Đó là câu hỏi mà thầy giáo Ngô Thành Nam thường xuyên nhận được từ những thành viên khi tham gia vào cộng đồng giáo dục có tên MIE Expert Việt Nam (Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft Việt Nam).

Trong khi câu hỏi “giáo viên phải thay đổi ra sao?” đang được đặt ra ráo riết cho ngành giáo dục thì ở đây, hơn 10 nghìn thầy cô giáo tới từ khắp mọi miền của đất nước đã và đang ngày đêm nỗ lực tìm tòi, học hỏi, cập nhật những kiến thức mới nhất về công nghệ thông tin để phục vụ cho bài giảng của mình.

Một thầy giáo từng chia sẻ vui rằng “nhiều đêm ngồi đọc tài liệu, học bài, vợ la ‘sao không ngủ đi, cắm đầu vào máy tối ngày không à’”. Còn một cô giáo khác, cũng là một giáo viên trường làng ở một tỉnh phía Bắc, khi đang hứng nước mưa do nhà dột thì nhận được cuộc điện thoại thông báo đã lọt vào top 50 giáo viên xuất sắc nhất của Giải thưởng giáo viên toàn cầu. Để nhận được thành quả đó, cô cũng từng miệt mài học hỏi, giao lưu trên chính cộng đồng này.

Kể về những ngày đầu xây dựng cộng đồng, thầy Nam – một trong những thành viên đầu tiên và nòng cốt nhớ lại: Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên nền tảng CNTT, tôi may mắn là một trong 3 đại diện của Việt Nam được chọn tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Redmon, Mỹ. 


Năm đầu tiên, Việt Nam có 10 giáo viên được công nhận là Chuyên gia giáo dục Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert). Đến năm thứ 2, số giáo viên được công nhận là 25. Tuy nhiên, chúng tôi ít có cơ hội được liên lạc hỗ trợ nhau do giới hạn về khoảng cách địa lí. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng cần có một kênh thông tin liên lạc để chúng tôi kết nối, hỗ trợ nhau thường xuyên. Thế là nhóm Facebook mang tên MIE Expert Việt Nam ra đời.


Mục tiêu của 10 nghìn giáo viên tham gia cộng đồng MIE Experts là học hỏi, ứng dụng các công cụ CNTT có sẵn của Microsoft để phục vụ bài giảng hằng ngày một cách hiệu quả nhất.

“Khi đến với cộng đồng MIE, nhiều thầy cô cảm thấy e ngại và chia sẻ rằng mình đang bắt đầu bằng con số 0. Mỗi thành viên trong cộng đồng đều thấu hiểu điều đó vì mỗi chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh của chính mình trong các thầy cô ấy. Tôi vẫn thường nói với thầy cô đừng e ngại với từ “chuyên gia” bởi thầy cô là chuyên gia trong việc ứng dụng CNTT vào dạy học hiệu quả chứ không phải chuyên gia về việc sử dụng công nghệ một cách đơn thuần”.

Những thành viên mới vào cộng đồng sẽ được hướng dẫn tham gia các khoá học online miễn phí của Microsoft. Cộng đồng MIE cũng thường xuyên tổ chức các buổi Edutalk để chia sẻ về các chủ đề để các thành viên mới cùng nhau học tập. Sau khi hoàn thành các khoá học đạt yêu cầu, thầy cô sẽ được tự đăng ký và ứng cử cho danh hiệu “chuyên gia giáo dục Microsoft”. Sau khi đã được công nhận, họ sẽ tiếp tục được tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu để tự tin hơn với danh hiệu này.

