là cơ hội trải nghiệm nền văn hoá mới rất thú vị đối với các bạn học sinh Raffles Institution.
Quy trình tráng men của nghệ nhân Bát Tràng tại xưởng gốm
Trải nghiệm vô cùng đáng nhớ của các học sinh từ Đảo quốc Sư Tử
Chuyến đi học tập và trải nghiệm ở Bát Tràng là khoảng thời gian vui vẻ, bổ ích và lí thú đối với đoàn trường Singapore tại Việt Nam. Hi vọng rằng đoàn trường Raffles Institution sẽ có nhiều cơ hội hơn đến Việt Nam để tham quan, du lịch, học tập và trải nghiệm.
Bài viết: Phạm Gia Anh (11N2) - Vũ Đinh Ngọc Khuê (10D2)
Ảnh: Vũ Đinh Ngọc Khuê (10D2)