Office 365 là một trong những công cụ được nhiều thầy cô ứng dụng thực tế cho công tác giảng dạy. Với chính sách đặc biệt dành cho giáo dục, các thành viên tham gia cộng đồng MIE được cấp tài khoản Office 365 miễn phí để vận dụng vào lớp học của mình. Hiện nay, nhiều giáo viên còn thích sử dụng Skype để kết nối học sinh của mình với các lớp học ở các tỉnh thành khác trong nước cũng như trên toàn cầu. Những thành viên của MIE cũng không lạ lẫm với những cái tên ứng dụng như: OneNote, OneDrive, Sway, Microsoft Form… 


Để ghi nhận và khích lệ những nỗ lực đó, nhiều năm, một số thành viên đã được chọn tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu của Microsoft tổ chức ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Những cái tên như thầy Huỳnh Bảo Thiên, cô Nguyễn Thị Liễu, cô Nguyễn Thị Hải Hà, cô Trần Thị Thuý, cô Nguyễn Huyền Trang… đều là những tấm gương, những người truyền cảm hứng cho cộng đồng MIE. Họ có thể đang công tác ở những môi trường giáo dục quốc tế với nhiều đặc quyền và thuận lợi, nhưng cũng không ít thầy cô đang hằng ngày đứng lớp ở những vùng quê nghèo với đủ thứ thiếu thốn, khó khăn.

Mỗi thầy cô đến với cộng đồng MIE đều mang theo một câu chuyện nghề, chuyện đời của riêng mình. Đó là cô Tô Thuỵ Diễm Quyên xuất thân từ một giáo viên dạy Hoá THCS với những hạn chế rất lớn về khả năng sử dụng công nghệ cũng như Tiếng Anh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tham gia cộng đồng đã có những bước chuyển mình đáng kể. Hiện cô Quyên được coi là một “chị cả” của MIE, một chuyên gia cả về ứng dụng CNTT trong dạy học cũng như về phương pháp, kỹ thuật dạy học, STEM. Đó là cô Nguyễn Trà Ly ở Nghệ An tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho các đồng nghiệp khắp nơi qua Skype. Cô giáo mầm non Đỗ Thuỳ Quyên kêu gọi các thành viên mua nông sản sạch để ủng hộ trẻ em vùng cao có ly sữa sạch uống mỗi ngày. Cô Trần Thị Thuý ở vùng quê nghèo Hưng Yên mang lớp học trường làng ra khỏi biên giới đất nước. Đó là cô Nguyễn Thị Liễu với những bất hạnh riêng nhưng luôn nhiệt huyết với nghề nghiệp…


Là người gắn bó với MIE từ những ngày đầu tiên, thầy Nam tâm sự: “Nơi này cho tôi động lực để tự cải thiện bản thân mình mỗi ngày. Tôi còn được học những bài học về tình người, về cuộc đời từ chính những thành viên trong cộng đồng. MIE cũng mở ra cho tôi nhiều cơ hội được giao lưu, học hỏi từ các giáo viên trên toàn cầu để thấy rằng bản thân mình vẫn còn nhỏ bé so với vô số người vĩ đại ở ngoài kia”.                                                                     

“Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình là người dẫn dắt hay truyền cảm hứng. Chỉ vì tôi đi trước nên có hơn các bạn một chút kinh nghiệm. Bản thân tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi những người xung quanh mình thành công trong công việc của họ”. 


“Em đã cố gắng thay đổi, tạo ra môi trường không áp lực cho học sinh, cho các em giao tiếp qua Skype, nhưng kết quả thi học kỳ không đạt chất lượng. Dường như trong một môi trường ở miền quê, học để thi, học để lấy điểm thì sự cố gắng đổi mới của em không mấy được quan tâm, chú trọng. Đôi lúc em cảm thấy lạc lõng và cô lập vì sự cố gắng thay đổi của mình, các thầy cô ạ!”

Đó là những dòng tâm tư mà một cô giáo đã chia sẻ trên cộng đồng MIE và cũng là trăn trở của rất nhiều thầy cô trong quá trình đưa những thay đổi đến với học sinh.

Trước những tâm tư này, thầy Nam nói: “Tôi nghĩ rằng đây không phải là câu chuyện mới lạ với các thầy cô của MIE. Chúng ta cần hiểu một thực tế rằng bản chất của sự thay đổi đôi khi làm cho bạn trở nên khác biệt với những người xung quanh. Bạn cô đơn, lạc lõng hay không đôi khi sẽ còn tùy thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân bạn nữa. Hãy cứ thay đổi, hãy cứ sáng tạo và hãy cứ thành công, rồi suy nghĩ của người khác về bạn sẽ thay đổi”.


Thầy Ngô Thành Nam nằm trong top 50 giáo viên toàn cầu
do Varkey Foundation bình chọn từ 30 nghìn giáo viên toàn cầu năm 2018

“Bạn cũng cần lưu ý mục đích của việc áp dụng CNTT thông tin của bạn là gì? Bạn mong muốn gì qua việc áp dụng ấy? Có phải bạn đã quá lạm dụng CNTT thông tin mà quên đi kiến thức cần truyền đạt cho học sinh chăng? Hãy suy nghĩ kỹ hơn trước khi bạn mang một công nghệ vào lớp học, đừng chỉ vì mục đích mới lạ mà quên đi những kiến thức cần đạt được. Sự linh hoạt trong việc dung hòa giữa phương pháp và công nghệ sẽ giúp bạn dễ dàng thành công hơn” – thầy Nam chia sẻ.

Trong những tình huống này, nhiều thành viên trong cộng đồng đã sẵn sàng đến các trường để gặp gỡ, chia sẻ về những câu chuyện thành công, những ích lợi từ các khoá học CNTT.

Hơn ai hết, bản thân anh mong muốn chính những người làm quản lý cần được tham gia các khoá học về đổi mới sáng tạo để hiểu được giáo viên của mình đang làm gì và tạo điều kiện cho họ có thêm nhiều cánh cửa mở trong cách kiểm tra, đánh giá. “Trong trường hợp này, người “thuyền trưởng” của một ngôi trường đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự đổi mới của một tập thể sư phạm”.


“Tôi yêu thích việc giảng dạy và trân trọng các bạn trẻ có mong muốn trở thành một giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, giáo viên không phải là một công việc quá hấp dẫn ở Việt Nam vì lương thấp. Vì thế, tôi nghĩ rằng những bạn trẻ quyết định trở thành giáo viên phải là những người có niềm đam mê với công việc này.

Nếu có lời khuyên nào cho các bạn giáo viên trẻ, tôi hy vọng các bạn sẽ luôn đam mê và sáng tạo trong giảng dạy”. 

Theo anh, kỹ năng đặc biệt nhất đối với một giáo viên là biết lắng nghe. “Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ và được lắng nghe, và trẻ con cũng không ngoại lệ. Khi các em được lắng nghe, các em sẽ có cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình, và điều này làm cho việc giảng dạy dễ dàng hơn rất nhiều”.


 

“Em xin chào tất cả các thầy cô. Em đã ‘like’ và ‘follow’ trang cũng mấy tháng rồi. Nhưng chỉ đứng ngoài theo dõi thế thôi, vì thấy có nhiều hướng dẫn về CNTT hay quá nhưng lại là điều xa lạ với một giáo viên vùng nông thôn như em - yếu về công nghệ, ngoại ngữ và cũng đang chết dần héo dần về chuyên môn, đam mê nghề nghiệp.

Rồi em bắt đầu hoang mang, nhiều thứ lạ quá, nhiều thầy cô giỏi quá, mà mình không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào nữa. 

Đến một hôm, cô Quyên giới thiệu cuộc thi E2V gì đó, mà em chẳng hiểu nó là cái gì. Khi mình không hiểu gì mà các thầy cô đã nộp bài dự thi rầm rầm, toàn dự án có đầu tư và kế hoạch từ lâu. Vậy là các thầy cô tham dự đã có kế hoạch cho E2V 2019 từ lâu mà mình thì chẳng biết nó là gì, chỉ biết là người thắng cuộc được đi Paris (điều mà mơ em cũng không dám).

May quá, triển lãm của 50 sản phẩm chung kết được tổ chức tại Hà Nội, nên kẻ khù khờ em đây quyết tâm "tay bị tay gậy" lên kinh đô để mở mang, để giải cứu cho bộ não ‘cá vàng’ của mình.

Phải nói rằng 2 ngày 12 - 13/01/2019 vừa qua là một trải nghiệm tuyệt vời hiếm có trong 10 năm dạy học của em….”

(Trích những dòng chia sẻ của cô giáo Thuy Dang về cộng đồng MIE và những ngày theo dõi cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT 2019)

 


 

Bài: Nguyễn Thảo

Thiết kế: Phạm Luyện

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Nguồn:
Link bài viết gốc